Năm Hổ sắp qua, năm Mèo đang đến. Trong guồng quay vô tận của thời gian, chúng ta cùng dành một chút thời gian để đàm luận, suy ngẫm về chuyện con Mèo, có lẽ cũng là thú vui tao nhã, thư giãn.
Ảnh: nguồn Internet
Mèo là một trong những con vật cưng được nuôi phổ biến hầu hết trong các gia đình. Ngoài việc nuôi để bắt chuột, chúng còn được nuôi làm sinh vật cảnh và được xem là những sinh vật thông minh, có tập tính sạch sẽ, dễ thương, dễ gần gũi, có thể được dạy làm xiếc, giữ nhà, v.v…
Có nhiều giống Mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi hoặc có nhiều màu lông khác nhau. Món ăn khoái khẩu nhất của chúng là cá. Mèo rất giỏi leo trèo và ưa ngồi trên cao. Trong khi đó, “người họ hàng” của chúng là Cọp lại không biết leo trèo. Chính vì ưu thế này mà Mèo được gọi là “cô” của Cọp! Mèo là một trong số ít loài vật bốn chân không có các xương đòn cứng. Điều này cho phép Mèo chui qua lỗ hổng có kích thước bằng đầu của chúng một cách dễ dàng. Mèo sử dụng “phản xạ thăng bằng” chúng tự xoay thân tới vị trí thích hợp. Do vậy, khi rơi từ trên cao xuống, nó vẫn bình yên vô sự. Trái lại, giống Mèo không có đuôi thì không có khả năng lấy lại thăng bằng. Mèo thường ngủ 13–14 giờ mỗi ngày. Cá biệt có con ngủ đến 20 giờ/ngày. Vì vậy, chớ vội đổ oan cho “cô, cậu” Mèo nào đó ngủ nhiều là lười nhác! Nhưng chúng rất hiếu động và hay đùa nghịch vào buổi tối và sáng sớm.
Mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân, nên đi rất êm, nhẹ nhàng và không gây tiếng động. Tầm nhìn của Mèo tốt nhất vào ban đêm so với người và kém nhất vào ban ngày. Thính giác của Mèo có thể nghe ở mức cao hơn 2 quãng so với con người. Khứu giác của một con Mèo nhà mạnh gấp 14 lần so với con người. Do đó Mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không ngửi thấy được. Xúc giác của Mèo khá nhạy bén. Đặc biệt Mèo không cảm nhận được vị ngọt. Vì thế, chủ nhân của chúng không cần pha đường mỗi khi cho Mèo uống thuốc. Mèo có trí nhớ rất tốt. Chúng hay nũng nịu, ra dáng thân thiện với người yêu mến, cưng chiều hoặc thường xuyên chăm sóc nó.
Tuy nhiên, dù có cưng chú Mèo hay cô Mèo yêu quý của mình đến đâu đi nữa, xin các chủ nhân của chúng nhớ tuân thủ như sau: Mèo con đủ 3 tháng tuổi, phải được tiêm phòng bệnh dại và tẩy giun sán ngay sau đó. Và cứ sau 1 năm thì tái tiêm chủng bệnh dại, cứ 6 tháng thì tẩy giun sán một lần. Đó là cách đơn giản nhất để bảo vệ thú cưng của mình, bảo vệ chính mình, các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội cách tốt nhất!
Hình tượng Mèo được thể hiện hết sức phong phú trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ dân gian mang ý nghĩa ẩn dụ, nhân văn. Chúng ta cùng đọc và suy ngẫm:
Mèo lành ai nỡ cắt tai - Ý nói người tốt không ai nỡ xử tệ.
Ăn nhỏ nhẻ như Mèo - Ý nói ăn từ tốn từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết nhưng đàn ông ăn như Mèo thì bị chê bai.
Buộc cổ Mèo, treo cổ Chó: ám chỉ kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn.
Chẳng biết Mèo nào cắn mỉu nào: ý rằng mỗi người đều có sở trường riêng, chưa chắc ai đã hơn ai.
Chó treo, Mèo đậy: ý khuyên phải cảnh giác, đề phòng.
Chửi chó mắng Mèo: biểu lộ sự tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ.
Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang: một quan niệm mê tín từ xưa lưu truyền lại.
Mèo khen Mèo dài đuôi: ám chỉ những ai tự đề cao, khen ngợi mình.
Mèo mả, gà đồng: ám chỉ hạng người vô lại; trai trộm cướp, gái lăng loàn, sống hoang dã, thiếu giáo dục.
Mèo mù vớ cá rán: vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn.
Tiu nghỉu như Mèo cắt tai: ý nói tâm trạng thất vọng, buồn rầu.
Mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn: khuyên người biết tằn tiện chi tiêu thì không sợ túng thiếu.
Mèo hoang lại gặp Chó hoang, anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai: ám chỉ những kẻ vô lại kết bè, tựu đảng với nhau.
Mèo tha miếng thịt xôn xao, Hùm tha con Lợn thì nào thấy chi: ngụ ý nói kẻ có quyền thế làm việc sai trái thì không sao, trong khi người cô thế thì bị buộc tội dù chuyện nhỏ không đáng.
Sắc nanh, Chuột dễ cắn được cổ Mèo: dù kẻ thù nguy hiểm đến cỡ nào nếu mình có mưu lược, có đối sách thì cũng khó hại được mình.
Ngoài ra, Mèo cũng được khắc họa đậm nét trong thi ca. Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ mượn con mèo để ngụ ý chỉ trích những quan lại thời bấy giờ nham hiểm, cho rằng nhờ tài xu nịnh để nhảy lẹ lên địa vị cao sang. Để biết tường tận về sự tinh khôn của mèo, tính tình của mèo và lòng chung thủy của mèo, xin giới thiệu với quí vị bài thơ trào phúng của Tú Mỡ nói về con Mèo để chúng ta cùng suy nghẫm:
Mèo là một giống hùm bé tí
Thân hình nhỏ nhen nhưng chí khí chẳng nhỏ nhen
Nó không phũ như giống chó đê hèn
Lại khéo làm bộ giả hiền, vờ quân tử
Ta hãy nhìn: dáng nó đi thong thả
Khinh khỉnh coi đời bằng nửa con ngươi
Nó tìm nơi ấm cúng, cao ráo để nằm ngơi
Bộ phè phỡn như một ngài trưởng giả
Nó khảnh ăn, phong lưu, nhàn nhã
Bữa thường không thịt cá, dửng dừng dưng
Trông mặt mà bắt hình dong
Trong gia súc nó xem chừng cao thượng nhất
Phò nhà chủ cơm ăn, chuột bắt
Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai
Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi
Ai trở mặt, nó tức thời trở mặt
Dưới bàn chân nhung, nó liền giơ vuốt sắt
Quào kẻ xấu chơi, rồi nhảy phắt lảng xa ngay.
Trong văn học dân gian, chúng ta ai cũng biết câu chuyện “Mèo lại hoàn Mèo”. Nội dung câu chuyện kể lại việc đặt tên cho con Mèo của một phú ông cao ngạo. Đầu tiên con Mèo được đặt tên là trời. Sau đó, lại lần lượt đổi tên là mây, tiếp theo là gió, rồi thành đến chuột, cuối cùng lại vẫn là Mèo.
Hay truyện ngụ ngôn Việt Nam Mèo dạy Hổ rất ý nghĩa luôn nhắc nhở chúng ta hãy đề cao tinh thần cảnh giác và châm biếm những kẻ lòng dạ vô ơn bạc nghĩa.
Ngày xưa, Hổ không biết cách bắt mồi như Mèo. Một hôm, Hổ đến gần Mèo dỗ dành:
– Bác Mèo ơi, em là người cùng họ với bác. Em và bác giống nhau như hệt. Mình em cũng vằn vằn như mình bác. Em có râu, bác cũng có râu. Em có vuốt sắc, bác cũng có. Em có đuôi dài, đuôi bác cũng dài. Thế mà bác lại biết rình mồi, biết nhảy, biết trèo tài hơn em. Chỗ họ hàng với nhau, bác dạy cho em biết với.
Mèo nghe lời ngọt ngào, thương Hổ là chỗ họ hàng, liền nói:
– Nhưng bác đừng ăn thịt tôi cơ.
Hổ vỗ về:
– Ai lại ăn thịt người cùng họ bao giờ? Bác nói dở quá, bác cứ tin ở em.
Mèo yên tâm dạy Hổ học cách ngồi thu hình rình mồi, cách nhảy bắt mồi, cách vờn, cách mài dũa vuốt. Hổ học xong lấy làm đắc chí. Đương lúc đói bụng, Hổ định vồ Mèo ăn thịt. Hổ bảo:
– Mẻo mèo meo!
Ta bắt được Mèo
Ta nhai ngấu nghiến!
Mèo vội trèo tót lên cây, bảo Hổ:
– Mẻo mèo meo!
Ta có võ trèo
Ta cóc dạy cho..
|
|
Hổ tức quá, gầm nhảy dưới đất, nhưng không làm gì được Mèo. Vì thế, bây giờ Hổ không biết trèo như Mèo.
Chuyện Mèo còn nhiều và còn rất dài. Trong đó thương - ghét, khen - chê … đều có đủ cả. Qua con Mèo mà có thể thấy được cái nhìn sâu sắc, phong phú của nhân dân về các khía cạnh của con người và cuộc sống.
Năm Nhâm Dần sắp qua, năm Quý Mão đang đến gần trong không khí chan hòa hương đất, hương trời, hương xuân nồng nàn lan tỏa xin trích dẫn những câu truyện về Mèo để chúng ta cùng suy ngẫm và luận đàm./.
Mạnh Vũ
(Sưu tầm và biên soạn)