Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của toàn xã hội và các thế hệ học sinh với những hoạt động tri ân thầy cô giáo, tri ân mái trường xưa; Bao kỷ niệm êm đềm, sâu lắng về một thời tới lớp là hành trang theo học trò đi suốt cuộc đời. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta suy ngẫm về người thầy, về sự nghiệp giáo dục đào tạo, về học trò và về một xã hội tương lai. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trong không khí sôi nổi của phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài khiến mỗi chúng ta nghĩ nhiều đến những người thầy sau bao năm đứng trên bục giảng, bao năm "Lái đò chở khách qua sông", được về nghỉ chế độ nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Trên quê hương Thái Bình, miền đất "địa linh nhân kiệt", nơi có truyền thống lịch sử anh hùng, truyền thống hiếu học và trọng học, quê hương của 128 vị đại khoa và nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình có đội ngũ cán bộ giáo viên hùng hậu vừa trực tiếp giảng dạy ở quê hương vừa chi viện cho các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa và các tỉnh miền Nam sau ngày giải phóng. Hiện nay, Thái Bình có 24 nghìn cán bộ giáo viên đương chức tại các trường phổ thông và gần 20 nghìn giáo viên hưu trí.
Theo quy luật thời gian, tuổi hưu trí cũng đồng nghĩa với sự suy giảm sức khỏe và trí tuệ nên phần đông các thầy cô nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tuổi già cùng gia đình con cháu. Nhưng có nhiều thầy cô giáo vẫn tâm huyết, sẵn sàng gánh vác công việc xã hội, từ cán bộ thôn, tổ dân phố đến cán bộ xã, phường và các đoàn thể. Nhưng đông đảo nhất vẫn là tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức tỉnh, đến nay toàn tỉnh có trên 16.000 hội viên Hội cựu giáo chức, trong đó có tới 1.700 thầy, cô giáo làm cán bộ khuyến học các cấp, chiếm 11% tổng số cán bộ hưu trí trong tỉnh. Trong tổng số 260 hội khuyến học xã, phường, thị trấn có 115 thầy cô giáo hưu trí là Chủ tịch hội kiêm phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Có 6/8 huyện, Thành phố Chủ tịch Hội khuyến học là Nhà giáo hưu trí, 11/16 cán bộ lãnh đạo Hội khuyến học các huyện, Thành phố là giáo viên hưu trí; gần 100% cán bộ thường trực Tỉnh hội qua các thời kỳ đều là các nhà giáo hưu trí.
Một câu hỏi đặt ra: Vì sao các nhà giáo hưu trí lại là lực lượng chủ chốt của các tổ chức Hội khuyến học cơ sở? Câu trả lời đơn giản là: Vì xã hội cần họ và họ sẵn sàng phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp chấn hưng giáo dục, xây dựng đất nước. Bởi họ là những nhà giáo sống mẫu mực, thủy chung với nghề, đáp ứng đủ tiêu chí "5T" như Hội Khuyến học tỉnh đã đề ra: Tâm huyết; Trí tuệ; Tín nhiệm; Thực tiễn; Thời gian.
Chặng đường 21 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Thái Bình luôn bám sát, triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Những nhà giáo làm khuyến học đã trở thành cầu nối giữa "ý Đảng - lòng dân" tạo nên một phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa đến mọi nhà, mọi thôn làng, cơ quan, đơn vị được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ghi nhận, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao, xếp trong tốp đầu của cả nước, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2007, Huân chương Lao động hạng II năm 2013.
Nói đến phong trào khuyến học Thái Bình là nói tới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh, nói tới vai trò to lớn của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, của cán bộ hội viên trong toàn tỉnh, trong đó có vai trò nổi bật của các nhà giáo hưu trí thầm lặng cống hiến đóng góp phần công sức to lớn cho phong trào khuyến học tỉnh nhà.
Trong đội ngũ các nhà giáo hưu trí đam mê công tác khuyến học, không thể không nói tới các nhà giáo cơ quan thường trực Hội Khuyến học huyện, thành phố và Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, những người trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua khuyến học qua những bước thăng trầm và đang đổi mới, sáng tạo hôm nay: Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Cầm - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Bình với 20 năm lãnh đạo Tỉnh hội, trong đó có 7 năm làm Phó Chủ tịch, 13 năm làm Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh; Nhà giáo Đặng Văn Cao 19 năm công tác Tỉnh hội, trong đó 9 năm làm Phó Chủ tịch; Nhà giáo Trần Thị Huệ, Nguyên Phó Giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo có 13 năm công tác Tỉnh hội, trong đó có 9 năm là Phó Chủ tịch.
Từ Đại hội Khuyến học tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lãnh đạo Tỉnh hội có sự thay đổi cơ bản nhưng tất cả vẫn là các Nhà giáo hưu trí: Nhà giáo Vũ Mạnh Hiền - Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Chủ tịch Hội; Tiến sỹ, nhà giáo Bùi Trọng Trâm, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Phó chủ tịch Hội; Nhà giáo Vũ Văn Thanh, hơn 20 năm làm hiệu trưởng các trường phổ thông huyện Vũ Thư, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Hội; Nhà giáo ưu tú Đỗ Đình Trọng, nguyên Phó trưởng phòng giáo dục huyện Thái Thụy (11 năm làm chuyên trách khuyến học huyện, tỉnh), Phó Chủ tịch Tỉnh Hội; Nhà giáo Nguyễn Văn Đầm, nguyên trưởng phòng phổ thông Sở Giáo dục - Đào tạo, Chánh văn phòng Tỉnh hội; NGƯT Bùi Ngọc Sơn, nguyên trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình là cán bộ Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và Phát triển ý tưởng Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình.
Nhà giáo Vũ Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tâm sự: Tôi trưởng thành từ ngành giáo dục; Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, tôi được điều động, bổ nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo ở các sở, ban, ngành, Bí thư huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tuy đã chuyển sang lĩnh vực công tác khác nhưng tôi vẫn thường xuyên nhận được lời chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lời sẻ chia của các học trò. Nhiều học trò về Hội Khuyến học thăm thầy tâm sự: "Thầy ơi, những đường cong, nét vẽ trên bảng đen, phấn trắng và những bài ca Lượng giác của thầy ngày nào đã đi theo chúng em suốt cuộc đời, giúp chúng em có nghị lực vươn lên để thành danh, thành đạt như ngày hôm nay. Chúng em luôn nhớ lời thầy dạy: Người học toán phải có tư duy toán học, lập luận rõ ràng, tư duy lô gic như mệnh đề Toán học để sau này ứng phó với mọi biến cố cuộc đời. Quả thật, trong những năm công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, chúng em đã ý thức và cảm nhận sâu sắc những lời căn dặn của thầy”.
Phải chăng những tình cảm thầy trò sâu nặng và tình yêu nghề từ 40 năm trước là sức mạnh để khi về nghỉ chế độ, nhà giáo Vũ Mạnh Hiền thuận tâm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình theo đề nghị của Thường trực Hội Khuyến học và lãnh đạo tỉnh. Thường trực Tỉnh hội khóa V (2020 - 2025) là những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ, đổi mới các hoạt động của Hội theo tư tưởng "chuyển đổi số" trong công tác tổ chức cán bộ, trong giao ban, Hội thảo, Hội nghị, thông tin tuyên truyền, đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhà giáo Thường trực Hội khuyến học huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đều là những tấm gương về tinh thần tận tụy, hết lòng vì phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập: Thầy Bùi Hữu Thạnh - Chủ tịch Hội khuyến học Thành phố; Thầy Lương Hồng Tuấn - Chủ tịch Hội Khuyến học Tiền Hải; Thầy Vũ Đình Tùy - Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Thụy; Thầy Lưu Quang Ổn - Chủ tịch Hội Khuyến học Quỳnh Phụ; Thầy Nguyễn Xuân Để - Chủ tịch Hội khuyến học Vũ Thư; Thầy Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học Hưng Hà; Thầy Tô Trọng Tấn - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Thành phố cùng các đồng chí Bùi Thế Dân, Chủ tịch Hội Khuyến học Kiến Xương, Nguyễn Thị Thanh Tám, Chủ tịch Hội Khuyến học Đông Hưng và bao nhà giáo khác đang làm công tác khuyến học với tấm lòng vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập rất đáng trân trọng.
Khi ta dành những phút tĩnh tâm lắng nghe nhịp sống đang trào dâng hay lắng sâu "như mạch nguồn trong đất” ta ngẫm thấy bao điều thú vị. Không nói tới những điều lớn lao của thế sự nhân tâm, những gì ta trải nghiệm đủ để cảm nhận được những vị ngọt, vị thơm lẫn vị cay, vị chát. Cuộc đời như một dòng chảy không ngừng; biết bao người đang cuốn theo dòng xoáy của kinh tế thị trường, say sưa với những mục tiêu kinh tế, chính trị... ta mới thấy cái tâm, cái đức, cái "chân, thiện, mỹ" thầm lặng tỏa sáng trong những nhà giáo chân chính, những người tuổi đã 60 - 70 vẫn vui vẻ "vác tù và hàng tổng", góp sức mình vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chấn hưng đất nước.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay do dịch bệnh covid diễn biến phức tạp, Hội Khuyến học tỉnh không tổ chức cuộc hội tụ tri ân các nhà giáo tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tới các nhà giáo lão thành, các thế hệ nhà giáo Thái Bình lời chúc tốt đẹp nhất! Xin gửi tới các nhà giáo cán bộ, hội viên khuyến học Thái Bình lời tri ân sâu sắc. Kính chúc các ông, các bác, các nhà giáo cùng gia đình luôn vui - khỏe - hạnh phúc, an toàn vượt qua đại dịch, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh nhà ngày càng phát triển và không ngừng tỏa sáng!
Đỗ Trọng Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh