Chùm thơ kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam của tác giả Lại Tây Dương gồm bốn tác phẩm: Ánh sáng và niềm tin, Trang báo trang đời, Nghề báo, Nhà báo và lương tâm. Mỗi bài thơ là một lát cắt sâu sắc, thấm đẫm tâm huyết, trải nghiệm và bản lĩnh của người cầm bút. Không chỉ ca ngợi, tác giả còn khắc họa chân thực những thử thách khắc nghiệt, trách nhiệm nặng nề và vẻ đẹp thầm lặng của nghề báo. Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu cùng quý vị:

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở
ÁNH SÁNG VÀ NIỀM TIN
Khoảng lắng xôn xao ngồi trước ánh đèn
Cân nhắc từng câu, đắn đo từng chữ
Người gieo hạt trên cánh đồng ngôn ngữ
Gỡ mối bòng bong chằng buộc phận đời
Như thân ong dâng mật ngọt tinh khôi
Tằm rút ruột nhả tơ vàng lặng lẽ
Dòng chảy nhân sinh đồng hành san sẻ
Trách nhiệm lớn lao mắt sáng lòng trong
Không bao giờ bẻ ngòi bút uốn cong
Soi góc khuất tìm lọc lừa cám dỗ
Những rào cản chẳng dễ gì xô đổ
Suy nghĩ sâu xa trăn trở đầy vơi
Sự thật khác chi nước uống, khí trời
Nhọc nhằn mưu sinh bát cơm, manh áo
Người cầm bút như cánh chim báo bão
Trải nghiệm tinh tường, trách nhiệm công dân
Trong hiểm nguy càng chiếu rạng lương tâm
Là điểm tựa không gì thay thế được
Đưa thông tin đến mọi miền xuôi ngược
Chắp nối tình đời, bằng ánh sáng niềm tin./.
Lại Tây Dương
TRANG BÁO TRANG ĐỜI
Những dòng tin chắt tự cuộc đời
Không nhuộm đen, không tô hồng sự việc
Những con chữ ùa vào trang viết
Như mạch gần cuộn chảy gặp trùng xa
Vẫn đan xen cái tôi, cái ta
Thị hiếu tầm thường phù hoa cám dỗ
Những rào cản không dễ gì xô đổ
Thoáng yếu lòng là ngòi bút uốn cong
Sự thật nhiều khi rẽ lối đi vòng
Bởi áp lực vô hình, bởi lọc lừa mưu mánh
Thời cuộc nóng biết giữ đầu cho lạnh
Mắt tinh tường và tỏa sáng lương tâm.
Đồng hành cùng đất nước, nhân dân
Nhọc nhằn tìm bát cơm manh áo
Người cầm bút như cánh chim báo bão
Gỡ mối bòng bong chằng chịt buộc kiếp người.
Đâu lẽ công bằng, chân lý đầy vơi
Trên đỉnh vinh quang là cận kề đáy vực
Dẫu ngấn bụi thời gian lặng quên người viết
Trang báo, trang đời vẫn neo chặt hồn tôi
Lại Tây Dương
NGHỀ BÁO
Như đánh vật với từng câu chữ
Đưa thông tin đến mọi cuộc đời
Đêm vời vợi tàn canh chưa kịp ngủ
Cây bút trong tay chẳng muốn rời
Biết nghề báo là nghề vất vả
Là lương tâm trách nhiệm ước mơ
Là trong sáng trước muôn nghìn cám dỗ
Không uốn cong ngòi bút bao giờ
Trước ngang trái vững vàng bình thản
Trái tim đau cùng thể thái nhân tình
Trăn trở giữa cuộc đời bề bộn
Mây lành thêu nắng đỏ bình minh
Có thể hy sinh ngay giữa thời bình
Khi cái ác luôn rập rình cái thiện
Khi sự thật phải im hơi lặng tiếng
Những lọc lừa bọc trong áo ca sa.
Công lý mong manh con gió thoảng qua
Hỏi đâu những cánh chim báo bão
Vâng! Thiên chức ấy là bạn, là tôi, là tất cả mọi người làm báo.
Lại Tây Dương
NHÀ BÁO VÀ LƯƠNG TÂM
Khác chi ngậm ngải tìm trầm
Ngọn đèn, cây bút âm thầm thâu canh
Đùa vui: “Cái nghiệp trời hành”
Mồ hôi, nước mắt, chất thành dòng tin
Tư duy – bản lĩnh – tầm nhìn
Tránh xa cái ác, lọc tìm điều hay
Bốn bề dâu bể đổi thay
Vẫn bình thản sống thẳng ngay giữa đời
Xôn xao sóng vỗ trùng khơi
Chính tà, đen trắng, rạch ròi, nghiêm minh
Từ cuộc chiến, đến thời bình
Vẫn còn thế lực vô hình bủa vây
Bao nhiêu vất vả đắng cay
Chiêu trò, mưu mánh phô bày ngổn ngang
Niềm tin như lửa thử vàng
Người cầm bút lại sẵn sàng dấn thân
Hết lòng vì nước, vì dân
Công bằng, trách nhiệm, lương tâm, nghĩa tình.
Lại Tây Dương
Điểm nổi bật của chùm thơ là góc nhìn nhân sinh và không né tránh hiện thực. Nghề báo hiện lên vừa là hành trình miệt mài với câu chữ, vừa là sứ mệnh chống lại cái ác, tìm kiếm và lan tỏa điều tử tế. Phía sau mỗi trang viết là biết bao trở lực: cạm bẫy, rào cản vô hình, áp lực thầm lặng... Song, vượt lên tất cả là ý chí giữ vững lương tâm - nơi ánh sáng của sự thật và công lý được đặt ở vị trí cao nhất. Đó là giá trị cốt lõi mà người làm báo chân chính luôn gìn giữ.
Mở đầu cho chùm thơ là bài Ánh sáng và niềm tin, như một khúc tự sự lặng lẽ, nơi người làm báo đối diện với chính mình trong không gian tĩnh mịch khi màn đêm buông xuống.
“Khoảng lắng xôn xao ngồi trước ánh đèn
Cân nhắc từng câu, đắn đo từng chữ”
Hai câu thơ đầu vẽ nên khung cảnh tưởng như yên bình, nhưng lại chất chứa bao suy tư, giằng xé. Người viết không chỉ đưa tin, mà còn gieo những mầm ngôn từ giữa muôn vàn phận đời biến động, như chính hình ảnh “gỡ mối bòng bong chằng buộc phận đời”.
Ẩn dụ “ong dâng mật”, “tằm rút ruột nhả tơ” là những hình ảnh đầy ấn tượng, là sự hy sinh bền bỉ và âm thầm của người cầm bút. Đó là một hành trình đòi hỏi sự tỉnh táo và trong sáng: “mắt sáng, lòng trong” - giữa muôn vàn cám dỗ, hiểm nguy, họ vẫn giữ niềm tin vào ánh sáng của sự thật.
Nếu Ánh sáng và niềm tin là lời tự sự nội tâm, thì Trang báo trang đời lại mở ra một không gian sống động hơn, nơi báo chí không chỉ là công việc, mà là lẽ sống, là mối quan hệ hữu cơ gắn bó máu thịt giữa người viết và cuộc đời:
“Trang báo, trang đời vẫn neo chặt hồn tôi”
Câu thơ vang lên như một lời khẳng định dứt khoát: người làm báo không đứng ngoài cuộc, mà luôn đồng hành cùng dân tộc, lắng nghe nhịp đập của thời cuộc, thấu hiểu cả nỗi lo cơm áo, khát vọng bình dị của nhân dân. Báo chí, vì thế, không tách rời cuộc sống, mà hòa quyện, soi chiếu và nâng đỡ nó từng ngày.
Dẫu áp lực bủa vây, từ trách nhiệm nghề nghiệp đến những rào cản vô hình, tác giả vẫn nêu cao tình người, sự chân thành và bản lĩnh nghề nghiệp lan tỏa trong từng con chữ. Đó là một lời nhắc đầy nhân văn: viết báo không chỉ bằng trí tuệ, mà còn bằng trái tim biết rung cảm và sẻ chia.
Nếu Trang báo trang đời là sự gắn bó tâm huyết giữa người viết và cuộc sống, thì đến Nghề báo, chất tự sự càng trở nên mạnh mẽ và dồn dập, như chính hơi thở gấp gáp của nghề:
“Là trong sáng trước muôn nghìn cám dỗ
Không uốn cong ngòi bút bao giờ”
Hai câu thơ như một lời thề nghề nghiệp, cứng cỏi, rắn rỏi, không khoan nhượng. Ở đây, Lại Tây Dương không chỉ viết về nghề báo, mà đang viết về bản lĩnh, về trách nhiệm của người làm báo trước sự thật. Trong thời bình, sự hy sinh không còn là máu đổ ngoài chiến trường, mà là sự im lặng nhẫn nhịn, là dám nói lên sự thật giữa bao điều dối trá, là đối mặt với những “lọc lừa khoác áo tu hành” mà vẫn giữ được ngòi bút không bị uốn cong.
Nhịp thơ gấp, mạnh và đầy quyết liệt - không chỉ phản ánh hiện thực cam go, mà còn khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về nghề. Khép lại bài thơ là một tiếng vang, hào sảng, đầy kiêu hãnh: “Vâng! Thiên chức ấy là bạn, là tôi, là tất cả mọi người làm báo.”. Lời khẳng định giản dị mà thiêng liêng, như một hồi chuông đánh thức ý thức nghề nghiệp trong mỗi người cầm bút: nghề báo không chỉ là công việc - đó là sứ mệnh.
Sau những bài thơ khơi dậy ý chí và trách nhiệm, Nhà báo và lương tâm khép lại chùm thơ bằng một chiều sâu lắng đọng - nơi nghề báo không chỉ là sứ mệnh mà còn là hành trình đi vào nội tâm, đối diện với chính mình:
“ngậm ngải tìm trầm”
Chỉ bốn chữ, nhưng chất chứa một ẩn dụ đầy ám ảnh. Giống như hành trình tìm trầm giữa rừng sâu - gian nan, thầm lặng, nhiều khi trả giá bằng cả máu và nước mắt - người làm báo cũng không ngại dấn thân vào vùng tối của hiện thực, để chắt lọc từng hạt sáng sự thật. Câu thơ như một tuyên ngôn cho nghề báo: quý giá, hiếm hoi, nhưng đầy thử thách và hy sinh.
Bài thơ không kết thúc bằng cảm xúc bi lụy, mà bằng sự kiên định và niềm tin vào những giá trị không thể đánh đổi: công bằng, trách nhiệm, lương tâm, nghĩa tình - đó không chỉ là phẩm chất cá nhân, mà còn là nền tảng đạo đức cho mỗi nhà báo chân chính.
Chùm thơ của Lại Tây Dương, từ Ánh sáng và niềm tin đến Nhà báo và lương tâm, không chỉ là lời tri ân nhân Ngày Nhà báo Việt Nam, mà còn là bản tuyên ngôn đầy xúc cảm và bản lĩnh. Một lần nữa, ông nhắc chúng ta: nghề báo không chỉ cần cây bút sắc bén, mà còn cần một trái tim tỉnh táo và một lương tâm không bao giờ ngủ yên. Là ngọn lửa giữ ấm lòng người - giữa bóng tối, nhà báo là người đi tìm ánh sáng để chia sẻ cho cộng đồng.
Lời bình Mạnh Vũ