“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” là lời dậy thật sâu sắc, thấm thía của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vận dụng bài học đó, học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập với mọi lứa tuổi, học để chung sống và phát triển, là những thông điệp vô cùng cần thiết, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.
Hình ảnh tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam (Phường Hoàng Diệu TP Thái Bình)
Ca dao ta có câu: “Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài/ cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi...”. Để thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập (Công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập), Hội Khuyến học các cấp đã cùng ngành giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện các bước: tuyên truyền, tập huấn, tổ chức đăng kí, đôn đốc thực hiện, việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá bình xét, công nhận các danh hiệu, góp phần đưa phong trào Khuyến học của Thái Bình đứng trong tốp đầu cả nước.
Tuy nhiên, đến nay nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đổi mới và xu thế phát triển thời đại. Việc phát triển tổ chức khuyến học trong một số cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế; phong trào khuyến học chưa thực sự chú trọng đến đối tượng người lớn; việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời chưa trở thành động lực và nhu cầu trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đọc thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng tự hào về Bác kính yêu. Người không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của thế giới, mà còn là một nhà giáo, một tấm gương sáng “suốt đời tự học” và cống hiến cho đất nước. Theo Người, muốn trở thành người có đức, có tài để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân thì “Suốt đời phải học tập”.
Cả cuộc đời làm cách mạng, Bác đã dành nhiều tâm huyết cho công tác giáo dục “Dạy chữ và dạy người”. Mỗi cấp học, ngành học Bác chỉ căn dặn một câu ngắn gọn, nhưng vô cùng súc tích và sâu sắc: Dạy mầm non “cốt nhất giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu, đừng bắt các cháu già trước tuổi”; dạy tiểu học “cốt nhất là dạy các đức tính để làm người” (theo 5 điều Bác Hồ dạy); dạy phổ thông “cốt nhất là dạy kiến thức cơ bản, học xong có thể làm việc được ngay, để tự nuôi sống mình, rồi sẽ tiếp tục học lên, học tập suốt đời”; dạy đại học là “để đào tạo chuyên gia, nên phải dạy theo phong cách nghiên cứu”.
Học tập và làm theo Bác, trong thực tế đã có nhiều gương điển hình tiên tiến, đó là: Có một lớp học đặc biệt trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) duy trì đều đặn suốt 4 năm qua đem đến kiến thức và niềm vui cho các cụ già (trẻ nhất là U60, lớn nhất là U90). Các cụ xem đây như một giá trị cuộc sống rất ý nghĩa. Tại lớp học này, mọi người được gặp gỡ và giao lưu vui vẻ, học thêm kiến thức mới, mong muốn về nhà có sự kết nối với con cháu, từ đó tạo sự gắn kết trong gia đình. Ở Thái Bình, anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Thái Binh Seeds bắt đầu nhập hồ sơ đi học Thạc sĩ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) ở tuổi 70. Ông vừa vinh hạnh được nhận Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ ...
Quan điểm của Đảng ta cũng đã xác định vấn đề con người là trung tâm, là nguồn nhân lực, là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người Thái Bình đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 07-11-2022 của UBND tỉnh “Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”đã yêu cầu các sở, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 186 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng theo hướng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học suốt đời của Nhân dân; từng bước thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục; đa dạng hóa phương thức, nội dung giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng hình thức đào tạo từ xa, phương pháp học trực tuyến; tăng cường áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo thì việc xây dựng hệ điều kiện tạo thuận lợi cho việc học tập suốt đời của người lớn trở thành nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Mấu chốt là các trường phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở, cần số hóa được những tài nguyên tri thức có trong thư viện, để đông đảo người dân có thể tiếp cận và học hỏi, nhất là mở ra các khóa học mở, các khóa học đại chúng trực tuyến, giúp đáp ứng yêu cầu học thường xuyên, học suốt đời, tại các địa điểm khác nhau của người học. Cần lan tỏa hình ảnh người lớn nghiêm túc trong việc tự học để làm gương cho thế hệ trẻ. Cấp trên gương mẫu học tập để làm gương cho cấp dưới.
Với mục tiêu xây dựng thành công xã hội học tập trên địa bàn tỉnh rất cần sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực thực hiện các nhiệm vụ về công tác khuyến học, khuyến tài, phấn đấu xây dựng Thái Bình đạt danh hiệu “Tỉnh học tập”, góp phần “...Làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Dương Văn Lễ
Nguyên Phó trưởng Ban TT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – UVBTV Hội Khuyến học Tỉnh