Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (lập 01- 01 - 1946)
(Nghe nội dung chi tiết tại đây)
Lịch sử dựng nước và giữ nước, vận mệnh của bất kỳ Quốc gia nào thịnh trị hay suy vong, phát triển hay tụt hậu đều phụ thuộc nhiều vào công cuộc tìm kiếm, phát hiện và sử dụng hiền tài. Ông cha ta từ xưa đã rất đúng khi coi “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”.
Trong dòng chảy sôi động của nền kinh tế trí thức hiện nay, hiền tài càng có vai trò rất quan trọng, đó là những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực và có trí tuệ thực sự biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, có chí tiến thủ, nhậy cảm, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ, một lòng một dạ trung thành với đất nước và nhân dân.
“Hiền” ở đây không đồng nghĩa với “Lành” gọi dạ bảo vâng, vào thưa ra gửi, càng không phải những người “Ngậm miệng ăn tiền”, “Dĩ hòa vi quý” không thể hiện chính kiến mà “Gió chiều nào xoay chiều ấy” như mẫu “Con dơi” trong chuyện ngụ ngôn của Laphongten.
Hành trình vạn dặm đi Tây Thiên thỉnh kinh, Đường Tam Tạng là một mẫu người “Hiền”, ông “Lành” đến nỗi đồ đệ là Tôn Ngộ Không vẽ một vòng tròn cho ông đứng chờ đồ đệ đi khất thực, ấy vậy mà ông vui vẻ chẳng phàn nàn, chỉ đến khi yêu quái giả dạng dụ dỗ thì ông điềm nhiên bước ra và ông chuốc họa vào thân.
Hiền tài không tự nhiên “Trình diện” nhiều khi minh chúa phải hạ mình; Lao tâm khổ tứ mới tìm kiếm được, người xưa đã từng có tiền lệ đó là chuyện Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh “Tam cố thảo lư” mới mời được Gia Cát Lượng nhưng từ khi có vị quân sư ấy, thế lực của ông đã thay đổi ghê gớm, từ chỗ không tấc đất dung thân, Huyền Đức nghiễm nhiên hùng cứ Tây Xuyên, Đông Xuyên vạn dặm hình thành thế chân vạc chia ba thiên hạ.
Ở nước ta Thái úy Tô Hiến Thành đã không đắn đo khi ông tiến cử Trần Trung Tá là viên quan hiền tài đảm trách công việc thay mình, ông không tiến cử Vũ Tán Đường mặc dù là thân hữu, thường xuyên thăm nom chăm sóc ông những lúc yếu đau. Việc làm nghĩa hiệp ấy thể hiện lòng trung nghĩa của ông đã góp phần không nhỏ kiến tạo, bồi đắp giúp vua Lý Cao Tông ổn định yên dân mà đến nay lịch sử vẫn còn ghi nhận.
Khi phát hiện tìm kiếm hiền tài thì việc sử dụng đúng khả năng, đúng sở trường mới có ý nghĩa quyết định thành, bại, thắng thua, đơn cử trường hợp mưu sĩ Bàng Thống tự Sỹ Nguyên, hiệu Phụng Sồ, tài của ông ở tầm quân sư nhưng chỉ được Lưu Bị cho làm tòng sự, thử thay quyền huyện lệnh Lỗi Dương, thế là ông chểnh mảng công việc, uống rượu giải sầu, áo quần xộc xệch nhưng khi hung tướng Trương Phi đến bắt tội, ông đã thể hiện tài trí tuyệt vời, mắt nhìn tay viết, miệng phê hết sức hợp lý, hợp tình, khiến mọi người đều “Tâm phục, khẩu phục”, việc sáu tháng ông làm xong trong một buổi sáng. Ông nói “Trễ nải việc gì nào, Tào Tháo, Tôn Quyền ta còn chẳng sợ huống chi là cái chuyện ranh này”. Sau đó ông được trọng dụng với phẩm tước xứng đáng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng nhân tài là lòng thiết tha, thực sự cầu hiền, mong muốn nhân tài ra giúp dân. Bác luôn quan tâm, tin tưởng, trân trọng. đối xử chân tình, thân mật với trí thức không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể, công khai nên đã xây dựng được lòng tin yêu sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, mọi người hết lòng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ Bác giao bất chấp những thiếu thốn, khó khăn, gian khổ về vật chất, tinh thần. Tình cảm và cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ tư tưởng nhân văn, sự sáng suốt, dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì Tổ quốc, vì nhân dân là trên hết.
Tư tưởng, tình cảm, thái độ của Bác Hồ như vậy nên khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mời được nhiều vị nhân sỹ, trí thức trong chính quyền cũ có lòng yêu nước tham gia vào Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng nhiều trí thức “Tây học” từ bỏ cuộc sống vinh hoa ở nước ngoài về nước tham gia “kháng chiến kiến quốc”. Bác nói “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người cũng như dùng gỗ, gỗ tốt phải được dùng làm đồ quý. Những trí thức theo Bác xây dựng nước Việt nam dân chủ cộng hòa trong buổi đầu khó khăn đã nổi danh về tài, trí. Bác và dân tộc đã thổi vào tâm hồn họ những tình cảm và lòng trân trọng đối với đất nước, thắp trong lòng họ ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin yêu đối với cách mạng. Chính vì vậy, họ đã đem hết tài năng, trí tuệ và lòng dũng cảm theo Bác theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân..
Những trí thức theo Bác bỏ lại phía sau những ưu đãi về vật chất, mang những tinh hoa khoa học của thế giới về cống hiến vô điều kiện cho đất nước như: GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại nghĩa, SG Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Xiển. Sự cống hiến của họ cho đất nước là minh chứng tuyệt vời cho tư tưởng “Tìm kiến, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài của Bác Hồ”.
Tìm kiếm, sử dụng hiền tài là công việc rất quan trọng, phải thực sự cầu thị, ứng xử có văn hóa, chân tình, bao dung, độ lượng, không được đố kỵ chấp nhặt cá tính, càng không được coi hiền tài là thứ xa xỉ để trưng bày nhằm đánh bóng thương hiệu, nhãn mác, tránh tình trạng có Gia Cát mà không có Lưu Huyền Đức. “Nói cần đi đôi với làm”, cần phải xây dựng cơ chế phù hợp, thông thoáng để khuyến khích và đãi ngộ tài năng, mạnh dạn loại bỏ những kẻ bất tài, xu nịnh, cơ hội, những rào cản hữu hình và vô hình thì quê hương, đất nước mới phát triển nhanh và bền vững. Tránh tình trạng “Người làm được thì không được làm, người được làm thì không làm được”. Có như vậy mới mong ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, đồng thời thu hút được hiền tài bốn phương tìm về cống hiến cho quê hương, đất nước./.
MV – LTD HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH