Ảnh: Trường thi thời phong kiến
(Nghe nội dung chi tiết tại đây)
Tiếp theo bài “Luận bàn về tìm kiếm và sử dụng hiền tài” đăng trên mục Văn nghệ ngày 23-7-2021. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về “Tài ứng đối của Nguyễn Hòe” và cách cư xử của quan chủ khảo.
Người tài bao giờ cũng có những cá tính, bởi vậy người sử dụng “Hiền tài” phải có lòng bao dung, độ lượng, vị tha, càng không được nhỏ nhen đố kỵ thì mới phát huy được khả năng sáng tạo của người tài. Như vậy, người tài mới cống hiến được nhiều cho cơ quan, đơn vị, quê hương, đất nước.
Nguyễn Hòe là một danh sĩ đời Lê, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng. Đến kỳ thi ông cùng môn sinh và bằng hữu hối hả lên đường vào kinh ứng thí. Éo le thay, quan chủ khảo kỳ thi ấy cũng tên là Hòe, theo tục kiêng “Húy” thì người có thứ bậc thấp, danh vị nhỏ, tuổi ít hơn phải đọc chệch tên để bảo đảm sự tôn trọng bề trên. Vì lẽ ấy người xướng danh đã đọc chệch Nguyễn Hòe thành Nguyễn Huề, biết vậy Nguyễn Hòe nhất quyết không vào trường thi. Khi các sĩ tử đã an tọa, quan chủ khảo thấy một thí sinh đeo ống quyển vẫn lăng xăng chờ đợi bên ngoài bèn hỏi:
- Còn ai chưa có tên ?
- Nguyễn Hòe Thưa: Trình còn con chưa có tên.
- Quan chủ khảo hỏi người gọi tên về trường hợp này.
- Người này thưa: Thưa quan, con đã gọi nhưng người này không vào.
Quan tỏ vẻ không hiểu liền hỏi Nguyễn Hòe: Tại sao người ta gọi tên anh, anh không vào, nhưng lại bảo là chưa có tên? Nguyễn Hòe đáp: Vì không đúng tên con nên con không dám vào.
Sau khi tra xét căn nguyên, quan biết đây là một học trò vô cùng cứng đầu, bướng bỉnh liền phán: Anh không muốn vào trường thi một cách thường tình, thì ta sẽ cho anh vào theo cách của ta, ta sẽ ra một vế đối nếu anh đối được hoàn chỉnh thì sẽ được vào thi, bằng không ta sẽ cấm cửa.
Nguyễn Hòe vâng lời, quan chủ khảo đọc câu đối.
“Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh Tương như, thực bất tương như”
Đây là một vế đối vô cùng hiểm hóc, quan chủ khảo đã dẫn ra nhân vật Lạn Tương như thời Xuân Thu Chiến Quốc, nổi tiếng là bậc tài năng, khi nghèo khó phải đến nương nhờ quan nội thị Mục Hiền nước Triệu, nhờ trí thông minh tài ứng xử lòng cam đảm đã giúp vua Triệu là Huệ Văn Vương bảo vệ viên ngọc quốc bảo Hòa Thị, và không chịu nhục trước hội thề với Tần Chiêu Vương nên được phong đến chức Tể tướng. Còn Tư Mã Tương Như chỉ là một viên quan nhỏ nhưng đẹp trai, có tài âm nhạc người đã đặt ra khúc Phượng Cầu Hoàng khiến người đẹp là Trác Văn Quân lắng nghe thổn thức can tràng nên đang đêm đã bỏ nhà trốn theo, quan có ý so sánh: hai người này cùng tên là Tương Như nhưng danh phận, sự nghiệp khác nhau, một người làm Tể tướng, một người chỉ là quan nhỏ, cũng như ta và anh cùng tên là Hòe, nhưng ta làm quan còn anh chỉ là bạch diện thư sinh so với nhau thế nào được.
Nguyễn Hòe thưa: Con xin đối lại như sau: “Ngụy Vô - Kỵ, Trưởng-Tôn Vô - Kỵ, Bỉ Vô - Kỵ, ngã diệc Vô- Kỵ”.
Ngụ ý: Công tử Vô Kỵ đời Ngụy Chiêu Vương là một Vương tôn, Trưởng - Tôn Vô - Kỵ đời nhà Đường cũng là một Vương tôn, hai Vô - Kỵ này đều nổi tiếng là bậc hiền nhân tài gỏi, nhưng Vô - Kỵ cũng có nghĩa là không kỵ, không kiêng, con đã biết lỗi nhưng quan cố chấp thì con sẽ không kỵ, không kiêng quan nữa.
Thấy vế đối rất chỉnh về ý tứ và thủ pháp, quan chủ khảo tấm tắc khen nhưng yêu cầu Nguyễn Hòe phải đối thêm một câu nữa: “Xỉ tính cương, Thiệt tính nhu, Cương tính bất như nhu tính cửu”
Dịch nghĩa: Xỉ là răng, Thiệt là lưỡi, răng rắn, lưỡi mềm nhưng bao giờ răng cũng rụng trước lưỡi. Ngụ ý: Anh thông minh nhưng không nên cứng rắn quá, đừng học cái rắn của răng mà nên học cái mềm của lưỡi thì sẽ hiển đạt và thành công.
Nguyễn Hòe xin đối lại: “Mi sinh tiền, Tu sinh hậu, Tiên sinh bất nhược, hậu sinh trường”.
Dịch nghĩa: Lông mi mọc trước, râu mọc sau, nhưng bao giờ râu mọc sau cũng dài hơn lông mi mọc trước.
Quan chủ khảo tấm tắc khen, công nhận là tài và ông cho Nguyễn Hòe vào dự thi.
Kết quả kỳ thi ấy Nguyễn Hòe đỗ đầu và sau này ông đã có nhiều cống hiến cho đất nước./.
MV<D