Trong những năm qua, chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) xã Minh Quang ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện cho nhiều người dân được học tập thường xuyên, bổ sung kiến thức qua đó áp dụng kinh nghiệm vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Một buổi tập huấn của Hội nông dân
Trung tâm HTCĐ xã Minh Quang huyện Kiến Xương là một trong những đơn vị đã duy trì tốt hoạt động học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, học tập suốt đời của mọi người dân. Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh các hoạt động của trung tâm nhằm tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời với các nội dung, chuyên đề và hình thức hoạt động phong phú, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng đối tượng. Đến nay, xã đã có nhiều mô hình sản xuất mới, cơ cấu nông nghiệp nông thôn thay đổi, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hàng năm, chuẩn bị vào năm học mới, thực hiện hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học huyện Kiến Xương, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, Trung tâm HTCĐ xã tổ chức họp bàn, thống nhất với 2 hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trường, trạm y tế… chủ động liên hệ với các chương trình khuyến nông, khuyến công …., các công ty phân bón, các công ty thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công ty thuốc bảo vệ thực vật, các hiệp hội… mở các lớp chuyên đề như: chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, chuyên đề về giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, nữ công gia chánh, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, kiến thức làm cha mẹ, khuyến học, khuyến tài... Khi có các chương trình tập huấn, trung tâm đều thông tin cho mọi người dân biết thông qua cụm loa truyền thanh của xã nên đã thu hút được đông đảo người dân đến học tập. Trung bình mỗi năm, trung tâm đã mở từ 10-15 lớp học, thu hút khoảng 1.500 lượt học viên. Qua đó nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như Mô hình nuôi lươn không bùn ở thôn Nguyên Kinh 1 và Thôn Đông Nghĩa, Cơ sở sản xuất dây chun tại Thôn Hữu Tiệm. Kinh tế gia đình vững vàng, người dân đã ủng hộ kinh phí hoạt động cho trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm đã giúp người lao động tiếp cận được với các lớp học nghề ngắn hạn, đã có hàng trăm người dân từ chưa qua đào tạo nghề nhờ học tập tại các lớp dạy nghề ngắn hạn đã có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập, tiếp cận được kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, trung tâm còn phối, kết hợp với trạm y tế xã làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch cho người và vật nuôi, cây trồng tại cộng đồng như: tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh theo mùa… Trung tâm cũng phát huy hiệu quả thư viện kết hợp với bưu điện văn hóa xã, các thư viện trường học, các phòng tin học vào chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để bà con nông dân đến đọc sách, tìm kiếm thông tin trên mạng phục vụ cho cuộc sống và sản xuất. Ngoài Bưu điện văn hóa xã, tại các nhà Văn hoá thôn đều có tủ sách pháp luật với hơn 50 đầu sách về những vấn đề thiết yếu như sách pháp luật, khoa học kỹ thuật…để phục vụ nhân dân
Từ nhiều năm nay Trung tâm HTCĐ xã đã tập trung nâng cao kiến thức về khoa học - kỹ thuật, công nghệ... đến với người dân được thuận lợi, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đồng thời, qua việc học tập đã tạo bước tiến về xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình, cộng đồng; giáo dục phát triển toàn diện, bền vững trong phổ cập tiểu học và THCS… Bên cạnh đó, việc xây dựng “Cộng đồng học tập” xã đã giúp đánh giá thực trạng và đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua kiểm tra, đánh giá Trung tâm HTCĐ xã nhiều năm đạt tốt. Ban Giám đốc trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu để UBND xã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho hoạt động của trung tâm. Hiện nay trung tâm có ít nhất 1 bộ máy tính và tủ đựng tài liệu. Trung tâm HTCĐ đã mở nhiều lớp đáp ứng nhu cầu về thông tin, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền về pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dạy nghề... cho người dân. Nhờ có vai trò nòng cốt là cán bộ Trung tâm HTCĐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các trường học trong xã, Trung tâm HTCĐ đã cùng với các chi hội khuyến học khảo sát nhu cầu học tập của người dân, mở nhiều lớp học theo phương châm “cần gì học nấy”. Mỗi năm có hàng nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm học 2023-2024, số người tham gia học tập tại trung tâm, các nhà văn hoá thôn trong toàn xã là 6.200 lượt người. Các nội dung chủ yếu của các lớp chuyên đề là chuyển giao công nghệ, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, chăn nuôi, nâng cao sức khỏe của người dân. Tăng cường vốn sống, kỹ năng sống cho những người ở tuổi vị thành niên...; đặc biệt các lớp dạy nghề ngắn hạn đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trung tâm HTCĐ cùng với các thôn còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giữa các địa phương.
Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng của Trung tâm HTCĐ đã và đang tạo ra nền móng cho một xã hội học tập ngoài nhà trường có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.
Lương Sinh Ban, Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Minh Quang