ThS. Nguyễn Hữu Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình,
Chủ trì Hội thảo, phát biểu Khai mạc
Ngày 31 tháng 3 năm 2022 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Hội thảo là bước thảo luận làm sáng tỏ đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Gần100 đại biểu tham gia hội thảo đại diện cho các cấp quản lý nhà nước về Giáo dục & Đào tạo của tỉnh; đại diện cho các trường trung học phổ thông tư thục, trường mầm non ngoài công lập và các cơ sở giáo dục mầm non dân lập/tư thục trong tỉnh; đặc biệt tham gia Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia; Lãnh đạo sở Giáo dục & Đào tạo, cán bộ quản lí giáo dục của trường trung học phổ thông, mầm non tư thục; lãnh đạo, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm và Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình.
TS. Bùi Trọng Trâm nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm, Phó Chủ tịch
Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Chủ nhiệm Đề tài báo cáo đề dẫn Hội thảo
Hội thảo tập trung làm nổi bật một số vấn đề sau:
Sự xuất hiện của hệ thống trường (cơ sở giáo dục ngoài công lập) ở Thái Bình là một xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, Thái Bình có 14 trường mầm non ngoài công lập thu hút 5.029 trẻ em; có124 cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục thu hút gần 7.000 trẻ em tới nhóm/lớp; có10 trường trung học phổ thông tư thục với 1693 học sinh.
Giáo dục ngoài công lập ở Thái Bình ngày càng thể hiện rõ chức năng giáo dục của xã hội, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Nhiều trường/ cơ sở giáo dục ngoài công lập đã khẳng định được vị trí, vai trò, chất lượng giáo dục với các bậc phụ huynh và nhân dân trong tỉnh.
Sự tồn tại song song của hai loại hình trường (công lập và ngoài công lập) đã tạo ra sự cạnh tranh phát triển trong giáo dục, là sự phát triển đúng hướng giáo dục - đào tạo trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục,...
Tổng các nguồn lực của xã hội ở Thái Bình thu hút vào ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, ...trong, ngoài tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội. Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư; trông chờ, ỷ nại vào ngân sách nhà nước cấp; các cơ sở giáo dục ngoài công lập do khả năng tài chính eo hẹp, thuê mướn mặt bằng làm cơ sở, thiếu hụt lực lượng giáo viên cơ hữu, tuyển sinh èo uột, quy mô đào tạo nhỏ,… việc triển khai, thực hiện chủ trương xã hội hóa của các cấp chính quyền, các ngành chưa thường xuyên, quyết liệt; trong đó vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập chưa bảo đảm nguyên tắc cân đối cung cầu trong dài hạn; công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn chưa được chú trọng đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục ngoài công lập còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa có chế tài cụ thể cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn Thái Bình,…
Vấn đề giáo dục ngoài công lập hiện nay được Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản thể hiện rõ chủ trương, chiến lược và định hướng đổi mới trong dài hạn là cần phải huy động các nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành. Thái Bình cần có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo ngoài công lập của tỉnh.
ThS. Đặng Xuân Phong - Phó Giám đốc sở Giáo dục & đào tạo
phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo thống nhất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tiếp theo, cần tập trung những nội dung sau:
Một là, hoàn thiện thể chế như rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa đã ban hành của tỉnh, hệ thống hóa các quy định về huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa giáo dục, về cơ sở giáo dục ngoài công lập và các vấn đề có liên quan. Tham mưu cho tỉnh hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
Hai là, cải thiện môi trường đầu tư như xem xét các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngoài công lập; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, minh bạch; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Ưu tiên những vị trí thuận lợi trong quy hoạch sử dụng đất cho xây dựng các trường học, khu vui chơi giải trí cho cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập như đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục theo cơ chế thị trường, trong đó xác định rõ các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ. Đổi mới cơ chế, tăng đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tăng nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên.
Bốn là, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục, công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra thường xuyên, chuyên đề xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm sớm phát hiện các bất cập, khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, xử lý; có chế tài với các cơ sở giáo dục không tuân thủ theo quy định.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông như tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách về xã hội hóa để tất cả các đối tượng liên quan (các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, đơn vị ngoài công lập và toàn xã hội) nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục, khắc phục và tiến tới xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử giữa công lập và ngoài công lập. Phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho các nhà đầu tư, người quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập về các chính sách của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý và chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dụcngoài công lập trong việc thu hút và quản lý các nguồn lực huy động./.
ThS.NGƯT. Bùi Ngọc Sơn Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHCN và Phát triển ý tưởng, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình