"Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh.
Con là cây nến hồng, thắp sáng một gia đình".
Nghĩ về gia đình, trong tôi lại văng vẳng giai điệu bài hát "Ba ngọn nến" rất dễ thương do một gia đình nghệ sỹ trẻ rất dễ thương thể hiện. Đúng rồi, mỗi thành viên trong gia đình phải như một ngọn nến, tự tỏa sáng và góp vào vầng sáng chung của gia đình mình những ngọn lửa trong trẻo nhiều sắc màu.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có bền vững, đất nước mới có cơ hội phát triển, Tổ quốc mới hùng cường.
Đối với mỗi cá nhân, gia đình là "trường học" đầu tiên, có vai trò quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người. Gia đình đồng thời là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Trong lao động sản xuất, mỗi gia đình như một đơn vị kinh tế độc lập. Đã có nhiều tấm gương gia đình làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần làm giàu cho quê hương.
Trong gia đình, quan hệ, tình cảm vợ chồng là quan hệ, tình cảm hàng đầu, bên cạnh tình cảm cha, mẹ với con cái. Ca dao, dân ca của người Việt đã có những câu thấm đẫm nước mắt, thấm đẫm tình cảm vợ chồng gắn bó.
Này là lời người vợ tiễn chồng đi xa: Chàng đi cho thiếp đi cùng/Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Đất nước chiến tranh liên miên, người vợ cam chịu nhẫn nại nuôi chồng nuôi con: Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Đầu những năm 1980, tiếng súng vẫn vang trên bầu trời biên giới. Đơn vị tôi đóng quân cách Lào Cai hơn hai chục cây số. Một hôm, vợ tôi lặn lội lên thăm chồng. Chúng tôi được đơn vị dựng cho cái lán che tạm bằng mấy tấm liếp bên sườn đồi. Đêm nằm bên vợ, sờ thấy thằng bé đã bằng quả cam trong bụng vợ, kết quả chuyến đi công tác về Hà Nội mấy tháng trước. Thương vợ vô cùng. Hôm cô ấy ra về, nhìn bóng vợ liêu xiêu đi xuống chân đồi, rồi sẽ phải đi bộ hàng chục cây số ra ga tàu hỏa về xuôi, lòng quặn thắt, thương yêu đến tận cùng, thấy gắn bó tận cùng với gia đình, với vợ con và trào lên niềm căm thù quân xâm lược.
Khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thanh niên tạm biệt gia đình, lên đường đánh giặc. Ảnh: Nguồn internet
Khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước bị giặc xâm lăng đe dọa, mỗi gia đình trở thành một pháo đài của lòng yêu nước, chí căm thù giặc. Đã có những tháng năm dài, tổ ấm gia đình tạm thời chia lìa. Thanh niên trai tráng ra trận, hậu phương chỉ còn những người vợ, người mẹ vò võ ngóng tin chồng, tin con. Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, họ đã giữ trọn lòng son sắt thủy chung, sau chiến thắng đã có thể ngẩng cao đầu tự hào. Bằng tình yêu và nghị lực, họ đã đặt quyền lợi, vận mệnh đất nước lên trên hạnh phúc gia đình. Bằng sự hy sinh cao cả, họ đã góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, giữ tiếng thơm cho gia đình.
Không gì thân thương, gắn bó bằng gia đình, bằng chồng, bằng con. Nhưng không ở đâu trên thế giới này lại có những gia đình, những người mẹ phải chịu đựng sự hy sinh, mất mát to lớn như ở Việt Nam. Nhà nước đã đặt ra danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" để tôn vinh những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất trong gia đình mình.
Tính đến tháng 7/2020, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng hoặc truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng được phong tặng và truy tặng cao nhất (15.261 mẹ), tiếp theo là Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi có 6.802 mẹ, Hà Nội có 6.723 mẹ.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là những biểu tượng vĩnh hằng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguồn internet
Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của chúng ta tận cùng thương yêu chồng con, tận cùng dâng hiến cho Tổ quốc những người thân yêu nhất. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam 14 lần tiễn con cháu ra chiến trường thì 12 người không về! Mẹ Thứ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác là những biểu tượng vĩnh hằng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sở dĩ phải nói nhiều, nhắc nhiều đến sự hy sinh cao cả của các bà mẹ, các gia đình Việt Nam trong cuộc kháng chiến vì Độc lập - Tự do của đất nước, để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau không được quên quá khứ, không được quên lịch sử, để có trách nhiệm xây dựng, giữ gìn nền nếp gia đình lành mạnh, trong sáng.
Không ở đâu trên thế giới này lại có những gia đình, những người mẹ phải chịu đựng sự hy sinh, mất mát to lớn như ở Việt Nam. Nhà nước đã đặt ra danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" để tôn vinh những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất trong gia đình mình.
Đất nước đang trong quá trình đổi mới, nhiều lĩnh vực trong xã hội đã phát triển nhanh và xa hơn trước. Diện mạo đời sống xã hội đã có nhiều sự đổi thay. Và gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, ngay cả nhiều cán bộ cấp cao đã tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu vén lợi ích cá nhân, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật. Họ không xử lý được mối quan hệ gia đình - xã hội. Hiện tượng"quan bà" can thiệp vào công việc của chồng, con, thu lợi cho gia đình mình khá phổ biến, nhiều trường hợp đã khiến "quan ông" thân bại danh liệt. Đồng tiền đã phá vỡ nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.
Ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt; là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Mỗi gia đình Việt phấn đấu đạt tiêu chí "Gia đình văn hóa".
Ảnh: Nguồn internet
Để hướng dẫn nhân dân thi đua xây dựng "Gia đình văn hóa", thiết thực đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP, tại Điều 6 Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xét là Gia đình văn hóa như sau:
1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú, gồm các tiêu chí sau:
a) Các thành viên trong gia đình chấp hành các quy định của pháp luật; không bị xử lý kỷ luật tại nơi làm việc và học tập;
b) Chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng nơi cư trú;
c) Treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định;
d) Có tham gia một trong các hoạt động văn hóa hoặc văn nghệ ở nơi cư trú; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao;
đ) Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định;
e) Tham gia bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của địa phương;
g) Thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định;
h) Tham gia đầy đủ các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài; sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú;
i) Không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh;
k) Không vi phạm quy định phòng, chống cháy nổ;
l) Không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như: Lấn chiếm lòng đường, hè phố, tham gia giao thông không đúng quy định.
2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, gồm các tiêu chí sau:
a) Ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng;
b) Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung;
c) Thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện bình đẳng giới;
d) Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe;
đ) Các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội;
e) Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.
Gia đình có hạnh phúc, đất nước mới hùng cường
Hằng năm, kết quả bình xét "Gia đình văn hóa" theo những tiêu chí như trên ở cơ sở thường đạt tỷ lệ 85% trở lên. Đó là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy nguyện vọng của các gia đình Việt đều mong muốn đạt được những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.