Máy cấy lúa đa năng của “Kỹ sư hai lúa” Trần Đại Nghĩa, tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật Truyền thanh năm 1989 đã giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động, không gây ô nhiễm môi trường. Với sáng chế của mình, anh Trần Đại Nghĩa trở thành niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình.
Đoàn công tác của Hội Khuyến học tỉnh, huyện về thăm, làm việc
với Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa sản xuất máy cấy lúa đa năng.
Đoàn công tác của Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học huyện Tiền Hải vừa đến thăm, làm việc với “Công dân học tập” Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa (doanh nghiệp KHCN của tỉnh Thái Bình).
Anh Trần Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng được sinh ra, lớn lên ở một gia đình ở một làng quê ven biển Tiền Hải, trước đây cha đi bộ đội, mẹ ở quê hương cần cù tăng gia sản xuất để có lương thực góp phần phục vụ cho chiến trường và nuôi con khôn lớn. Năm 1975 sau khi đất nước được giải phóng, Cha được trở về quê hương, từ đây Anh luôn nhận được sự dìu dắt định hướng của cha và tình thương yêu, tận tụy của mẹ; Anh được cắp sách tới trường và học hết trung cấp. Năm 1989 tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật Truyền thanh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Anh trở về quê hương giúp mẹ tăng gia sản xuất để nuôi các em ăn học, đến nay đều đã tốt nghiệp đại học; Anh luôn ghi nhớ lời dạy của Bố Mẹ “Các con phải cố gắng học hành để mai sau làm giàu cho quê hương đất nước, có vị trí trong xã hội và đó là cách báo hiếu tốt nhất đối với cha mẹ”. Những lời căn dặn đó luôn luôn được khắc sâu trong tâm thức của Anh và trở thành hành trang truyền lại cho con cháu sau này.
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, hội nhập toàn cầu, Anh nhận thức không có kiến thức sẽ không tồn tại và phát triển. Anh tiếp tục tự mình học tập, động viên các con cùng học và luôn nhắc nhở các con dù làm gì, ở đâu cũng cần coi việc học tập là quan trọng, học liên tục, học mọi lúc, mọi nơi, học ở mọi lứa tuổi, học cách tư duy mới về cuộc sống, tư duy mới về công việc mình đang làm, học môi trường xung quanh, để tạo ra những sản phẩm giúp cho cuộc sống của mình, của cộng đồng ngày một tốt hơn.
Anh tập trung nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy cấy phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp của nước ta, giúp bà con nông dân giải phóng sức lao động. Năm 2014, Anh đã nghiên cứu, chế tạo công cụ cấy lúa không dùng động cơ, năm 2016 tiếp tục nghiên cứu và chế tạo loại máy cấy lúa sử dụng động cơ điện. Năm 2018 lại tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa sử dụng động cơ xăng, loại động cơ nhỏ 3,5 mã lực (HP), máy hoạt động tốt trên mọi địa hình, siêu tiết kiệm nhiên liệu. Năm 2020 tiếp tục nghiên cứu, sản xuất mẫu máy cấy lúa đa năng vừa cấy, vừa bón phân; Máy cấy này được đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Song hành với việc sản xuất các loại máy cấy lúa, Anh cùng gia đình tiếp tục nghiên cứu và lắp ráp loại máy bay không người lái áp dụng cho sản xuất nông nghiệp phun thuốc trừ sâu và phun phân hóa hoặc dạng hạt,...
Những máy cấy đang chuẩn bị xuất xưởng
Sau10 năm, Anh đã nghiên cứu 50 kích cỡ máy cấy khác nhau với gần 20.000 sản phẩm để phục vụ bà con nông dân khắp cả nước. Tất cả các loại máy cấy trên rất phù hợp với tiêu chí ban đầu mà Anh đã tự tìm hiểu, phù hợp với điều kiện khí hậu, đa dạng địa hình đồng ruộng của nước ta, phù hợp khả năng tài chính của bà con nông dân, máy dễ sử dụng, có thể cấy ở cả hai chế độ, chế độ hàng đều và cũng có thể cấy ở chế độ hiệu ứng hàng biên (hàng chật, hàng rộng) mà không cần thay đổi các bộ phận của máy; vì vậy máy được bà con nông dân mọi vùng miền áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Máy tăng cao năng suất lao động gấp 20 lần người cấy bằng tay, trung bình mỗi giờ máy cấy được từ 1.400-1.800 m2 ruộng, (tương đương 4-5 sào bắc bộ) nhưng chỉ tiêu tốn 1/5 lít xăng. Thiết kế máy đơn giản, gọn nhẹ, dễ vận hành, sửa chữa bảo trì, dễ di chuyển trên mọi địa hình, kể cả ruộng bậc thang của đồng bào miền núi. Đặc biệt giá máy chỉ bằng 1/20 giá máy cấy nhập ngoại; cho nên, mỗi gia đình nông dân đều có thể mua được một máy để chủ động cho việc cấy mang tính thời vụ.
Việc nghiên cứu và sản xuất máy cấy đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định trung bình từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng; hằng năm Anh trích một phần ngân sách trị giá trên 100 triệu đồng ủng hộ các phong trào ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ủng hộ các gia đình khó khăn, đóng góp qũy vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động thiện nguyện,...
Những thành quả bước đầu không phải tự nhiên mà có, đó là một quá trình tự học, tự nghiên cứu, giám nghĩ, giám làm, đổi mới tư duy sáng tạo, mang tính khoa học trong công viêc, cùng với sự bền bỉ, lâu dài, liên tục, qua các thế hệ luôn xây dựng và phát triển để được một môi trường giáo dục gia đình, gia đình học tập như hôm nay.
Những sản phẩm mà Anh nghiên cứu đã được các nhà khoa học đánh giá rất cao về tính ứng dụng, là những sáng chế mới được tạo ra, được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế, Thủ tướng chính phủ và các cấp các ngành tặng nhiều Bằng khen. Công ty của Anh được cấp chứng nhận là doanh nghiệp khoa học, công nghệ; Bộ Khoa học & Công nghệ tặng Bằng khen đã đạt giải nhất trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2015; được tặng giải thưởng Bông Lúa vàng Việt Nam, Anh cũng được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng bảng vàng vinh danh Nhân tài đất Việt năm 2017; năm 2018 Anh cùng con trai được Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen đã đoạt giải nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cho sản phẩm máy cấy lúa sử dụng động cơ điện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tao, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận là (Nhà khoa học của nhà nông năm 2019), được lưu trong Sách vàng sáng tạo Việt năm 2020.
Anh nhận thức rằng gia đình là tổ ấm thực sự, mọi thành viên phải thương yêu, tôn trọng lẫn nhau. Gia đình học tập, gia đình hạnh phúc đầm ấm là cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tài năng. Anh luôn tạo điều kiện học tập tốt nhất để các con, cháu tự bổ sung kiến thức, kỹ năng cho bản thân; Anh luôn dạy bảo các con biết hiếu thảo và học tập kiến thức, kĩ năng thiết yếu của đời thường để phát huy những tiềm năng tốt, phát hiện và điều chỉnh những hạn chế của bản thân phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, các con, cháu của Anh đều ngoan ngoãn và nỗ lực cao trong cuộc sống giúp cộng đồng phát triển, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.
Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình