Trước yêu cầu thời đại công nghệ số, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đã được ban hành và thực thi, đến nay đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng các doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình
nhân ngày truyền thống
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo cơ cấu lại doanh nghiệp tạo ra đột phá trong quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án mang tầm quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,... Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân còn tạo công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh thời đại công nghệ số và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn nhiều hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần sớm khắc phục. Trong thời đại công nghệ số, muốn khắc phục được những hạn chế, trước hết các doanh nhân, chủ doanh nghiệp cần phải kiên trì, chăm chỉ học thường xuyên, học suốt đời để tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào sản xuất kinh doanh đưa doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Trước kia, khởi nghiệp đơn giản hơn bây giờ; bởi vì, lúc đó số người sản xuất kinh doanh không nhiều, sức cạnh tranh không cao, chỉ cần ít vốn là có thể khởi nghiệp bằng một công việc kinh doanh đơn giản và đã có nhiều người thành công. Họ trở thành những người giàu có và là doanh nhân thành đạt. Trong số đó, có những người giữ được cơ nghiệp và làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Nhưng cũng nhiều người, khi quy mô doanh nghiệp lớn lên, họ không còn đủ sức quản lý nên bắt đầu lúng túng, thua lỗ, phá sản…
Suy cho cùng, thành công hay thất bại của mỗi doanh nhân, mỗi chủ doanh nghiệp đều do sự học và việc ứng dụng kiến thức đã học được vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Người có năng lực học tập thường xuyên, học suốt đời và có mong muốn học tập thì sẽ có khả năng chèo lái doanh nghiệp tốt hơn, nhất là khi môi trường kinh doanh thay đổi quá nhanh như thời đại công nghệ số hiện nay.
Nhiều người cho rằng đã đi học thì phải học ở trường lớp có danh tiếng, cũng không nhất thiết như vậy. Học có thể học ở trường lớp chính thống, cũng có thể vừa đi học và vừa đi làm, học trong lúc đang kinh doanh hoặc cũng có thể học các khóa học ngắn hạn, học trong công việc, học mọi người, học doanh nhân có kinh nghiệm hơn, học ở trường đời… Có nhiều cách học khác nhau để thành công, nhưng nhất thiết phải học tập; trong thực tế, những doanh nhân thành công phần lớn là những doanh nhân tích cực học tập bằng mọi cách. Tuy nhiên, cũng có doanh nhân thành công do may mắn, do quan hệ hoặc do làm ăn mánh khóe, mưu mô cũng có, nhưng sẽ không bền vững, sớm muộn doanh nghiệp của họ cũng bị phá sản.
Tại sao doanh nhân cần phải học thường xuyên, học suốt đời trong thời đại công nghệ số?
Ngày nay, việc quản lý, vận hành doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, đặc biệt trong môi trường kinh doanh thời đại công nghệ số đòi hỏi hàm lượng chất xám ngày càng cao trong mỗi một sản phẩm, dịch vụ… Nếu thiếu kiến thức nền tảng, thiếu năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, đổi mới sáng tạo và nhiều kỹ năng khác…, doanh nhân rất khó thành công trong thời đại cạnh tranh khốc liệt hiện tại.
Hiện nay, phần lớn doanh nhân đều được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn cao; nhưng những kiến thức nền tảng ở các trường đại học và các chương trình sau đại học chuyên ngành cũng chưa đủ để vận hành doanh nghiệp thành công, nhất là các công ty, tập đoàn có quy mô lớn và siêu lớn. Những doanh nhân tốt nghiệp đại học ở những ngành không liên quan đến quản lý sản xuất, kinh doanh thì càng gặp nhiều khó khăn hơn khi quản lý, điều hành doanh nghiệp, nếu họ không tự học thêm kiến thức quản lý kinh doanh bên ngoài. Vì vậy, dù tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng nào, dù thành tích học tập trong trường xuất sắc đến đâu, khi khởi nghiệp kinh doanh, doanh nhân vẫn cần phải học thường xuyên, học suốt đời
Để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững thì thái độ học tập của doanh nhân là yếu tố quan trọng; doanh nhân đó phải thực sự nghiêm túc, thực sự cầu tiến, thực sự rèn luyện và có quyết tâm cao trong học tập. Bởi vì, những kiến thức doanh nhân tiếp thu và vận dụng hôm nay, ngày mai có thể lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Môi trường kinh doanh thay đổi chóng mặt, xu hướng trong hành vi mua của người tiêu dùng liên tục thay đổi, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nhân buộc phải học thường xuyên, học suốt đời để cập nhật kiến thức mới, phương pháp mới, công nghệ mới…Nếu không học thì trước sau doanh nhân đó sẽ đưa doanh nghiệp đến phá sản.
Như vậy, doanh nhân khởi nghiệp càng phải học để hiểu về kinh doanh và môi trường kinh doanh trước khi khởi nghiệp; doanh nhân đã có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhiều năm thì cũng cần phải học thường xuyên, học suốt đời. Hầu hết các doanh nghiệp thất bại từ lúc khởi nghiệp hoặc lớn lên một thời gian rồi phá sản đều do doanh nhân thiếu kiến thức nên không biết làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai.
Doanh nhân thời đại công nghệ số cần phải học gì?
Có rất nhiều kiến thức doanh nhân cần phải học, những kiến thức rất quan trọng mà hầu hết doanh nhân ít người được học và chưa có nhiều kiến thức về nó. Đó là tư duy chiến lược; cách thức hoạch định, triển khai chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh; thiết kế mô hình sản xuất, kinh doanh….Cũng còn rất nhiều kiến thức cơ bản về tiếp thị, bán hàng, xây dựng thương hiệu, quản lý nhân sự, quản lý chung và lãnh đạo….Kiến thức cơ bản về tài chính, kế toán, đầu tư, quản lý sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng, quản lý rủi ro, quản lý khủng hoảng, văn hóa doanh nghiệp và cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp …, doanh nhân cần phải từng bước trang bị cho mình để phục vụ quản lý doanh nghiệp tốt hơn.
Muốn doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững trên một nền móng vững chắc, tránh rủi ro đáng tiếc thì doanh nhân, chủ doanh nghiệp cần có ý thức và thái độ kiên trì, chăm chỉ học tập thường xuyên, học tập suốt đời để tiếp thu tri thức mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đây là một trong những năng lực quan trọng nhất của doanh nhân thời đại công nghệ số.
Mạnh Vũ