Từ nghìn xưa, Kinh bắc nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, nhiều trang tuấn kiệt, nghĩa sĩ danh nhân đã được sản sinh mà tên tuổi cuộc đời sự nghiệp vẫn sừng sững trường tồn với đất nước, quê hương, với muôn đời hậu thế.
Cao Bá Quát tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, Mẫn Liên quê làng Phú Thị, Gia Lâm (Bắc Ninh), ngay từ nhỏ đã phát lộ tài năng xuất chúng, ông vừa thông minh, uyên bác, vừa cương trực khảng khái, không khuất phục bạo quyền, được suy tôn thần đồng, cùng với danh nhân Nguyễn Văn Siêu, người đương thời vinh danh hai ông là “Thần Siêu, Thánh Quát”.
Cao Bá Quát giàu lòng vị tha, bao dung, thương người khốn khó và khinh thường quan lại, cường hào keo kiệt, tham nhũng, hà lạm.
Ở làng ông có một ngôi đình, ngoài tiền sảnh đắp đôi voi lớn, trải qua năm tháng, thời gian, đôi voi đã phong hóa, xuống cấp có nguy cơ bị hư hỏng, làng phải huy động dân tình đóng góp tiền của để trùng tu. Được dịp Lý trưởng ra sức bớt xén kinh phí, Cao Bá Quát tức lắm, đợi đến ngày làng làm lễ khánh thành, ông đến đọc bài thơ:
Khen ai khéo khéo đắp đôi voi
Có đủ đầu đuôi đủ cả vòi
Chỉ có “cái kia” sao không thấy
Hay là Lý trưởng bớt đi rồi
Lý trưởng nghe thơ tái mặt giận dữ định bắt tội ông, nhưng Cao Bá Quát ung dung bẻ lại.
- Tôi thấy đôi voi này không có “cái kia” nên chợt nhớ đến lời của tiền nhân “chưa làm xã, đã ăn bớt”. Vì vậy tôi vịnh thơ chơi, xin hỏi ông ăn bớt hay sao mà phải động lòng?
Trước lý lẽ sắc bén, Lý trưởng đuối lý, cứng họng.
Một hôm Cao Bá Quát về Hà Thành, khi đi qua Hồ Tây cảnh đẹp quyến rũ, ông dừng lại bỗng nhìn thấy quân lính gươm giáo tuốt trần, tiền hô hậu ủng, hỏi ra mới biết Vua Minh Mạng ngự giá vi hành. Nhưng không để ý, ông cởi bỏ quần áo, nhảy xuống hồ tắm, quan quân tức tốc xông đến bắt trói, ông vùng chạy gào thét gây nên sự hỗn độn, ồn ào. Vua truyền dẫn ông đến để tra hỏi, Cao Bá Quát thưa:
- Thần là học trò ở quê lên, ngẫu nhiên thấy hồ nước trong mát nên xuống tắm, không ngờ ngự giá qua đây nên vô tình mắc lỗi, xin được tha tội.
Thấy dung nhan sáng sủa, ứng đối trôi chảy, Vua muốn thử tài bèn phán:
- Người đã xưng là học trò, vậy phải đối chỉnh một vế của Trẫm, nếu hay sẽ được tha tội.
Cao Bá Quát vâng lời, Minh Mệnh đọc vế đối:
- Nước trong leo lẻo, cá đớp cá
Cao Bá Quát ứng khẩu đối ngay:
- Trời nắng chang chang, người trói người.
Vế đối chặt chẽ, niêm luật rất chỉnh, lại phù hợp với điều kiện cụ thể, Vua ngẫm nghĩ khen hay và ra lệnh tha bổng.
Lần khác, Cao Bá Quát đến thăm người bạn đồng môn đã thành đạt, người này mải chơi, không muốn tiếp, ông liền gửi tặng một bài thơ:
Một buổi thăng đường, một buổi ngơi
Đâu còn nhớ chữ “viễn phương lai”
Mới sang chừng ấy, ngơi chừng ấy
Sang nữa thì ngơi biết mấy đời.
Người bạn ân hận lắm, liền khẩn khoản mời ông, nhưng Cao Bá Quát đã cáo biệt đi thẳng, trên đường đi vừa mệt, vừa đói mà tiền đã hết, ông chợt nghe có tiếng kèn trống đám ma, bước vào thấy chật ních quan viên, giữa rạp có mấy ông ngạo nghễ ngồi chiếu điều đang huyên thuyên giảng giải chữ nghĩa có vẻ đắc chí, cạnh đó là hiếu chủ chắp tay cúi đầu cung kính.
Cao Bá Quát gặp hiếu chủ ân cần hỏi:
- Tôi là khách qua đường, ngẫu nhiên gặp lúc tang gia, xin được viết đôi câu phúng viếng để tỏ lòng thương xót người quá cố, không biết có được không
Hiếu chủ tỏ ý xúc động nhưng các chức sắc thì coi thường khinh mạn. Khi giấy bút được dâng lên, Cao Bá Quát ung dung viết chỉ một thoáng là xong:
“ Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thiết nhẽ đâu mà khóc mướn
Tưởng sự bách niên đừng nghĩ đến, động can tràng nên nỗi phải thương vay”.
Văn phong độc đáo, ý tứ uyên thâm, chữ viết lại hoa mỹ uyển chuyển, như phượng múa, rồng bay khiến mọi người trầm trồ thán phục, vội mời ông lên chiếu trên ngồi dự quần ẩm. Khi gạn hỏi mãi, mọi người mới biết ông là Cao Bá Quát thì đồng loạt đứng dậy, tỏ lòng kính trọng và tạ lỗi với ông.
Là vị quan thanh liêm, giàu lòng trắc ẩn, thương dân, thương nước, thương đời. Cao Bá Quát thường xuyên phản kháng các thế lực bạo quyền, muốn trăm họ được sống bình yên. Tiếc thay ông đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại áp bức bạo tàn của triều đình Tự Đức, dẫn đến thảm án chu di tam tộc, nhưng tấm gương nghĩa liệt của Cao Bá Quát, một nhà nho, một danh sĩ Bắc Hà nghìn năm còn tỏa sáng.
HKH (sưu tầm)