Chúng tôi đã có hẹn trước, nhưng vẫn phải “đôi tin chờ, vài khắc đợi” mới gặp được “Thần Bỏng” lương y Đào Viết Thoàn, bởi anh luôn bận rộn công việc thăm khám, bào chế dược liệu, chữa trị cho các bệnh nhân bị bỏng, thời gian kéo dài liên tục từ bình minh cho đến hoàng hôn, vẫn gương mặt điềm tĩnh, đôn hậu thường xuyên ánh lên những nét nhìn kiên nghị, tự tin, lương y Đào Viết Thoàn dù chỉ gặp một lần đã nhớ mãi không quên.
Lương y Đào Viết Thoàn bên các bài thuốc do ông tự nghiên cứu, sáng chế
Sinh ra và lớn lên tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, những năm cuối thập kỷ 70, trong một trận chiến ác liệt bảo vệ biên cương của tổ quốc, Đào Viết Thoàn đã bị thương rất nặng, chấn thương sọ não, gẫy chân phải, hỏng mắt trái, gãy xương sườn, xẹp đốt sống.... đó là chưa kể những vết thương còn găm khắp cơ thể, tưởng chừng không thể vượt qua lưỡi hái tử thần. Suốt 2 năm điều trị, gần chục lần lên bàn mổ, được sự quan tâm sâu sắc của các cấp các ngành, sự tận tình cứu chữa của tập thể bác sỹ bệnh viện 103, cộng với sức sống mãnh liệt, nghị lực kiên cường của anh “bộ đội cụ Hồ”, Đào Viết Thoàn đã chiến thắng thần chết trở về với cuộc sống cộng đồng. Anh được xếp hạng thương binh 1/4 (loại đặc biệt), phải xa rời mặt trận, xa những người đồng đội thân yêu, bên cạnh đó là những cơn đau dai dẳng tiếp tục hành hạ, để lại trong tâm thức Đào Viết Thoàn một nỗi buồn, khoảng trống mênh mông. Không chịu đầu hàng số phận và gánh nặng cho gia đình, xã hội; đặc biệt là sự chia sẻ, cổ vũ, động viên của người bạn đời hiền thục, đảm đang chị là Nguyễn Thị Hơn cựu Thanh niên xung phong đã tiếp thêm sức mạnh cho Đào Viết Thoàn bước vào trận tuyến mới.
Như một cơ duyên, vết thương ở bàn chân của anh đã được ghép da nhiều lần nhưng không liền, vẫn lộ xương và có nguy cơ hoại tử, anh được giới thiệu với Đại đức Thích Đàm Lương, trụ trì tại Chùa Trắng (Thanh Trì- Hà Nội) là người đang sở hữu phương thuốc gia truyền: Sinh cơ, nuôi thịt rất hữu hiệu, qua quá trình điều trị anh đã được Đại đức chữa lành vết thương, nhận thấy đây là một nghề rất phù hợp với khả năng của mình, anh khẩn khoản xin được thụ giáo và được Đại đức nhận lời. Sau một thời gian dài cần cù khổ luyện nhờ chịu khó tu tâm tích đức, kiên trì chuyên sâu nghiên cứu y lý, Đại đức Thích Đàm Lương rất hài lòng nhận anh là con nuôi đồng thời truyền dạy các phương pháp bào chế thuốc và bí quyết hành nghề.
Lương y Đào Viết Thoàn thăm khám cho cháu bé 6 tháng tuổi từ Hà Nam đến điều trị bỏng
Sau nhiều năm miệt mài tu nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của người thầy tôn kính, Đào Viết Thoàn vừa chữa bệnh vừa tìm tòi học hỏi, tham khảo nhiều tài liệu y học, dược học và chắt lọc những tinh hoa của các bài thuốc y học cổ truyền. Bên cạnh đó, nhận được sự chỉ dạy của sư cụ Thích Đàm Lương, anh đã học được cách bào chế, cách chữa bệnh của bài thuốc chữa bỏng và vết thương. Trở về quê hương đem kiến thức tiếp thu được anh chữa bỏng cho rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, với đạo nghĩa “lương y như từ mẫu”, “thương người như thể thương thân”, anh ân cần cảm thông gần gũi, sẻ chia với cơn đau người bệnh, đặc biệt quan tâm ưu tiên những người có công với nước, con em đồng đội, bệnh nhân nghèo khó, tàn tật, trẻ em mồ côi theo phương châm “hạn chế cơn đau, vết bỏng nhanh liền, không có di chứng, rút ngắn thời gian và tiết kiệm kinh phí cho người bệnh”.
Hội Khuyến học tỉnh thăm cơ sở chữa bệnh Lương y Đào Viết Thoàn
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, lương y Đào Viết Thoàn đã dành cả tâm đức tự học tập, tự nghiên cứu, bào chế ra nhiều bài thuốc cứu người, không để xảy ra tai biến. Đến nay, đã sở hữu 6 công trình nghiên cứu đạt giải quốc gia, giải tỉnh được cấp thẩm quyền đánh giá công nhận, được ứng dụng trong y học mang lại hiệu quả cao, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
Đó là các công trình: “Nghiên cứu, bào chế bài thuốc chữa bỏng thuốc mỡ sinh cơ, cải tiến phương pháp sử dụng thuốc trong quá trình điều trị vét thương cho bệnh nhân bỏng”. Công trình: “Nghiên cứu bào chế sản phẩm mỡ bôi chữa bệnh zonal thần kinh, phỏng rạ”. Công trình: “Nghiên cứu, bào chế sản phẩm mỡ dưỡng da, làm đẹp da, điều trị cho bệnh nhân sau bỏng, chữa sẹo, nám mả, tàn nhang, chữa dị ứng”. Công trình: “Nghiên cứu bào chế dung dịch nghệ vàng 5% và cải tiến phương pháp dùng thuốc chữa bỏng”. Công trình: “Nghiên cứu bào chế mỡ vàng đặc trị vết thương, vết loét lâu liền”. Công trình: “Nghiên cứu bào chế sản phẩm mỡ bôi đặc trị nấm, ngứa, viêm da, viêm da dị ứng”.
Về hiệu quả kinh tế của các công trình: Khi thay băng, tháo băng không cần nhỏ nước muối sinh lý mà không dính, không làm tổn thương tổ chức hạt, bệnh nhân không đau đớn, vết thương, vết bỏng nhanh liền. Có 31,3% bệnh nhân bị bỏng đang điều trị tại các cơ sở y tế khác đã tìm về cơ sở để tiếp tục chữa trị. So với phương pháp điều trị tại các cơ sở chữa bỏng khác, bài thuốc điều trị vết bỏng, vết thương tại cơ sở bằng thuốc “mỡ sinh cơ” bôi trên gạc ướt rất có hiệu quả: rút ngắn thời gian điều trị; tiết kiệm chi phí dùng thuốc cho người bệnh; cơ sở đã điều trị cho 33.000 bệnh nhân, tính trung bình mỗi bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị là 4 ngày so với phương pháp cũ. Vậy tổng số ngày rút ngắn khi dùng “mỡ sinh cơ” bôi trên gạc đã được tẩm nước muối sinh lý vắt khô là 132.000 ngày. Tính bình quân ngày công lao động ở thời điểm hiện tại là 200.000/1 người. Vậy phương pháp mới đã giúp tiết kiệm số tiền làm lợi cho xã hội là: 132.000 x 200.000 là hai sáu tỷ bốn trăm triệu đồng.
Hội đồng xét giải thưởng “Khuyến học – Tự học thành tài”
Về hiệu quả xã hội của các công trình: tỷ lệ điều trị khỏi đạt 100%, không có ca tử vong, không xảy ra tai biến, giảm tải số lượng người bệnh phải chuyển tới các bệnh viện tuyến trên, không để lại di chứng sẹo, vẫn giữ được thẩm mỹ cho người bệnh, giảm công người phục vụ và tăng công lao động cho người bệnh. Trả lại chức năng lao động và thẩm mỹ cho người bệnh, mang lại niềm vui niềm hạnh phúc cho hàng vạn bệnh nhân. Người bệnh nhanh khỏi sớm hòa nhập cộng đồng và làm ra nhiều sản phẩm của cải làm giàu cho cho gia đình, xã hội; góp phần xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Như vậy, bài thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng, vết thương lâu liền của lương y Đào Viết Thoàn trong 35 năm qua đã điều trị cho hơn 33.000 bệnh nhân khỏi bệnh, không để tử vong, không xảy ra tai biến. Khuyến khích, hỗ trợ như miễn tiền công, tiền thuốc cho 4.320 bệnh nhân là đối tượng chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, con em đồng đội, các cháu nhỏ; miễn toàn bộ giường nằm, điện nước cho 18.586 bệnh nhân điều trị nội trú tại cơ sở: miễn tiền công cho 9.587 bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ từ 6 tuổi trở xuống đến từ mọi nơi. Tính tiền công và tiền thuốc nhiều năm qua lương y Đào Viết Thoàn đã khuyến khích, hỗ trợ miễn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách, người tàn tật trẻ mồ côi và cháu nhỏ là 8,650 tỷ đồng (tám tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng).
Các sáng kiến của lương y Đào Viết Thoàn được áp dụng điều trị tại nhiều địa phương trên cả nước, hoàn toàn sử dụng nguyên liệu là các cây thuốc nam có sẵn tại địa phương để tự học, tự bào chế thành bài thuốc chữa bỏng có hiệu quả điều trị cao, góp phần đẩy mạnh nền Y học cổ truyền của dân tộc phát triển, xứng đáng là công dân học tập tiêu biểu, hội viên nông dân khuyến học xuất sắc, được Hội Đồng xét giải thưởng tỉnh Thái Bình đề nghị Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Giải thưởng: “Khuyến học - Tự học thành tài” năm 2023.
Với nỗ lực cố gắng vượt bậc, Lương y Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” năm 2015, “Thầy thuốc ưu tứ” năm 2020 cùng nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, của tỉnh và các cấp, các ngành.
Đằng sau những con số tưởng chừng khô khan ấy là kết tinh trí tuệ, công sức, là mồ hôi nước mắt thậm chí cả máu của mình, tấm gương thiện nguyện, tự học thành tài của lương y Đào Viết Thoàn mãi mãi lan toả lắng sâu, là sự kế thừa và phát huy nét đẹp truyền thống “Thương người như thể thương thân, mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Lương y Đào Viết Thoàn xứng đáng được mọi người mến phục, quý trọng, không những được vinh danh “Thần Bỏng” mà còn bởi “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Vũ Mạnh Hiền và Lại Tây Dương