(Nghe nội dung chi tiết tại đây)
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn gọi là Văn Đạt tự Hanh Phủ hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương xưa, nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, tài năng kiệt xuất của vị danh sĩ trọng thần này được phát lộ từ rất sớm, chưa tròn một năm ông đã biết nói nhiều từ, mới bốn tuổi đã thuộc kinh sử, một lần thấy cha đọc sách, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ vào bốn chữ và đọc “Nhật xuất Đông Phương” có nghĩa là mặt trời mọc ở phương Đông, khiến cha ông sững sờ vô cùng kinh ngạc.
Lớn lên, ông theo học danh sư Bảng nhãn Lại bộ thị lang Lương Đắc Bằng, có năng khiếu thiên phú lại hiếu học, kiên trì, khổ luyện gặp được thầy giỏi uyên bác, tận tâm truyền dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhanh chóng tiếp thu nắm vững một khối lượng tinh hoa kiến thức đồ sộ, không những tinh thông Dịch lý, Thuật lý, Thái Ất Thần Kinh, Âm dương vận hội, đoán hiểu biến thiên tuần hoàn vạn vật trời đất mà còn là tác giả của những câu sấm - ký biết trước sự kiện 500 năm và sau 500 năm với nhiều tình tiết bí ẩn ly kỳ lưu truyền trong nhân gian phảng phất kiểu “Liêu trai chí dị” đến nay vẫn chưa được giải mã trọn vẹn.
Nung nấu nguyện vọng được đem tài trí phụng sự giúp nước, giúp đời nhưng hoài bão của Nguyễn Bỉnh Khiêm không thực hiện được bởi sự tranh giành quyền lực quyết liệt của các thế lực phong kiến, lợi dụng nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung tóm thu binh quyền rồi chiếm đoạt ngai vàng lập vương triều Mạc, đẩy đất nước vào tình trạng loạn ly, dân chúng lầm than thống khổ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đành ẩn nhẫn chờ thời. Mãi đến năm 45 tuổi ông mới vào kinh ứng thi và thi đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi năm 1535, làm quan với nhà Mạc được tám năm, thấy gian nịnh hoành hành, nhũng nhiễu Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ tâu trình nhà vua xin chém 18 kẻ lộng thần nhưng không được chấp thuận, ông xin lui về cảnh điền viên. Nhưng rồi nhà Mạc lại triệu ông và một số sĩ phu trở lại tham chính, ông được phong hàm tuyệt phẩm: Tả Thị Lang Thượng Thư Bộ Lại, Trình tuyền hầu, tước Trình quốc công bởi thế người đời gọi ông là Trạng Trình.
Nhưng các cuộc xung đột liên miên giữa Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn ngày càng khốc liệt, khiến quyết sách canh tân, phục hưng đất nước của Nguyễn Bỉnh Khiêm không được thực thi.
Năm 70 tuổi, ông vĩnh viễn từ bỏ quan tước về quê nhà đau đáu nỗi niềm cô trung, bi phẫn. Ông dựng am Bạch Vân bên sông Tuyết Hàn đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ, Tuyết Giang phu tử mở trường dạy học, ông có công phát hiện, đào tạo những thế hệ học trò lỗi lạc: Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục, Nguyễn Quyện, Lương Hữu Khánh... Tuy ở cố hương nhưng có công việc hệ trọng trong triều Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn vẫn phái thủ hạ thân tín đến thỉnh giáo xin ý kiến của ông.
Cùng với dòng chảy của nền văn hiến đất nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm có một vị trí xứng đáng, ông được suy tôn là nhà triết luận, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà tư tưởng và đặc biệt là nhà tiên tri:
Vào một tối 30 tết Nguyễn Bỉnh Khiêm ngồi đàm đạo lý số với một học trò ở xa đến thăm và chúc tết thầy, đang nồng nàn thù tạc, bỗng ngoài cổng có người xin gặp, ông sai người nhà bảo hãy chờ, sau đó ông và người học trò cùng bấm quẻ để đoán xem người ấy gặp có việc gì. Cả hai thầy trò cùng bấm quẻ “Thiết đoản, mộc tràng” là sắt ngắn, gỗ dài, Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi: anh đoán người ấy cần gì? Người học trò trả lời: Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài chắc hẳn họ muốn mượn cái “mai” đào đất.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cười: Tôi đoán là họ mượn cái búa. Rồi ông cho mời người ấy vào, quả nhiên là đến mượn “búa”. Người học trò thán phục, Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích: anh bấm quẻ đã giỏi nhưng suy luận chưa tài, vì ba mươi Tết người ta mượn “mai” làm gì, chỉ có mượn “búa” để bổ củi nấu bánh chưng: anh bấm quẻ đúng nhưng suy luận phải cơ biến mới tránh được sai lầm.
Là một người thông thái, trí tuệ mẫn tiệp, Nguyễn Bỉnh Khiêm dày công nghiên cứu đồng thời sở hữu một kho tàng kiến thức đồ sộ, góp phần giải mã những bí ẩn vận động và bất biến của vũ trụ, thiên nhiên trong dòng chảy không ngừng. Ông chỉ ra quy luật cứ qua thời kỳ thịnh trị, nếu không chú tâm củng cố và phát triển thì sớm muộn cũng gặp suy vong.
Tương truyền rằng, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm ốm nặng biết không qua khỏi, ông đã trao cho con cháu một thứ gọi là “Bảo vật truyền gia” ông dặn “Nếu các cháu làm ăn còn tìm được sinh kế thì đừng bao giờ động đến bí mật này”. Chỉ khi nào cuộc sống quá quẫn bách thì hãy mang đến trao tận tay cho quan trấn nhậm đương thời, hãy nói là của cụ Tổ gửi tặng, chắc sẽ giải được cái họa đói nghèo. Vật đó là một ống tre được sơn son thiếp vàng hai đầu gắn chặt cẩn thận.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, đến đời hậu duệ thứ 7, gia cảnh quá khó khăn, nhớ lời cụ Tổ, người cháu liền đem bảo vật trình quan, khi qua cổng lính canh thấy người cháu lam lũ nhếch nhác nên không cho vào, hai bên lời qua tiếng lại, giằng co xô xát làm huyên náo cả công đường, quan liền gọi người cháu và hỏi: Ngươi có việc gì mà đòi gặp ta? Thưa: “Tôi là hậu duệ 7 đời của Trình Quốc Công, thuở sinh thời cụ tổ dặn phải trao tận tay quan vật quý này” rồi trình lên.
Tổng đốc mở ống tre ra thấy một cuộn giấy có hai câu chữ nho:
Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần
Nghĩa là: Ta cứu mày khỏi sà nhà đổ
Mày cứu cháu ta bẩy đời nghèo
Thấy lời lẽ ngông cuồng gọi quan bằng mày, Tổng đốc nổi giận, sẵn chiếc phất trần trên bàn bèn cầm lấy đứng dậy đuổi đánh người cháu, nhưng vừa bước khỏi chiếc sập thì xà nhà từ đỉnh đầu đổ rầm xuống may mắn thoát chết.
Quan sợ hãi, biết rằng Trạng Trình đã tiên tri cứu mạng sống nên ân cần xin lỗi khoản đãi trọng thị người cháu và chu cấp một khoản tiền giúp gia đình người cháu thoát đói nghèo.
MV<D