Sau khi đàn áp đẫm máu phong trào nông dân Tây Sơn, vua Gia Long nhanh chóng thực hiện chủ trương thống nhất đất nước. Nước Việt Nam trải dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Năm 1816 nhà vua chính thức tuyên bố và trên thực tế đã thiết lập chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Khi thủy quân của triều đình nhà Nguyễn đổ bộ lên đảo, trên đảo lúc đó đã có một số ngư dân Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, thi thoảng có một vài tàu thuyền của người Hoa vào neo đậu tránh bão). Năm 1838 nhà Nguyễn (dưới triều vua Minh Mạng) đã hoàn chỉnh bản đồ Việt Nam (Đại Nam thống nhất toàn đồ), trong đó có cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến đời vua Tự Đức Bản đồ Việt Nam có cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được in trong sách giáo khoa “Khải đồng” để dạy cho học sinh tiểu học trên toàn quốc. Như vậy nhà Nguyễn đã giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước ngay từ bậc tiểu học.
Tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh Pháp với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Cuộc chiến kéo dài 26 năm với sự kết thúc bằng Hòa ước Patenotre giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn. 19 điều khoản của Hòa ước Patenotre đã chia Việt Nam thành 3 xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Sau hòa ước Patenotre Triều đình nhà Nguyễn chỉ nắm quyền cai trị đất nước trên danh nghĩa. Mọi việc bang giao, quan hệ quốc tế đều do chính quyền Pháp thâu tóm.
Chính quyền Pháp đã nhân danh Việt Nam, tiếp tục thực thi chủ quyền và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, hai quần đảo này được sáp nhập vào các tỉnh đất liền, có quân đội viễn chinh Pháp và lính bảo an người Việt Nam cùng canh giữ. Tại hai quần đảo, quân đội Pháp – Việt xây cột mốc chủ quyền, xây hải đăng, đặt trạm khí tượng thủy văn và trạm vô tuyến điện. Trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa (tên tiếng Pháp là Pattle) có vị trí 16033’ độ vĩ bắc; 111037’ độ kinh đông; độ cao 5,5m so mực nước biển.
Trong 35 năm từ năm 1939 đến năm 1974 (Năm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, từ tay chính quyền Việt Nam cộng hoà) số liệu quan trắc của trạm Hoàng Sa được đưa vào mạng lưới phát báo quốc tế của hệ thống Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization – WMO) với tư cách là trạm khí tượng của Việt Nam. Ngày 2/5/1955, Việt Nam chính thức là thành viên Tổ chức Khí tượng thế giới.
Ông Mai Xuân Tập (1910-1983) người làng Phương Liệt, Thanh Trì (Nay thuộc quận Thanh Xuân), Hà Nội. Năm 1930 đến năm 1935 ông sang Pháp học nghề điện báo (télégraphiste). Năm 1938, khi Trạm khí tượng Hoàng Sa thành lập, ông được cử ra quần đảo Hoàng Sa làm điện báo viên.
Ông được phép mang theo gia đình gồm vợ là bà Nguyễn Thị Thắng và hai con gái là Mai Thị Phi (1936) và Mai Thị Phương (1937). Cùng theo ra đảo khi Trạm khí tượng Hoàng Sa được thành lập còn có gia đình ông Đỗ Đức Mùi, ông Nguyễn Tăng Chuẩn và nhiều công chức Pháp – Việt. Trên đảo Hoàng Sa ngày đấy, ngoài quân đồn trú, các cán bộ Trạm khí tượng, còn có một số ngư dân từ đất liền ra đảo sinh sống.
Trạm khí tượng được trang bị máy phát sóng ngắn (TSF) nối thông tin Hoàng Sa với đất liền. Đảo Hoàng Sa có bia chủ quyền, trạm hải đăng, đồn binh, khu dân cư, giếng nước ngọt nằm giữa đồn binh và Trạm khí tượng. Bác sỹ Nguyễn Tăng Chuẩn – Một người được đào tạo ở Pháp về phụ trách trạm y tế của đảo. Trên đảo rất nhiều chim. Nguồn phân chim được dân cư gom lại cho vườn rau, cây trái trồng trên đảo. Cá ngoài biển, gà vịt nuôi trong chuồng, cuộc sống của cư dân trên đảo được đảm bảo ổn định.
Năm 1939 bà vợ ông Tập có thai ngày 7/12/1939 bé gái ra đời trong sự chào đón hân hoan của cư dân trên đảo. Ông Tập đặt tên đứa con gái được sinh trên đảo Hoàng Sa là Mai Kim Quy. Giấy khai sinh được cấp ngày 28/6/1940 do ông Chauvet, đại diện đơn vị hành chính quần đảo Hoàng Sa ký và đóng dấu đỏ. Dấu có dòng chữ tiếng Pháp “Délégation de Croissant et Dépendances”, có nghĩa là “Đơn vị hành chính đảo Trăng Lưỡi Liềm và các đảo phụ thuộc” (Tên gọi chung quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa). Phía trên bên trái ghi rõ: Cộng hòa Pháp, Xứ bảo hộ An Nam, đơn vị hành chính đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa.
Nội dung Giấy khai sinh ghi: “Em bé Mai Kim Quy (nữ), sinh ngày 7/12/1939, hồi 15 giờ tại đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) là con gái ông Mai Xuân Tập – nhân viên khí tượng (météorologiste) và bà Nguyễn Thị Thắng (nội trợ). Người làm chứng ký tên là bác sỹ Nguyễn Tăng Chuẩn và Trưởng trạm vô tuyến Đỗ Đức Mùi”.
Hết nhiệm kỳ công tác, năm 1941 ông Mai Xuân Tập đưa vợ con trở lại đất liền (Phú Nhuận – Sài Gòn). Ông làm kỹ thuật viên vô tuyến điện trên tàu De Lanessan, chuyên khảo sát hải dương học tại vùng biển phía Nam Việt Nam. Sau năm 1945, ông Mai Xuân Tập trở lại nghề điện báo, làm cho các sở bưu điện Nha Trang, Phan Thiết, Huế... Ông nghỉ hưu năm 1970. Trước khi mất vì bệnh năm 1983, ông Mai Xuân Tập đã trao lại cho các con cất giữ tấm giấy khai sinh của Mai Kim Quy được cấp ở Hoàng Sa và toàn bộ những tấm ảnh gia đình chụp trên đảo. Đó là những kỷ niệm thiêng liêng của gia đình.
Biết Nhà nước Việt Nam đang đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa, các con ông Mai Xuân Tập đã hiến tặng bản gốc Giấy khai sinh và các tấm ảnh cho Nhà nước vào tháng 8 năm 2013, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức trang trọng Lễ tiếp nhận những bằng chứng vô giá này.
Đó là những bằng chứng thực tế góp phần củng cố cơ sở pháp lý để Chính phủ và nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi lại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
Ngọn hải đăng và trạm khí tượng thủy văn do người Pháp và người Việt xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX.
Giấy khai sinh của Mai Kim Quy do chính quyền đảo Hoàng Sa cấp ngày 28-6-1940.
Nguyễn Văn Đầm - Hội Khuyến học tỉnh