Những người xa quê vẫn thường mang trong mình những ký ức sâu đậm về một thời để nhớ. Hình ảnh ao làng luôn gắn liền với biết bao kỷ niệm đong đầy, sâu lắng của thời thơ ấu đã đi vào thi ca, vào ký ức thời gian, là nét đẹp văn hóa tưởng chừng không bao giờ phai nhạt. Tuy nhiên, những ao làng, nơi một thời đã tắm mát, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người quê giờ đây dần trở nên ít ỏi
Những người xa quê vẫn thường mang trong mình những ký ức sâu đậm về một thời để nhớ. Hình ảnh ao làng luôn gắn liền với biết bao kỷ niệm đong đầy, sâu lắng của thời thơ ấu đã đi vào thi ca, vào ký ức thời gian, là nét đẹp văn hóa tưởng chừng không bao giờ phai nhạt. Tuy nhiên, những ao làng, nơi một thời đã tắm mát, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người quê giờ đây dần trở nên ít ỏi. Song dù ao làng có mất đi, dù làng quê từng ngày thay đổi thì những thế hệ đã sinh ra và lớn lên, đã từng tắm mát ao làng vẫn còn mãi mãi trong ký ức một thời, ký ức tuổi thơ với bao kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ. Để mỗi khi nhớ về quê nhà, hoài niệm về tuổi thơ của mình, hình ảnh ao làng lại trỗi dậy, hiện về thân thương, tha thiết.
Hội Khuyến học Thái Bình xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài thơ “Ao làng” của tác giả Lại Tây Dương & Đỗ Trọng
Ao làng tôi một mảnh gương soi
Mẹ tôi bảo “Nước mắt người đọng lại…”
Tôi ngây thơ nhìn mắt người bạn gái
Chỉ gặp hai khoảng trời xa xăm
Bờ tre gai xõa bóng quanh năm
Chứng nhân thuở cha tìm được mẹ
Cơn gió thoảng giai điệu gì lạ thế
Đến giờ còn xôn xao
Tôi lớn trong vất vả gian lao
Đời áo ngắn và ước mơ cũng ngắn
Chim bói cá khoác da trời trên cánh
Giữa ban ngày ngủ gật cọc cầu ao
Cò vỗ lả cõng câu ca dao
Bay theo mẹ tối ngày lặn lội
Con trắm ăn chìm, con mương ăn nổi
Trăng mắc vào mắt lưới
Gỡ một đời chưa xong
Em bắt đầu bằng phiên chợ đông
Tôi lận đận những chiều hôm giông gió
Cây xấu hổ có điều chi xấu hổ
Câu ướm lòng tôi mới ngỏ đơn phương
Tưởng chừng em ở lại quê hương
Khi tôi đã lên đường ra phía trước
Cái thuở ấy chẳng thể nào khác được
Cả hai miền chiến tranh
Ao làng nghiêng phía tôi mong manh
Nghiêng nơi em tình đầu lỗi hẹn
Ao làng cũ giờ lứa đôi mới đến
Đừng làm đau kỷ niệm ngày xưa.
Lại Tây Dương và Đỗ Trọng