Ngày 28/8/2024, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập gắn với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới” bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 9 điểm cầu (1 điểm cầu trung tâm tại Hội trường Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, 8 điểm cầu tại các huyện, thành phố).
Toàn cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo có các đại biểu: ông Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong chương trình ký kết phối hợp; Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, thành phố và đại diện một số mô hình học tập tiêu biểu.
Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; PGS-TS Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình và TS. Bùi Trọng Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chủ trì Hội thảo.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần khoa học, Hội thảo về “Nâng cao chất lượng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập gắn với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới” đã hoàn thành cơ bản nội dung chương trình đề ra.
Hội thảo đã có 69 bài viết tâm huyết; tại hội thảo đồng chí Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu khai mạc, trình bày Báo cáo đề dẫn gợi ý những vấn đề cần Hội thảo; ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Thanh Vân, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh; 11 ý kiến tham luận đại diện cho các sở và các mô hình học tập tiêu biểu.
Nhìn chung, báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ đã thúc đẩy sự tác động của các trào lưu xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của người dân. Do đó, việc tăng cường xây dựng thành công các mô hình học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay. Sự bùng nổ internet, mạng xã hội, các ngành công nghiệp giải trí đã tác động vào lối sống, đặc biệt là giới trẻ, tạo ra sự khác biệt giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận mới về phát triển văn hóa trong mối tương quan giữa xây dựng xã hội học tập với văn hóa dân tộc và con người Việt Nam trong giai đoạn mới từ góc độ gia đình, dòng họ trong xã hội học tập để phát triển bền vững, hạn chế tác động tiêu cực từ văn hóa đồi trụy đến con người Việt Nam.
Những năm qua, thực hiện chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp hội khuyến học đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển kinh tế tri thức được hội khuyến học các cấp triển khai tích cực, các gia đình, dòng họ tiếp nhận, hưởng ứng một cách đồng thuận, thống nhất cao. Nhiều dòng họ coi khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của con cháu, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương, quê hương, đất nước, tích cực dùng tri thức
học tập để tạo lập cho cá nhân, gia đình và cộng đồng có cuộc sống sung túc, hạnh phúc hơn.
Ông Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh phát biểu chỉ đạo
Kết quả thực hiện các mô hình học tập đã thể hiện rõ nét: Gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới,… của các địa phương được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao. Do đó, đã đến lúc các cấp, các ngành, các địa phương cần đánh giá một cách toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo ông Vũ Thanh Vân, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh đã đánh giá cao sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Thái Bình những năm qua. Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền và điều hành hoạt động khuyến học (tổ chức các hội nghị, tập huấn, hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến, thông tin tuyên truyền….); biên soạn được 2 cuốn sách, 25 chuyên đề, 3 hướng dẫn, 12 kế hoạch về công tác khuyến học, những tài liệu này thực sự là cẩm nang giúp cho các hội viên thực hiện ở cơ sở thuận tiện và dễ dàng. Là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc nghiên cứu thành công đề tài cấp tỉnh về “Đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chất lượng hiệu quả” đã được nghiệm thu và bắt đầu triển khai vào thực tiễn. Phát hiện, bồi dưỡng và tỏa sáng gương "Nhân tài đất Việt", là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có điển hình tự học thành tài đạt giải thưởng "Nhân tài đất Việt - Tự học thành tài" năm 2023.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đề nghị các cấp Hội Khuyến học lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình học tập, dòng họ học tập, các mô hình gia đình văn hóa, các phong trào thi đua và điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào truyền thống, lịch sử của địa phương, quê hương, đất nước. Thông qua các mô hình học tập nhằm phát huy truyền thống hướng về cội nguồn, tạo sức mạnh nội sinh trong việc thực hiện tốt nền nếp gia pháp, gia phong, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng, xã và những nét đẹp riêng vốn có.
Đồng chí Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Các cấp, các ngành cần nghiên cứu lồng ghép “Gia đình hoc tập” vào tiêu chí công nhận “Gia đình văn hóa”. Mỗi gia đình, dòng họ phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình, trong dòng họ xây dựng thành công gia đình học tập, dòng họ học tập để mọi người có tri thức, có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường phát triển toàn diện, góp phần phát triển một xã hội trọng học, hiếu học, biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu học tập.
Mọi công dân cần phải có trách nhiệm với gia đình, dòng họ và với xã hội, có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Xây dựng các mô hình học tập trong thời đại số, kỷ nguyên số phải được thực hiện gắn kết với các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cũng đề nghị hội khuyến học các cấp cần nghiên cứu để hiểu sâu hơn, nắm vững hơn vai trò của gia đình, dòng họ đối với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để tổ chức triển khai tốt hơn, sáng tạo hơn các mô hình học tập, tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống quý báu của các gia đình, dòng họ nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa ở địa phương, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của mình nhằm xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Hoàng Lương