BBT: Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (20/11/1982-20/11/2021), Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết (sưu tầm và biên soạn) của Nhà giáo Nguyễn Văn Đầm, Chánh văn phòng Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Trưởng phòng phổ thông Sở Giáo dục- Đào tạo Thái Bình về Nhà giáo Chu Văn An.
Tượng thầy giáo Chu Văn An, danh nhân văn hóa thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Chu Văn An (1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, quê ở làng Văn, thôn Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng siêng năng và học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ). Về chính trường ông là một quan viên nổi tiếng ngay thẳng, thanh liêm cương trực, luôn sửa mình trong sạch.
Nghiệp chính của thầy là dạy học và truyền bá tư tưởng Nho giáo. Thầy được coi là nhà sư phạm lỗi lạc của Việt Nam, được nhân dân tôn vinh là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Triết lý giáo dục nhân văn của thầy không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực Đông Á. Chính vì vậy ngày 7.11.2019, tại Paris (Pháp) Đại hội đồng UNESCO khóa 40 đã thống nhất biểu quyết vinh danh Chu Văn An vào bậc “Danh nhân văn hóa thế giới” và quyết định Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của thầy.
1. Chu Văn An là một quan viên thanh liêm chính trực
Từ đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) Đại Việt khủng hoảng nghiêm trọng.Trong triều Vua ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn, quyền gian liên kết hoành hành, tranh dành ngôi thứ, tham nhũng tràn lan. Bên ngoài dân trăm họ bị quan lại đè nén ức hiếp, giặc giã dấy lên cướp bóc, lại thêm thiên tai dịch bệnh mùa màng thất bát, dân tình cùng kiệt oán hận. Biên giới phía bắc nhà Nguyên (dưới thời Nguyên Huệ Tông) tăng cường khiêu khích, lấn chiếm, quấy nhiễu. Được tận mắt chứng kiến sự bê bối, rối ren của triều chính và sự nguy vong của đất nước, với tư cách là “Tư nghiệp” (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, Chu Văn An rất phẫn nộ, thầy đã viết “Thất trảm sớ”, đòi chém 7 kẻ nịnh thần, họ đều là những kẻ gian tham, xu nịnh nhưng lại có quyền thế.
Tuy không được thực thi, nhưng “Thất trảm sớ” của Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám đã gây chấn động dư luận Đại Việt và thể hiện tinh thần trách nhiệm với thế sự, tính ngay thẳng, thanh liêm và bản lĩnh của nhà giáo Chu Văn An. Nhà sử học đương thời Lê Tung nhận xét: "Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn" (nghĩa khí của tờ sớ thất trảm làm chấn động cả trời đất). Dù đã trải qua nhiều đổi thay nhưng nhân cách lớn của thầy Chu Văn An vẫn là tấm gương sáng ngời để những người làm công tác giáo dục của nước nhà học tập.
2. Chu Văn An nhà sư phạm, người thầy mẫu mực của muôn đời. Tư tưởng giáo dục của thầy tạo nền tảng cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
- Quan điểm về mở rộng quy mô trường lớp và đối tượng giáo dục:
Đại Việt ở các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần trường học còn rất ít. Triều Trần thịnh trị là vậy nhưng cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám ở Kinh đô dành cho con vua, con quan, sau mở rộng cho những người giầu có, người tài trong nhân dân theo học. Dưới lộ, phủ có trường ở Thiên Trường (Nam Định) chỉ dành cho con em tôn thất nhà Trần. Trường ở Yên Tử (Quảng Ninh) hay trường ở Hương Sơn (Hà Tây cũ) chỉ dành riêng cho sư sãi nhà chùa. Trường lớp quá ít, con em nhân dân phần lớn bị thất học. Vì vậy Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng không ở lại triều đình làm quan mà quyết định về mở trường dân lập “Huỳnh Cung” tại quê nhà (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) để dạy học cho con em nhân dân mọi miền đất nước. Đây là hiện tượng vô cùng hiếm vì dưới chế độ phong kiến ai thi đỗ đạt cũng muốn ra làm quan để được vinh thân, phì gia.
Tư tưởng giáo dục của thầy Chu Văn An là không phân biệt đối tượng. Thầy thu nhận tất cả những học trò nghèo có ý chí vào học tập để thi thố tài năng, đỗ đạt làm quan, làm thầy giúp dân, giúp nước. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”. Thực hiện tư tưởng “hữu giáo vô loại” của Khổng Tử, ông nhận dạy tất cả những người cần học. Có nhiều học trò đỗ đạt cao, làm quan trong triều và biết bao nhiêu học trò khác tuy không trở thành người cao sang phú quý nhưng chí ít cũng thấm đẫm tư tưởng và tinh thần nhân văn của thầy mà đem ảnh hưởng đó tác động đến sự thay đổi của xã hội đương thời.
Danh tiếng của Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết tới, thầy được vua Trần Minh Tông mời ra và phong chức Tư nghiệp (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước. Những năm đầu Chu Văn An tập trung dạy học cho thái tử Trần Vượng, đến năm 1329 Trần Vượng lên ngôi Vua (tức vua Trần Hiến Tông), thầy tập trung vào công việc xây dựng mở rộng quy mô nhà trường và dạy học. Kế thừa di sản của thầy trường Quốc Tử Giám mỗi ngày được củng cố, mở rộng thêm.
Với việc mở trường tư thục để thu hút tất cả những người có nhu cầu vào học, rồi làm Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám và sau “Thất trảm sớ”, về mở trường dạy học ở Chí Linh (Hải Dương) thầy Chu Văn An đã góp phần làm cho không khí học tập của quốc gia Đại Việt cuối thời Trần trở nên sôi nổi, Quan điểm về mở rộng quy mô trường lớp và đối tượng giáo dục của thầy cách đây gần 700 năm là nền tảng của quan điểm đa dạng hóa, mở rộng quy mô trường lớp, thực hiện phổ cập giáo dục cho toàn dân và ước nguyện xây dựng một xã hội học tập của chúng ta ngày nay.
- Quan điểm về bồi dưỡng đạo đức, uy tín và năng lực người Thầy:
Chu Văn An đã xây dựng 4 quan điểm về đạo đức của nhà giáo, mà cho đến bây giờ những quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị đó là: Cùng lý, chính tâm, tịch tà và cự bí (Cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn, chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng, tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết và cự bế là ngăn ngừa cái dở), tức đề cập đến những vấn đề về kiến thức, về lương tâm đạo đức, về bản lĩnh của người thầy. Thầy luôn tự học, tự tu dưỡng để trở thành một nhà sư phạm mẫu mực, suốt cuộc đời tận tụy với nghề dạy học, không ham công danh phú quý mà quên đi công việc “dạy chữ, dựng người”.
Tư tưởng của Khổng Tử “Học không biết chán, dạy người không biết mỏi” (Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện) đã được thầy Chu Văn An hiện thực hóa từ gần 700 năm trước, tạo ra mạch nguồn chảy suốt chiều dài lịch sử phát triển giáo dục nước nhà. Thật xứng đáng là: “Vạn thế sư biểu” (Người thầy mẫu mực của muôn đời) như vua Trần Nghệ Tông tôn vinh và cho đặt tượng thờ thầy trong Văn Miếu.
- Quan điểm tư tưởng về nội dung giáo dục:
Thầy Chu Văn An đề cao vai trò của giáo dục đối với con người, theo thầy “Nhân chi sơ tính bản thiện” nhờ giáo dục của gia đình, xã hội và của trường học mà sự phát triển về trí tuệ, nhân cách, phong cách sẽ dần khác nhau. Vì vậy, con người ai cũng có quyền và cần được học, do đó, nhà trường phải đón nhận tất cả các học trò, không phân biệt giầu nghèo, mạnh yếu. Trong giáo dục phải thực hiện “Tiên học lễ, hậu học văn”, thông qua “Dạy chữ để dựng người”, trước khi học làm quan, học sinh phải được học làm người tử tế. Thầy luôn hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu và thanh cao.
Thầy giáo dục cho học trò tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại giúp dân cứu nước. Điều này thể hiện trong hành động dâng “Thất trảm sớ” của thầy đã giáo dục học trò, người đời và kể cả nhà vua khi đó, bài học cần phải nghiêm khắc trừng trị những kẻ nịnh thần, gian tham hại dân hại nước.
Như vậy quan điểm nội dung giáo dục của Thầy Chu Văn An dù có bị chi phối bởi hệ tư tưởng nho giáo phong kiến nhưng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ và gieo trên mảnh đất này những mầm mống tiêu chuẩn mà ngày nay nền giáo dục hiện đại được kế thừa và đang phát triển lên một tầm cao.
- Quan điểm về phương pháp giáo dục:
Thầy Chu Văn An luôn đề cao sự nghiêm khắc trong giáo dục thế hệ trẻ. Sự nghiêm khắc trước tiên phải xuất phát từ những người thầy “Làm thầy phải nghiêm”, đúng như sách “Tam tự kinh” - loại sách “Khai tâm” cho học trò ngày xưa có câu: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (Dạy không nghiêm, đạo thầy hỏng).
Theo thầy Chu Văn An nghiêm không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà “Nghiêm” là thái độ nghiêm trang, mẫu mực, là việc thực hiện kỷ cương, nề nếp trong giáo dục mà cụ thể là thầy phải có kiến thức sâu giảng dạy có quy củ, trò phải chuyên cần học tập, phải biết tự học và “Học thầy không tày học bạn”. Có như vậy mới nâng cao chất lượng dạy học, kết quả thi cử phải là kết quả thật của việc học. Trong khoa thi năm 1314, hai học trò của thầy đỗ Thái học sinh, tương đương học vị tiến sĩ đã chứng minh phương pháp giáo dục khoa học của thầy.
- Viết sách và biên soạn giáo trình phục vụ dạy học:
Ngoài thời gian dành cho tự học, quản lý nhà trường, trực tiếp dạy học thầy Chu Văn An luôn quan tâm đến việc biên soạn giáo trình để giúp cho người học có được tài liệu học tập. Theo thầy “Nói phải có sách, mách phải có chứng”. Đây chính là sự đổi mới trong quan niệm về nội dung và phương pháp giáo dục của thầy. Có thể nói rằng bốn tập sách: “Tứ thư thuyết ước” gồm 10 quyển, là bộ sách đầu tiên luận giải về Nho giáo một cách có hệ thống; Thầy còn biên soạn cả những tài liệu về y học trị bệnh cứu người như tập: “Y học yếu giải tập chu di biên”; Cùng hai tập thơ “Quốc ngữ thi tập” và “Tiều ẩn thi tập”. Việc Chu Văn An viết sách không chỉ đơn giản là để làm tài liệu học tập mà cao hơn cả là qua đó gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa của dân tộc (Dùng chữ Nôm). Thầy đã góp phần khẳng định sự độc lập về văn tự Đại Việt đối với nền văn hóa Hán. Đây là sự đổi mới về tư tưởng, về nội dung, về phương pháp giáo dục đặc biệt quan trọng trong trong lịch sử nước nhà được khởi nguồn từ các nhà nho thời nhà Trần mà thầy Chu Văn An là người đi đầu.
Như vậy có thể nói rằng, Chu Văn An đã để lại cho hậu thế những di sản về khoa học giáo dục. Quan điểm giáo dục của thầy có những giá trị tiến bộ vượt thời đại thầy đang sống, tiếp cận mục tiêu giáo dục của thế giới hiện đại, không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Nhiều trường học trên dải đất hình chữ S của chúng ta và cả một số trường học trên đất nước Lào cũng được vinh dự mang tên thầy. Đó chính là ảnh hưởng to lớn và biểu tượng cho sự trường tồn của nhà sư phạm tài ba, nhà giáo mẫu mực trong nền giáo dục Việt Nam “Danh nhân văn hóa thế giới” thầy giáo Chu Văn An./.
Nguyễn Văn Đầm - Sưu tầm và biên soạn