Đọc xong bài thơ “Viết tặng em nhân dịp Thu về” của tác giả Mạnh Vũ và Lê Cử, trong tôi cứ dâng trào một nỗi niềm bồi hồi xao xuyến. Quả thật! Đây một bài thơ hay, rất hay với chủ đề Mùa thu. Đất nước ta có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào cũng đẹp, cũng khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn, những người yêu thơ, có tâm hồn, cảm xúc. Song có lẽ Mùa thu vẫn là mùa của thi ca và nhạc hoạ. Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài thơ viết về mùa thu với muôn ngàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng khi đọc bài "Viết tặng em nhân dịp Thu về" ta vẫn thấy một sự mới lạ, sự phát hiện và lối thể hiện rất riêng, rất độc đáo. Đó chính là tác giả đã không đi theo một mô típ mang tính ước lệ: tả mùa thu theo lối mòn xưa cũ. Nét độc đáo, nghệ thuật bao trùm trong bài Viết tặng em...là kết cấu bài thơ. Tác giả mở đầu các khổ thơ bằng cụm từ "Anh tặng em"...nghe thân thương như một lời trao gửi, ngọt ngào, rồi tiếp theo là mô tả về những bức tranh, những kỷ niệm êm đềm mỗi độ thu về với đầy đủ sắc màu, âm thanh, hương vị. Điệp khúc "Anh tặng em" được nhắc lại năm lần với mỗi khổ thơ là một bức tranh sống động đa màu, đa sắc.
Mở đầu bài thơ như một lời tâm sự thân thương, quà trao tặng là "chút nắng mùa thu" là "làn gió nhẹ", là “chim nhỏ chuyền cành” ...tất cả là hương sắc mùa thu, đầy ắp dư vị của thiên nhiên, là hình ảnh quê nhà muốn gửi cho em. Sức nặng của khổ thơ bỗng bật lên ở hai câu cuối: "Đàn chim nhỏ vẫn chuyền cành lặng lẽ, nhặt thời gian trong sợi nắng lung linh". Đúng là một sự quan sát, sự phát hiện tinh tế, rất tĩnh nhưng lại rất động: Ánh nắng ban mai chiếu rọi qua lùm cây, kẽ lá tạo nên những tia - sợi đa sắc màu lung linh huyền ảo. Những tia nắng cứ trôi dần, dịch chuyển theo quy luật thời gian. Chú chim nhỏ hồn nhiên mổ vào cành lá, được tác giả nhân hóa thành “nhặt thời gian trong sợi nắng lung linh” như đang gom nhặt thời gian, níu giữ thời gian để thời gian không chìm về quá khứ.
Khổ thứ hai, cũng là bức tranh quê trong một sớm bình minh ngập con đường lá đỏ nhưng có lẽ hình ảnh cánh đồng "Ngô trổ bông ngày đêm nở rộ" mới là hình ảnh chủ đạo, là món quà tác giả muốn gửi gắm người thương. Phải chăng đó là những kỷ niệm thời thơ ấu, thời chăn trâu cắt cỏ bên bãi mía triền ngô, nơi có con sông tắm mát tuổi thơ... Khổ thơ thứ ba là khổ thơ hay nhất trong bài: "A gửi tặng em khúc hát dưới hàng me...đầy ắp nỗi nhớ thương". Cả bốn câu, câu nào cũng hay cũng đẹp nhưng hay nhất, đẹp nhất vẫn là hình ảnh "Con đò chiều êm đềm nằm gối bãi" và "Cánh Lục bình theo dòng trôi mê mải" là hình ảnh vừa thực vừa lãng mạn. Hình ảnh con thuyền nằm gối bãi thoáng nét buồn hoang vắng, cô đơn, đợi chờ, trông ngóng. Phải chăng tác giả muốn nói tới sự neo đậu những kỷ niệm xưa trên bến sông này, như con thuyền chở đầy nỗi nhớ ...Ngược lại, là những cánh Lục bình mải mê trôi dạt theo dòng xoáy về xuôi như thời gian, như dòng đời cứ trôi dần về quá khứ. Bốn câu thơ có sức nén, sức gợi cảm, lắng đọng, sâu sắc, làm ta như bắt gặp hồn thơ trong Văn đàn Văn học Việt Nam 1930 - 1945. Bài thơ xuôi dần về hai khổ kết với những cảm xúc đan xen giữa tình yêu thiên nhiên với tình yêu quê hương, xứ sở ngày càng hoà quyện, trào dâng và hé mở dần những nét rất riêng, cái thầm kín trong tâm hồn tác giả. Hãy lắng nghe: "Anh tặng em hương mùa hạ còn vương, trên chuyến xe đời đong đày kỷ niệm, mùa thu về cây lá càng xao xuyến, cả không gian nồng ấm vị tình yêu". Phải chăng đó là những kỷ niệm đầu đời đã theo đôi lứa đi cùng năm tháng. Dẫu đã sang thu mà hương mùa hạ còn vương là cách nói của thơ, rất thơ, ai cũng hiểu đó là nỗi nhớ nhung thầm kín và da diết nên nhìn lá thu vàng đã cảm nhận không gian nồng ấm vị tình yêu.
Khổ thơ kết, khép lại bài thơ là nét độc đáo trong phát hiện và biểu hiện cảnh và tình. Tuy không có âm thanh vang vọng, không có sắc màu rực rỡ nhưng nó lại có sức "cháy", sức "bùng nổ" trong biểu hiện những gì sâu kín nhất của tình yêu, của tâm hồn: Anh tặng em những áng mây chiều, ánh hoàng hôn tràn đầy nỗi nhớ, mùi hoa cỏ ngọt ngào trong hơi thở, quyện hương thu vương vấn cả tình em. Vậy là, khi hoàng hôn buông xuống, trong không gian tĩnh lặng, chỉ một vệt cỏ ven đê, một vệt cỏ với mùi hoa dại đã chạm vào trái tim, chạm vào kỷ niệm, chạm vào nỗi nhớ một thời.
Bãi cỏ ven đê đâu có vô tình, đâu chỉ chứng kiến khoảnh khắc êm đềm của đêm trăng hò hẹn; bãi cỏ ven đê vẫn lưu giữ cả hơi thở nồng nàn của đôi trai gái. Kỷ niệm ấy, cảm nhận ấy vẫn còn mới mẻ nên tác giả không dấu nổi lòng mình: "Mùi hoa cỏ ngọt ngào trong hơi thở, quyện hương thu vương vấn cả tình em". Tứ thơ càng về cuối càng mặn mà tình tứ, là tiếng của trái tim đến với trái tim. A đã gửi tặng em tất cả: hình bóng quê nhà trong sắc màu thu tới, là tình anh trong thầm lặng nhớ mong. Bài thơ khép lại mà âm hưởng, vần điệu, tứ thơ còn vang mãi, đọng mãi trong ta. Có người nói: cả bài thơ chỉ cần một tứ thơ hay, chỉ cần một câu thơ hay, thậm chí chỉ cần một từ hay cũng đủ để ta nhớ cả một đời. Hôm nay ta gặp một bài thơ khổ nào cũng đẹp, tứ nào cũng hay, lúc mở đầu đến khi kết thúc. Lời thơ nhẹ nhàng, bình dị như tâm sự đời thường mà ý thơ thi sâu lắng nhiều tầng, nhiều lớp, đúng là "ý tại ngôn ngoại". Xin cám ơn tác giả đã cho bạn đọc một món ăn tinh thần quý giá!
Đỗ Trọng