Thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi phương thức truyền tải, tiếp cận thông tin, vì thế mà văn hóa đọc đã phát triển ở trình độ cao hơn.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và Trường Đại học Thái Bình thăm phòng đọc sách của Trung tâm học tập cộng đồng
Trong thời hiện đại, ngoài những cuốn sách, tài liệu giấy truyền thống còn nhiều dạng tài liệu số, hiện đại như sách, báo điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc, đồng thời thuận tiện quản lý, lưu trữ, truyền tải, tìm kiếm thông tin theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Như vậy, văn hóa đọc cũng chịu tác động của khoa học và công nghệ, mang dấu ấn của nền văn minh thời đại. Việc hình thành những kỹ năng mới là yêu cầu cần thiết để duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại mới.
Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, bởi lẽ đọc sách để tiếp cận tri thức, thông tin, tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua sách, báo, tài liệu. Hoạt động này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của mọi người. Hay nói một cách khác đơn giản hơn là ý thức của mỗi cá nhân với việc tiếp cận tri thức thông qua đọc sách, báo, tài liệu.
Văn hóa đọc có ý nghĩa to lớn giúp chúng ta phổ cập kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, nhân cách của mình. Vai trò chủ yếu của văn hóa đọc là cung cấp tri thức, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển trí tuệ cảm xúc, rèn luyện tư duy cho mỗi chúng ta. Sách báo, tài liệu đều là những nguồn tri thức kết tinh của nhân loại. Trong mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hằng ngày sẽ giúp chúng ta tích lũy được một lượng lớn tri thức của nhân loại. Thông qua thói quen đọc sách mỗi ngày chúng ta có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng cách học cách lắng nghe, trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ,...Những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm từ bao đời nay được đúc kết và chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách. Những trang sách giống như người bạn tâm giao, đưa ra cho chúng ta những lời khuyên hữu ích giúp mọi người suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc của mỗi người cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn. Với những thể loại sách khác nhau lại đặt người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, đưa trí tưởng tượng bay xa và đối mặt với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, để chúng ta có phương pháp xử lý phù hợp. Đọc sách thường xuyên là cách tốt nhất giúp chúng ta tích lũy kiến thức, rèn luyện tư duy hiệu quả; đồng thời, vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn để nâng cao năng suất lao động, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với lứa tuổi thiếu nhi, học sinh được rèn luyện thói quen yêu thích đọc sách, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức về các lĩnh vực như: Khoa học viễn tưởng, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội v.v. Điều này vô cùng có lợi cho việc khuyến khích trẻ chủ động đam mê khám phá, sáng tạo và phát minh ra nhiều ý tưởng, mô hình có thể áp dụng trong thực tiễn.
Để phát triển văn hóa đọc đáp ứng thời kỳ mới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu của người dân, là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc hằng ngày, góp phần nâng cao năng lực bản thân, chất lượng cuộc sống, cũng là một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tạo dựng được môi trường đọc sách thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng.
Hai là, trong mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức đọc sách và là tấm gương về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích, dành thời gian để cho các con đọc sách.
Ba là, nhà trường cần có những hoạt động giáo dục cho học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí…), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc, đưa ra một danh mục cuốn sách, bài viết cần đọc trong một năm học,...
Bốn là, người đứng đầu các tổ chức lại càng phải đọc sách nhiều hơn để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và làm gương cho cấp dưới noi theo. Đồng thời, cần xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng trong cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức Hội chợ triển lãm sách, xây dựng Phố sách cũng là nhân tố nhằm phát triển môi trường và nội lực của văn hóa đọc…
Năm là, các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách đóng vai trò chủ thể trong việc phát triển văn hóa đọc cần phải nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản sách, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân; hỗ trợ, đầu tư nhằm khuyến khích sáng tác, xuất bản sách đáp ứng được yêu cầu học thường xuyên, học suốt đời của người dân tại mọi không gian, địa điểm, phương tiện khác nhau.
Hoàng Phương và Quốc Lương