Trong bối cảnh hội nhập, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, của kinh tế, văn hóa, giáo dục đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, nhiều mô hình học tập tiên tiến; do đó, nhiều em đạt nhiều thành tích trong học tập. Phần lớn học sinh, sinh viên ngày nay có vốn kiến thức rộng, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, có tinh thần học hỏi, khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cao, kính thầy, mến bạn, sống nền nếp, có ý chí, hoài bão vươn lên và không ngừng cố gắng trong học tập. Song, mặt trái của xã hội ngày nay cũng đang tiềm ẩn và ảnh hưởng không ít đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đang lấn dần vào nhà trường. Trường học phải đối mặt với nhiều biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; những hành vi thiếu chuẩn mực có cơ hội phát sinh, nảy nở. Quan hệ giữa trò với trò có biểu hiện dối trá, nói tục, chửi thề, cãi vã, hung hăng đánh nhau; quan hệ giữa trò với thầy cô có hiện tượng vô lễ, thiếu tôn trọng, cãi lại thầy cô, ... Đây đó có hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh; phụ huynh lại cậy quyền, cậy tiền, có hành động thiếu văn hóa.
Vì thế, mỗi trường học cần có bước đi, giải pháp xây dựng môi trường giáo dục văn hóa của trường mình cho phù hợp với đặc điểm của trường và tính chất của văn hóa trường học; trong đó nên chú trọng một số giải pháp sau:
Một là tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh, sinh viên, bậc cha mẹ, các tổ chức chính trị trong, ngoài trường và cộng đồng đồng tâm, đồng lòng chung sức xây dựng trường học: An toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, hợp tác; mỗi ngày tới trường là một ngày vui; ... Ở đó môi trường tự nhiên của trường học phải: Xanh, sạch, đẹp, an toàn; trường học phải gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, coi trọng những giá trị mà thiên nhiên mang lại như: nhiều cây xanh bóng mát, không khí trong lành, dễ chịu, hấp dẫn. Môi trường xã hội trong trường học có chuẩn mực cuộc sống mà mọi thành viên được sống trong bầu không khí thân thiện, lành mạnh, dân chủ, hợp tác trong các quan hệ giữa người quản lí/hiệu trưởng với giáo viên, nhân viên; giữa thầy cô với thầy cô; giữa thầy cô với trò; giữa trò với trò; giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, sinh viên; giữa nhà trường với cộng đồng xã hội; ...
Hai là xây dựng được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực văn hóa học đường và thể chế hóa thành văn bản giáo lý, nội qui trường học để mọi thành viên của nhà trường có ý thức tự điều chỉnh hành vi và tự giác thực hiện.
Muốn làm cho cái tiến bộ, cái văn hóa, cái tốt, văn minh phát triển và cái xấu, cái lạc hậu, cái hủ tục dần bị loại bỏ trong môi trường giáo dục thì phải làm cho từng thành viên nhất là học sinh, sinh viên hiểu rõ cái gì là tiến bộ, là văn hóa văn minh, cái gì là lạc hậu, xấu xa; cái gì là tốt, cái gì là xấu; cái gì làm là có lợi cho con người và được xã hội đồng tình; cái gì làm là có hại, bị xã hội phê phán; ... Từ đó, nhà trường đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống.
Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục văn hóa cần linh hoạt mềm dẻo, khoa học, hợp lí đúng quy định, nội quy của nhà trường nhằm vào xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa người với người theo quan điểm “người với người sống để yêu nhau”.
Ba là nêu gương, là biện pháp có hiệu quả nhất trong xây dựng văn hóa học đường. Nêu gương phải từ trên xuống dưới từ cán bộ quản lí giáo dục nhà trường đến giáo viên, nhân viên trường học đến học sinh, sinh viên; nêu gương phải từ trong trường học đến ngoài trường học; đặc biệt tấm gương của thầy, cô (nhà giáo) trong hoạt động giáo dục; nhất là sự gương mẫu của thầy cô trước học sinh, sinh viên và người khác trong việc thực hiện các chuẩn mực văn hóa học đường. Nhà giáo phải làm gương đi đầu trong mọi hoạt động xây dựng văn hóa học đường luôn tích cực tạo dựng môi trường văn hóa - giáo dục trong trường học.
Tấm gương của nhà giáo cũng tác động mạnh đến môi trường bên ngoài cộng đồng tạo ra những đồng thuận để xây dựng văn hóa nhà trường. Một khi nhà giáo ứng xử, tương tác văn hóa với các tổ chức, với các thành viên khác ngoài nhà trường là chỉ dẫn sống động để người học noi theo.
Nhà trường cần nêu gương những “người tốt, việc tốt’ trong và ngoài trường để kích hoạt tính tích cực, tự giác, tự rèn của học sinh, sinh viên.
Bốn là đẩy mạnh hoạt động tự rèn luyện, tự giáo dục lối sống văn hóa trong trường học. Để có hành vi văn hóa thì người học phải vượt qua rào cản, khó khăn, thử thách, nhiều chông gai, vất vả trong môi trường giáo dục và cuộc sống. Bởi vì có nhiều lực cản do hành vi bản năng theo quán tính, thiếu văn hóa trong cuộc sống và những cám dỗ, lôi kéo của đời thường mỗi người luôn ngăn cản người học hình thành hành vi, thói quen văn hoá. Mặt khác, môi trường văn hóa học đường có mẫu mực đến đâu vẫn nhỏ bé so với môi trường xã hội rộng lớn bao la, nên việc kiến tạo đời sống văn hóa trong học đường đòi hỏi mọi thành viên phải phấn đấu bền bỉ, kiên trì và luôn tự ý thức, tự rèn luyện thì mới có hiệu quả.
Việc xây dựng văn hóa học đường đặt người học vào bối cảnh cụ thể, thực tiễn của môi trường chung quanh nên họ phải biết hòa mình vào không gian sống, môi trường văn hóa sống của nhà trường và cộng đồng.
Mỗi người học vừa là người xây dựng, vừa là người hưởng thụ các kết quả từ văn hóa học đường. Họ được trải nghiệm, tương tác và ứng xử linh hoạt các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường; nên người học biết mình phải làm gì, làm như thế nào để có hành vi, thói quen văn hoá cho chính mình.
Đúng như lời cổ nhân đã dạy: “Gieo suy nghĩ gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động.Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận" (Lão Tử)
Năm là trường học cần tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh trong và ngoài nhà trường.
Những loại hình hoạt động trên bao giờ chứa đựng thông điệp về cái đẹp, về văn hóa, về lối sống văn minh hướng con người đến giá trị, chuẩn mực: Chân, Thiện, Mỹ. Đồng thời các hình thức hoạt động đó sẽ giúp người học nhận diện được mặt tốt, mặt tích cực, mặt tiến bộ, mặt trái, mặt tiêu cực, mặt xấu, thấp hèn trong hành vi cuộc sống.
Người học cũng được đọc, nghe, nhìn, suy ngẫm về những điều, những việc đã diễn ra trong hoạt động trên; họ sẽ đối chiếu với trải nghiệm của bản thân để tìm cách thay đổi bản thân ngày một tiến bộ, biết tạo dựng cho mình những nét văn hóa, lối sống văn minh.
Tóm lại, Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi chúng ta xây dựng được một nền văn hóa học đường chuẩn mực và lành mạnh; bởi vì mọi ước mơ, ý tưởng của đổi mới phải được thực hiện trong một môi trường giáo dục cụ thể, một không gian văn hóa học đường cụ thể.
Mạnh Vũ và Ngọc Sơn