Trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam không chỉ tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo mà còn rất đỗi tự hào về truyền thống hiếu học và trọng học.
Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về thời phong kiến xa xưa, ta thấy khi xã hội Việt Nam còn chìm trong tăm tối, đói khát và lạc hậu nhưng vẫn sáng lên tinh thần hiếu học và trọng học. Nó trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh hun đúc những tâm hồn, tài năng, trí tuệ và luôn được đề cao: "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia". Chúng ta cùng tìm hiểu về sự học và thi cử thời xưa để hiểu thêm về cội nguồn truyền thống văn hóa hiếu học và trọng học của dân tộc.
Thời Bắc thuộc: chữ Hán được đem dạy ở nước ta. Sỹ Nhiếp là quan Thái thú quận Giao Chỉ (208), được coi là có công mở mang sự học ở nước Nam. Chữ Hán là văn tự chính thức của nước Nam nhưng chỉ để dạy cho con em quan cai trị.
Từ thời nhà Lý: Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn : 1010 - 1028) mới chú ý đến việc học hành. Tuy việc học mới chủ yếu mở rộng trong các nhà chùa và chưa tổ chức thi cử để kén chọn người tài nhưng nó đặt nền móng cho sự học hành của người Việt.
Đến thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072), đã mở rộng trường dạy học trong dân gian và Nho học được đặt lên hàng đầu. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho mở trường, lập Văn Miếu ở Thăng Long thờ Đức Khổng Tử. Các trấn, các xã bắt đầu có văn chỉ (lớp học).
Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), bắt đầu tổ chức thi cử để chọn người tài. Khoa thi đầu tiên trong lịch sử là năm 1075, gọi là "Khoa Tam Trường", nghĩa là thi 3 kỳ để chọn người tài, dành cho người thông hiểu kinh sử (gọi là Minh Kinh). Vị đỗ đầu khoa năm 1075 (khoa Ất Mão) là Lê Văn Thịnh - sau này làm đến Thái sư. Các Khoa thi tiếp theo là năm: 1086 1093, 1130, 1138.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc Tử Giám tại kinh thành, là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam thời phong kiến phục vụ học hành cho con em tầng lớp quý tộc. Thời kỳ này, trường học cũng được mở rộng ở khắp nơi.
Cũng năm Bính Thìn (1076), khoa thi thứ 2 được mở tiếp. Vị đỗ đầu khoa này là Mạc Hiển Tích được bổ chức Hàn Lâm học sĩ.
Đến đời Lý Anh Tông (1138 -1175), triều đình mở khoa thi Thái học sinh (1165).
Đời Lý Cao Tông, mở khoa thi Tam giáo vào năm 1195 để tuyển những người tinh thông Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo).
Như vậy, có thể nói: Thời nhà Lý (1010 - 1225), được coi là Triều đại đặt nền móng cho việc thi, việc học đầu tiên ở nước ta.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi cử và quy mô chưa được chặt chẽ như các thời sau.
Thời nhà Trần (1225 - 1400), việc học ngày càng quy củ và chính quy hơn:
Năm Nhâm Thìn (1232), vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh - vị vua đầu tiên của nhà Trần) cho mở khoa thi Thái học sinh và phân ra 3 cấp (Tam giáp): Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp. Đến năm 1247 cho đặt lại Tam giáp, trong đó: Nhất giáp có 3 người gọi là Tam khôi với các danh hiệu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Vị trạng nguyên đầu tiên năm Đinh Mùi (1247), là Nguyễn Hiển mới 13 tuổi, người làng Dương A, nay thuộc huyện Nam Ninh; Bảng nhãn là Lê Văn Hưu; Thám hoa là Đặng Ma La đều ở lứa tuổi thiếu niên.
- Năm 1374, khoa thi Thái học sinh được đổi là khoa thi Tiến sỹ và tổ chức thi Đình cho các Tiến sỹ.
Đời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), định cách thức thi Cử nhân.
- Từ 1400 đến 1407, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần và nhà Hồ tiếp tục mở khoa thi Thái học sinh.
Thời Lê Sơ (1428-1527):
- Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cho mở mang trường công, trường tư; nhà vua định chương trình học.
- Đến đời vua Lê Thái Tông (1434-1442), sự học được chú ý hơn và tổ chức quy củ; cho phục hồi Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình như nhà Trần và cứ 3 năm thi một lần, mỗi lần thi 3 kỳ: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Như vậy, bắt đầu từ năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông đặt lệ Thi Hương, cho treo bảng xướng tên người đỗ Tiến sỹ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ lòng yêu mến và cấp ngựa tốt về quê vinh quy bái tổ.
- Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1490), việc thi cử quy củ và nhân tài được đề cao, chú trọng hơn: 03 người đỗ nhất Giáp (tức Tam khôi): Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa có danh hiệu Tiến sỹ cập đệ; người đỗ Nhị giáp là "Tiến sỹ Xuất thân"; người đỗ Tam giáp là "Đồng Tiến sỹ xuất thân". Đặc biệt, đến năm Hồng Đức thứ 15 (1475), vua Lê Thánh Tông cho lập Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu Hà Nội để ghi tên những người đỗ Tiến sỹ và cho truy dựng lại bia người đỗ Tiến sỹ đầu tiên từ khoa Đại Bảo thứ 3 - Khoa Nhâm Tuất 1442 (Đời vua Lê Thái Tông). Vua Lê Thánh Tông tiến cử Thân Nhân Trung là một văn thần tài giỏi được thay lời vua viết một bài văn khắc vào bia số 1, trong đó có câu: "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên”.
Việc thi cử thời kỳ này rất khắt khe, chặt chẽ: Chỉ người đỗ kỳ thi Hương mới được thi Hội (thi Hội có 4 kỳ, gọi là Tứ trường).
Sau thi Hương, phải qua cả 4 kỳ thi Hội (Tứ Trường) mới được thi Đình. Thi Đình do nhà vua chọn đề thi, lấy điểm cao thấp để xếp thứ bậc.
Ai đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình thì gọi là Tam Nguyên. Trong 93 khoa thi, cả nước chỉ có 6 vị đỗ Tam Nguyên:
1. Trạng nguyên khoa Tân Sửu (1481) là: Phạm Đôn Lễ, người xã Hảo Trào, huyện Ngự Thiên.
2. Trạng nguyên khoa Quý Sửu (1493) là: Vũ Dương, người xã Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm.
3. Trạng nguyên khoa Ất Sửu (1505) là: Lê Nại, người xã Mộ Trạch, huyện Đường An.
4. Thám hoa khoa Bính Tuất (1646) là: Nguyễn Đăng Hạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du.
5. Bảng nhãn khoa Nhâm Thân (1752) là: Lê Quý Đôn, người xã Độc Lập, huyện Duyên Hà (cũ) tỉnh Thái Bình.
6. Hoàng Giáp khoa Bính Tuất (1766) là: Ngô Thi Sỹ, người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Tây (cũ).
+ Đến khoa thi năm Mậu Tuất (1778), đời vua Lê Hiển Tông thi thôi việc dựng bia Tiến sỹ tại Văn Miếu, lý do là thời kỳ này vua Lê - chúa Trịnh lục đục, suy tàn, việc thi cử bị xem nhẹ.
Đến triều Tây Sơn (1778-1802): vua Quang Trung (1788 - 1802) rất chú ý đến sự học. Ông cho ban bố chiếu Lập học, khuyến khích các xã mở trường học. Đặc biệt, vua cho mở rộng việc dạy chữ Nôm, đưa chữ Nôm thành văn tự chính thức của Quốc gia; vua cho lập Viện Sùng Chính để dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm; chữ Hán không còn giữ địa vị độc tôn.
Đến đời nhà Nguyễn (1802-1945): Nguyễn Ánh bỏ danh hiệu Tam khôi, tức Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (trong Tiến sỹ cộng đệ) thay là:
- Tiến sỹ cộng đệ - Đệ nhất danh (Trạng nguyên).
- Tiến sỹ cộng đệ - Đệ nhị danh (Bảng nhãn)
- Tiến sỹ cộng đệ - Đệ tam danh (Thám hoa).
+ Thêm học vị Phó Bảng (còn gọi là Ất Tiến sỹ)
Như vậy, có thể nói, đất nước ta đã trải qua hơn nghìn năm Bắc thuộc và các triều đại phong kiến, đời sống kinh tế, văn hóa còn lạc hậu, nghèo nàn nhưng đã có một truyền thống hiếu học và trọng học từ rất sớm. Việc học hành và thi cử thời phong kiến được tổ chức khá chặt chẽ, quy củ, nghiêm túc, đã chọn được người hiền tài ra phò vua giúp nước. Trong lịch sử giáo dục, khoa cử thời phong kiến Việt Nam, thời Lê Thánh Tông được coi là thời kỳ thịnh đạt nhất, phát triển nhất với nhiều công trình biên soạn có giá trị lớn như:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (năm 1479)
- Thiên Nam Dư Hạ Tập - là công trình có tính Bách Khoa đầu tiên ở Việt Nam.
- Lập ra Hội tao đàn gồm 28 ông Tiến sỹ giỏi thơ, gọi là "Tao đàn nhị thập, bát tú"
- Về luật pháp: Cho ra đời Bộ luật Hồng Đức là một bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất trong lịch sử luật pháp thời phong kiến Việt Nam.
- Vẽ bản đồ quốc gia Đại Việt lần đầu tiên được hoàn chỉnh.
- Lê Thánh Tông là vị vua có công lớn về lập Bia Tiến sỹ trước Văn Miếu năm Hồng Đức thứ 15 (1475) và truy dựng lại Bia Từ Khoa thi Tiến sỹ đầu tiên năm 1442 - đời vua Lê Thái Tông. Từ đó các triều đại tiếp nối dựng bia Tiến sỹ đến năm 1778 (đời Lê Hiển Tông). Tất cả là 336 năm với 116 Khoa thi. Nhưng tại Văn Miếu hiện nay chỉ có 82 bia vì chiến tranh và thời gian làm hư hỏng, mất mát.
Ngày nay, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng phát triển, song truyền thống hiếu học, trọng học từ ngàn xưa vẫn luôn được trân trọng và đề cao.
Đỗ Trọng Hội Khuyến học tỉnh