Năm 2024, năm Giáp Thìn, là sự kết hợp thứ 41 trong Thập lục hoa giáp; theo Ngũ hành, can Giáp tương ứng với hành Mộc- lấy màu xanh làm tượng trưng nên năm Giáp Thìn còn được gọi là năm Rồng Xanh (Thanh Long).
Ảnh: nguồn internet
Trong số 12 con giáp thì Rồng là con vật huyền thoại, linh thiêng, mạnh mẽ nhất được con người ngưỡng mộ, yêu quí, tôn thờ. Theo quan niệm của người Việt, Rồng có thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, mắt tôm hùm, gang bàn chân của con hổ, vuốt móng của chim ưng; bờm, mũi, đuôi sư tử và biết bay. Chuyện “Con Rồng cháu Tiên” gắn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam.
Mô tả hình tượng con Rồng
Rồng là một con vật không có thật nhưng người ta đã cùng nhau nhận định: Rồng có thân hình mềm mại, uốn lượn hình Sin, chia làm 12 khúc (đại diện 12 tháng trong năm). Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu có bờm dài, râu cằm, có sừng. Mắt to lồi, hàm mở rộng có răng lanh …Mũi có mào, sun sóng đều đặn, lưỡi mảnh dài. Miệng Rồng luôn ngậm viên Châu; một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì Rồng hay cầm ngọc bằng chân trước.
Con vật nào có cái đầu, cái thân, mấy cái chân, với cái đuôi như vậy thì gọi là con Rồng. Có một loại Rồng có thật, gọi là Rồng lá (leafy seadragon), tên khoa học là Phycodurus eques. Đây không phải là Rồng phun lửa trong thần thoại mà là một loại cá, giống như con Rồng và có kích thước nhỏ hơn, được tìm thấy trong vùng biển Tây Victoria và vùng biển phía nam của Tây Úc. Rồng lá được xem như là kỳ quan của biển cả.
Một số loài thằn lằn hình thù giống như con Rồng thần thoại nên được gọi là Rồng. Có 4 loại: Rồng đất, Rồng bay, Rồng Komodo và Rồng Châu Úc.
Rồng đất: Thuộc họ “Kỳ nhông”. Khi gặp người hoặc các con vật khác thì Rồng đất đứng ngẩn tò te (vì vậy đồng bào miền núi gọi là con tò he), giương vây, cong đuôi lên dọa nạt. Rồng đất Việt Nam dài 40-50 cm, hình dạng giống con tắc kè. Lưng có hàng gai chạy dài mút đuôi, chân Rồng rất cao, có năm móng sắc. Khi dọa nạt đối phương, Rồng đất đứng khuỳnh chân, giương toàn bộ vây gai lên, miệng banh ra như những con Rồng chạm trổ trên các đình chùa cổ đã được cách điệu. Rồng đất ăn sâu bọ, có ích cho nông nghiệp. Nó có mặt ở nước ta từ Bắc tới Nam và một số nước Đông Nam Á.
Rồng bay: Còn gọi là “Tắc kè bay”. Đây là một loại thằn lằn nhỏ có 20-40cm, sống trong rừng, kiếm ăn trên cây, ngủ trong hốc cây, có hai nếp da hai bên thân, khi nghỉ trên cành cây cánh da này cụp vào không nhìn thấy. Khi gặp nguy hiểm, rồng bay bò rất nhanh trên cây để trốn, bất đắc dĩ nó mới nhẩy để “bay” sang thân cây khác, khoảng bay có thể đến 30m. Dọc dẫy Trường Sơn có nhiều Rồng bay loại này.
Rồng Komodo: Là loại kỳ đà khổng lồ hiện còn tồn tại ở đảo Komodo (Indonesia). Thân nó dài 3-4m, nặng 150 kg (kỳ đà ở ta chỉ dài 1,6m nặng khoảng 20kg). Rồng Komodo sống trong rừng rậm, gần bờ đảo, làm tổ trong khe đá hoặc hốc cây. Rồng Komodo là sát thủ của ngựa, hươu, lợn rừng, khỉ. Có khi chúng tập trung năm, bẩy con để tấn công, ăn thịt cả trâu, bò. Tuy nhiên, Komodo ăn cả những động vật nhỏ như rắn, thằn lằn, cá và cả côn trùng. Đây là một loài động vật quý, hiện nay số rồng Komodo còn khoảng 400-500 con.
Rồng Châu Úc: Là loài thằn lằn lớn, dài tới 90cm. Hình dạng giống như con Rồng đất, quanh cổ có lớp da phủ kín vai như chiếc lá sen, có que xương như gọng ô, lúc gặp nguy hiểm nó giương gọng lá sen lên như cái dù, há miệng đen ngòm đến nỗi chó săn cũng phải khiếp. Tuy vậy, Rồng châu Úc rất hiền, chủ yếu ăn sâu bọ, trứng chim. Kiến là món khoái khẩu nhất của loài Rồng này.
Rồng trong văn chương
Trong văn chương và thi ca Việt nam, Rồng được nhắc khá nhiều, người dân Việt Nam quan niệm con Rồng như là một hình ảnh đẹp, có giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng thuộc về loài vật, nhưng là loài vật cao cấp nhất. Có nhiều câu ca dao đã sử dụng hình tượng con rồng để nói bóng về một con người cao sang hay một cái gì đáng quí:
Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài
Khi có bạn đến thăm, chủ nhà khiêm nhường nói: “Rồng đến nhà Tôm”. Đi học, viết chữ đẹp thì được khen là viết như “Rồng bay phượng múa”, còn viết chữ xấu thì bị chê là viết như “Cua bò”. Lắm điều lắm chuyện, người đời chê bai là “Vẽ chân cho Rắn, vẽ râu cho Rồng”.
Những người ăn thì nhiều, nói thì luyên thuyên, thao thao bất tuyệt còn khi vào làm việc thì lại lười nhác, làm chẳng đâu ra đâu thì nói là: “Ăn như Rồng cuốn, nói như Rồng leo, làm như mèo mửa”.
Khi diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông thì tục ngữ, ca dao có câu: “Rồng đen lấy nước thì nắng, Rồng trắng lấy nước thì mưa”.
Trong cuộc sống, tục ngữ ca dao cũng lấy Rồng để răn dạy chúng ta:
Rồng nằm bể cạn phơi râu
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi
Con Rồng thân hình to lớn, cho nên khi nằm phơi nắng, ai cũng nhìn thấy. Tương tự như thế, những lời nói dối, thiếu thành thực, nếu có giấu giếm khúc đầu, thì thế nào rồi cũng lòi khúc đuôi ra, nghĩa là sự thật sẽ chẳng giấu được ai.
Rồng không có thật nên dân gian lại mượn Rồng để nói chuyện không có:
Anh đây lục trí thần thông
Bẻ mây đón gió, bắt Rồng đi chơi
Rồng cũng là hình tượng được dùng để trách móc những kẻ ăn ở hai lòng:
Trách ai ăn ở hai lòng
Đang chơi với phụng, thấy Rồng bay theo
Nhưng chuyện “Rồng với mây” là chuyện tình đời thắm thiết:
Tình cờ bắt gặp mình đây
Như cá gặp nước như mây gặp Rồng
Hay là: Bấy lâu nay liễu bắc đào đông
Tự nhiên thiên lý tương phùng là đây
Bây giờ Rồng lại gặp mây
Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn
Rồng trong tín ngưỡng dân gian
Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết ‘Con Rồng cháu Tiên” của người Việt. Rồng là hình ảnh mà các Vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm Rồng trên đùi của các Vua. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (Bệ Rồng, mình Rồng). Ở phương Đông Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là loài vật tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người, đứng vào hàng bậc nhất trong “Tứ linh”, đó là: "Long – Ly – Quy – Phượng". Vì vậy, hình tượng con Rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con Rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.
Hình tượng con Rồng được khắc, chạm trổ công phu và trang trọng, thường đặt ở nơi có kiến trúc văn hóa, trong các cung điện nhà Vua, ở các nơi công viên công cộng, nơi vui chơi giải trí, nơi thờ phụng trang nghiêm như nhà thờ, đình, chùa, miếu, đền …
Chữ “Thìn” theo âm Hán Việt đọc là “Thần”, một từ chỉ thời gian, mở đầu buổi sáng của một ngày (từ 7-9 giờ). “Thần” còn được dùng chỉ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Trong lịch phương Đông, chữ “Thần” là chi thứ 5 trong 12 chi, đọc là Thìn (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi)
Chữ “Rồng” theo âm Hán Việt gọi là “Long”. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều dân tộc có biểu tượng con Rồng với nội dung khác nhau. Con Rồng còn tượng trưng cho quyền uy tối thượng. Chỗ ở của Vua gọi là “long cung”, giường Vua ngủ là “long sàng”, mình Vua là “long thể”, gương mặt là “long nhan”, áo Vua mặc là “long bào” thêu con rồng năm móng…
Trong dân gian, Rồng tượng trưng cho sự linh thiêng và điềm lành mang đến. Năm Rồng là năm đại cát, ai tuổi Rồng được cho là sẽ thành đạt, vẻ vang. Hình tượng con Rồng có muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không những thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội họa, đồ mỹ nghệ, điêu khắc, kiến trúc chùa chiền, cung điện qua các thời đại mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Những ngày lễ, tết, hội hè đều có hình bóng con Rồng.
Năm 2024 đã về, xuân Giáp Thìn sắp đến, xuân của đất trời, xuân của lòng người đang cận kề, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở nhau hãy sống sao cho xứng đáng là “Con Rồng cháu Tiên”, phải cố gắng sống nhân ái, bao dung giúp đỡ lẫn nhau, biết yêu thương đoàn kết, cuộc sống gia đình và xã hội phải hài hòa.
Trong không khí của ngày Tết cổ truyền dân tộc, Hương trời, Hương đất, Hương xuân nồng nàn lan tỏa, chúng ta ngồi nhâm nhi chén trà cùng nhau luận bàn về con Rồng sẽ thấy nhiều điều hay và thú vị. Chúc các quý vị khán thính giả mạnh khỏe, hạnh phúc, gia đình vạn sự an nhiên, nẩy tài sai lộc, phúc duyên tràn đầy, thành công như ý!
Tổng hợp và Biên tập
Mạnh Vũ & Đỗ Trọng