Trong lịch sử nước ta, có những con người mà sự liêm chính và công tâm của họ đã trở thành ngọn đèn soi sáng cho hậu thế. Lê Quý Đôn là một trong số đó - một bậc hiền tài không chỉ nổi danh nhờ học vấn uyên thâm, mà còn được người đời kính trọng bởi bản lĩnh chính trực, biết đặt lợi ích quốc gia lên trên tình riêng.

Ảnh: Nhà bác học Lê Quý Đôn, nguồn Internet
Một lần, khi được triều đình giao nhiệm vụ tuyển chọn nhân sự bổ sung vào bộ máy chính quyền, Lê Quý Đôn gặp phải một tình huống tế nhị: một người bà con xa có con trai tham dự kỳ thi tuyển quan lại - tuy lễ phép, song học vấn nông cạn, năng lực chưa đủ để gánh vác việc công, được gia đình gửi gắm, hy vọng ông sẽ “quan tâm”. Với nhiều người, đây có thể là dịp để “báo đáp thâm tình họ tộc”. Nhưng với Lê Quý Đôn - việc công là việc nước, lựa chọn con người phải dựa vào thực tài, không thể để tình riêng chi phối.
Cùng kỳ đó, có một sĩ tử khác, không hề thân thích với ông, nhưng nổi bật với tri thức sâu rộng, phẩm hạnh đoan chính, khả năng luận việc sắc sảo. Trong khi ấy, một vài thành viên trong hội đồng tuyển chọn, vì nể nang dòng tộc đã ngỏ ý muốn “xem xét linh hoạt” cho người bà con của ông. Trước luồng ý kiến này, Lê Quý Đôn kiên quyết bác bỏ, điềm đạm nói:
“Bổ nhiệm một người bất xứng chỉ vì quan hệ họ hàng - tức là đặt gánh nặng lên dân, làm rối loạn kỷ cương. Tôi thà bị trách là ‘lạnh lùng’ với ruột thịt, còn hơn bất công với quốc gia.”
Quyết định ấy ban đầu khiến trong họ có người phật lòng. Nhưng về sau, khi chứng kiến người được tuyển chọn làm việc hiệu quả, chí công vô tư, ngay cả những người từng bất bình cũng phải thừa nhận: Ông đã chọn đúng người.
Thời nào cũng vậy, chọn người là chọn tương lai cho bộ máy của đất nước. Dân có được hưởng thái bình, xã tắc có được thịnh trị, bắt đầu từ việc: ai được trao quyền, ai xứng đáng giữ trọng trách.
Lê Quý Đôn đã để lại cho chúng ta một chuẩn mực vĩnh cửu trong đạo làm quan và đạo làm người:
- Làm quan phải công tư phân minh, không để tình riêng lấn át phép nước.
- Làm người phải trọng nghĩa công bằng, lấy quốc pháp làm thước đo hành xử.
- Dùng người phải lấy đức và tài làm đầu, tuyệt đối không để cảm tính làm lệch hướng công lý.
Bác Hồ từng căn dặn:
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất cốt lõi của người cán bộ. Làm việc công mà quên lợi riêng thì đáng quý. Nhưng nếu lấy việc công để mưu tư lợi - thì không xứng đáng làm người cầm quyền. Người cán bộ phải biết ích nước - lợi nhà, giải quyết hài hòa các mối quan hệ công - tư, nhưng tuyệt đối không để tình riêng lấn át công tâm.
Tư tưởng ấy trở thành kim chỉ nam trong xây dựng đội ngũ cán bộ hôm nay. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã khẳng định:
“Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cán bộ yếu kém, sai phạm, không đủ uy tín. Tuyệt đối không để lọt vào cấp ủy, cơ quan lãnh đạo những người cơ hội, chạy chức, chạy quyền.”
Giai thoại về Lê Quý Đôn không chỉ phản ánh một con người và một thời đại, mà còn là tấm gương sáng cho cách nhìn nhận và thực thi công vụ trong hiện tại. Khi đạo đức và năng lực được đặt lên hàng đầu, cán bộ được lựa chọn xứng đáng, thì người dân mới đặt trọn niềm tin và quốc gia mới có nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.
Lê Quý Đôn không chỉ nêu gương cho hậu thế về cách học, cách trị quốc, mà còn để lại một bài học lớn về việc đặt công tâm lên trên tình riêng. Trong bất kỳ thời đại nào, muốn làm quan thanh liêm, được dân yêu quý - thì người cầm quyền phải biết chọn đúng người, làm đúng việc, vì đại nghĩa mà không vị tình riêng.
Đó là con đường duy nhất để xây dựng bộ máy trong sạch, một quốc gia trường tồn và một tương lai không bị đánh đổi bởi sự nể nang hay nhân nhượng sai chỗ.
Lại Tây Dương