(Ảnh: Nguồn internet)
Thái Bình có nhà bác học Lê Qúy Đôn. Ông trở thành một nhà bác học lỗi lạc của dân tộc ta một phần nhờ trí thông minh đặc biệt từ thuở nhỏ, nhưng phần lớn dựa vào sự hiếu học, lòng say mê đọc sách, quan sát, ghi chép, ngẫm nghĩ trước những biểu hiện phong phú của cuộc sống.
Ông viết cuốn “Phủ biên Tạp lục” dày 600 trang chỉ trong vòng 6 tháng mà lập luận lại rất uyên bác, lời lẽ xúc tích. Các bạn ông đều kinh ngạc và nói: “Bác thật là người thần! Làm thế nào chỉ trong thời gian ngắn như vậy, Bác viết cuốn sách công phu như thế?
Lê Qúy Đôn cười đáp: “Nào thần thánh gì đâu, chẳng qua chỉ biết cách sưu tầm, gom góp tài liệu mà thôi”.
Câu chuyện trên cho thấy tài năng của Lê Qúy Đôn, đồng thời cũng thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của đọc sách trong cuộc sống. Sách không chỉ là một người bạn mà còn là một người thầy của mỗi chúng ta, là tài sản quý báu của mọi người, mọi thế hệ.
Xpen-Xki đã từng nói rằng: “Nếu cuộc đời không có sách tôi sẽ trở nên mù tịt, chẳng biết làm gì và sống ra sao”. Chúng ta có thể thấy sách đem lại cho con người vô vàn lợi ích. Đọc sách có thể giúp ta đi tới những thế giới cực lớn như thiên hà hay cực nhỏ như thế giới của các hạt vật chất. Sách đưa ta vượt thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc chắp cánh cho ta đến tương lai, hiểu sâu hơn hiện tại. Sách còn đưa ta vào thế giới tâm hồn người khác để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ buồn vui, chia sẻ nỗi đau dân tộc và nhân loại. Sách còn đem lại những phút giây thư giãn trong cuộc sống bận rộn, làm cho con người được thưởng thức vẻ đẹp của thế giới và của chính con người, không chỉ thế mà sách còn rèn luyện và mở rộng kĩ năng giao tiếp cho chúng ta.
Xin dẫn một câu chuyện:
Xi-ôn-cốp-xki được suy tôn là cha đẻ của ngành Vũ trụ, lần đầu tiên được gặp giáo sư Ry-nhin, một nhà bác học nổi tiếng đương thời. Giáo sư hỏi ông.
- Anh đã được học những thầy nào?
Xi-ôn-cốp-xki bèn kể ra một loạt tên những nhà bác học danh tiếng, cả trong, lẫn ngoài nước.
Vị giáo sư lấy làm lạ.
- Anh nói thật đấy à? Trong trường hợp nào anh có thể gặp các nhà bác học ấy được ?
Xi-ôn-cốp-xki mỉm cười khiêm tốn.
- Dạ, thưa giáo sư, tôi gặp các nhà bác học ấy trong các cuốn sách. Tôi tự học trong những sách đó.
Câu chuyện này một lần nữa khẳng định lợi ích của việc đọc sách. Nhờ đọc sách Xi-ôn-cốp-xki không chỉ học được nhiều mà còn được gặp gỡ các nhà bác học nổi tiếng nữa.
Ngày nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc làm cho giới trẻ xa dần thói quen đọc sách. Tuy nhiên, đọc sách có rất nhiều tác dụng, trước hết, đọc sách giúp kích thích thần kinh não bộ từ đó làm chậm lại tiến độ của bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, giữ cho bộ não hoạt động và tham gia ngăn không cho bị mất năng lượng. Đây là cách tập thể dục giúp cho não bộ luôn khỏe mạnh và tránh lão hóa. Đồng thời khi đọc sách chúng ta phải suy nghĩ, ghi nhớ làm tăng khả năng liên kết của các noron thần kinh. Việc này được lặp lại nhiều lần giúp chúng ta trở nên thông minh hơn.
Đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa trên thế giới, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Ngoài đọc sách chuyên môn để củng cố kiến thức giúp cho công việc hoàn thành tốt hơn, chúng ta nên đọc những quyển sách về các lĩnh vực khác trong cuộc sống, hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình để hoàn thiện bản thân, phát triển tâm hồn, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Đọc càng nhiều, vốn từ và cách hành văn sẽ dần đi vào kiến thức, từ đó ta có thể nói lưu loát, diễn đạt ý một cách rõ ràng, mạch lạc hơn.
Đọc sách sẽ tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo nhìn nhận vấn đề logic, khách quan, toàn diện để khi quyết định một vấn đề nào đó trong cuộc sống sẽ chính xác hơn. Đọc sách cải thiện khả năng tập trung trong học tập, làm việc. Đọc sách còn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, ứng xử trong cuộc sống, tạo nên những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu đồng chí, đồng nghiệp và người khác, biết chia sẻ những khó khăn với họ, biết lên án những thói hư tật xấu, những hành vi trái đạo đức. Từ đó hình thành cho ta cách nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, tới lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích của những người xung quanh.
Trên thế giới hiện nay cứ một giây lại có bao nhiêu cuốn sách ra đời. Năm 2021 trung bình 1 người Việt Nam tiếp nhận gần 4 cuốn sách mới xuất bản. Có rất nhiều mục đích mà người ta đọc sách. Đọc để tiếp nhận thông tin, đọc để giải trí hay đọc để nghiên cứu, sáng tạo.
Những lời khuyên dành cho ai đọc sách chưa hiệu quả:
Một là, làm cho việc đọc sách trở thành một thói quen không thể bỏ hàng ngày;
Hai là, hãy đọc tất cả những gì đập vào mắt, những tấm biển hiệu, những hộp bánh và cả những bảng thực đơn...
Ba là, "Bao vây" mình bằng những cuốn sách, hãy đọc nó nhiều lần;
Bốn là, ban đầu nên đọc to và rõ ràng với cảm hứng và niềm vui;
Năm là, hãy chỉ vào những từ mà mình đang đọc tới và thử đoán ra từ tiếp theo;
Sáu là, tự hỏi xem những chuyện gì đang diễn ra trong bức tranh kia hay một đoạn nào đấy trong sách;
Bảy là, hãy để tâm và nhìn người khác đọc sách;
Tám là, hãy nhớ thuộc lòng một câu chuyện;
Chín là, hãy đọc sách cho bạn nghe;
Mười là, cần tự đọc sách một mình.
Đọc sách một mình, trong một không gian tĩnh lặng, trong lành, thêm một chút nhạc nhẹ nhàng, tin rằng bạn sẽ không chỉ tìm được ở đó tri thức mà còn tìm ra cả những điều tuyệt vời trong cuộc sống.
Người biết đọc sách còn là người biết bảo quản sách: Chọn một căn phòng thông gió và có ánh sáng, đặt sách thẳng đứng. Trên kệ sách đặt một ít thuốc khử trùng, một năm lấy sách ra phơi dưới ánh nắng một lần để tránh mối mọt.
Đối với người Việt Nam đọc sách là một văn hóa.Tri thức là kết tinh văn minh của nhân loại, đọc hiểu là đôi tay mở cánh cửa văn minh nhân loại. Chăm chỉ đọc sách chúng ta sẽ học được nhiều thứ, học được đạo lí ở đời, quan trọng hơn đọc hiểu có thể giúp chúng ta hiểu được suy nghĩ và kinh nghiệm của người khác, bản thân ta cùng với sách trải qua những vui buồn hoặc cảm nhận được ý chí phấn đấu kiên cường không lùi bước của tác giả.
Hơn nữa việc đọc sách cũng giống như đàm đạo với các nhà hiền triết thời xa xưa, những suy nghĩ cao cả của họ sẽ dần dần có ảnh hưởng tích cực đến chúng ta. Đọc nhiều sách chúng ta học được nhiều cảm hứng trong cuộc sống hoặc là trải nghiệm những điều không thể trực tiếp làm được.
Trong quá trình học tập, sách là nguồn bổ sung kiến thức cho những bài học thực tế, bất kể là loại từ điển, sách tham khảo đều là những công cụ có thể giúp chúng ta biết được kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mặc dù bản thân chưa hề đi đến những nơi trong sách nói đến, nhưng đọc qua những dòng chữ và hình ảnh chúng ta dường như cũng đang cùng đi du lịch, cùng chậm rãi ngắm nhìn để lại nhiều hi vọng và háo hức trong tâm hồn.
Thông qua việc đọc sách chúng ta có thể nhìn thấy nhiều thứ, trong số những cuốn sách bạn đã đọc qua có thể ta sẽ tìm được những chủ đề và thể loại mà mình ưa thích, càng đào sâu sự tìm hiểu và bạn sẽ càng gặt hái được nhiều điều có ích.
Mạnh Vũ & Ngọc Sơn