Hằng năm cứ mỗi độ tết đến, xuân về trên bàn thờ gia tiên của người Việt không thể thiếu mâm ngũ quả.
Theo triết lý phương Đông, số 5 vừa linh thiêng, vừa bí ẩn, thuyết âm dương ngũ hành đã gắn 5 vì sao với bản mệnh con người, đó là Kim (vàng), Mộc (cây), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất). Âm nhạc cũng có ngũ cung đó là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Cơ thể con người có ngũ tạng gồm: Tim, Gan, Phổi, Thận, Lá lách. Ngũ phúc gồm: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh (Phúc là hưởng Phúc, Lộc luôn luôn dồi dào, Thọ là sống lâu, Khang là mạnh khỏe, Ninh là vui vẻ). Ngũ thường có: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngũ vị gồm: Cay, Đắng, Chát, Chua, Ngọt. Ngũ sắc gồm các màu chủ đạo: Vàng, Xanh, Đỏ, Trắng, Đen. Ngũ cương có: Quân thần, Phụ tử, Huynh đệ, Phu thê, Bằng hữu. (Vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè). Vòng luân hồi của mỗi kiếp con người đều phải trải qua 5 giai đoạn: Sinh, lão, mệnh, tử, sinh. Số 5 được suy tôn là Vua thuộc hành Thổ màu Vàng nên đứng chữ Sinh.
Khi bầy mâm ngũ quả ông cha ta đã chọn 5 loại quả như sau: Chuối, Phật thủ, Hồng, (Hoặc Cam, Quýt), Dứa, Ớt, với quan niệm nải chuối được ví như bàn tay xòe ra ôm trọn lộc của trời, quả Phật thủ còn gọi là tay Phật tượng trưng cho Đức Phật nghìn tay, nghìn mắt cứu độ khắp thế gian. Tuy nhiên quả Phật thủ không có nhiều nên được thay thế nằng quả Bòng (Bưởi), quả Hồng tượng trưng cho hồng phúc của con người, quả Dứa được coi là phượng hoàng của loài quả có nhiều gai, quả Ớt có vị cay cũng được xếp vào ngũ quả bởi quan niệm cuộc đời không chỉ có ngọt ngào mà còn nhiều gai góc và vị đắng cay, đây dũng là dụng ý tài tình của ông cha ta tạo nên một bức tranh tĩnh vật lung linh đa sắc màu hài hòa, đan dệt nhau mà không triệt tiêu nhau.
Cũng bầy mân ngũ quả nhưng người phương Nam lại chọn 5 loại quả là: Quả Mãng cầu, quả Sung, quả Dừa, quả Đu Đủ và quả Xoài đó là cách thể hiện ý tưởng cầu sung vừa (Dừa) đủ (Đu Đủ) sài (Xoài) thế là mãn nguyện.
Mâm ngũ quả ngày tết đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc tâm hồn Việt là khát vọng, hoài bão nghìn đời của ông cha ta thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cộng đồng, yêu cuốc sống, yêu quê hương đất nước. Gía trị nhân văn của thuần phong mỹ tục này sẽ mãi mãi đồng hành, tỏa sáng cùng các thế hệ con cháu Lạc Hồng hôm nay và mai sau./.
Lại Tây Dương