Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách, khuyến học xanh đang nổi lên như một giải pháp quan trọng để giáo dục mọi người nhất là thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các đại biểu dự Hội thảo Khuyến học xanh
Khuyến học xanh không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ học tập mà còn là định hướng giúp học sinh, sinh viên, học viên phát triển tư duy và hành động có trách nhiệm với môi trường. Khuyến học xanh với 3 trụ cột chính "Tư duy xanh, Lối sống xanh và Kỹ năng xanh", đóng vai trò chủ đạo và vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, tư duy xanh giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ ràng về mối liên kết giữa hoạt động con người và tác động đến thiên nhiên, từ đó hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái.
Lối sống xanh khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm tái chế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, tạo dựng môi trường sống lành mạnh.
Kỹ năng xanh, bao gồm khả năng ứng dụng công nghệ sạch, quản lý tài nguyên hiệu quả và phát triển các giải pháp sáng tạo trong bảo vệ môi trường, giúp mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành những người có trách nhiệm và sáng tạo trong việc bảo vệ hành tinh.
Theo đó, khuyến học xanh là một xu hướng giáo dục rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức và cộng đồng, Khuyến học xanh sẽ ngày càng lan rộng, tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. Giáo dục mọi người nhất là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường là nền tảng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững của đất nước.
Khuyến học xanh là một mô hình giáo dục kết hợp giữa việc khuyến khích học tập và phát triển bền vững. Mô hình này không chỉ hướng đến việc nâng cao tri thức mà còn giúp người học hình thành ý thức bảo vệ môi trường, áp dụng các giải pháp xanh vào cuộc sống và công việc, hướng tới một tương lai bền vững.
Đây cũng là một phần của chiến lược giáo dục toàn cầu nhằm thay đổi phương pháp dạy và học, thích ứng với những thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Mục tiêu của Khuyến học xanh là trang bị cho người học kiến thức, lối sống, kỹ năng và tư duy cần thiết để đóng góp vào một xã hội phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và xây dựng một thế giới công bằng hơn về mặt sinh thái, xã hội.
Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thái Bình nhận định: "Khuyến học xanh không chỉ dừng lại ở việc trang bị tri thức mà còn giáo dục về môi trường, hướng dẫn người học có tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh và sống có trách nhiệm với hành tinh. Các chương trình trong mô hình này có thể bao gồm việc áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng tài nguyên tái tạo và đổi mới phương pháp giáo dục để giúp người học hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên".

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu tại Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng”
Cùng với đó, khuyến học xanh là việc tích hợp các giá trị môi trường vào các chương trình học tập, khuyến khích mỗi cá nhân học không chỉ để phát triển bản thân mà còn để đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh. Khuyến học xanh là một phong trào thúc đẩy học tập gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững.
Chia sẻ cách thức tổ chức khuyến học xanh, ông Vũ Mạnh Hiền nêu:
Đối với nhà trường: Xây dựng các chương trình giáo dục môi trường "Sáng – xanh – sạch – đẹp" trong nhà trường; Tạo môi trường học tập an toàn, hấp dẫn và thân thiện cho người học, thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, phụ huynh và giáo viên và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; Tạo cơ hội cho người học, học sinh, sinh viên tham gia các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...
Xây dựng "Vườn trường học xanh": Mỗi trường học thiết lập một khu vườn trồng cây xanh, vừa là nơi học tập, vừa là nơi giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường.
Chương trình "Học sinh sáng tạo vì môi trường": Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo liên quan đến tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải, hoặc cải thiện môi trường sống; Hỗ trợ triển khai các dự án khả thi từ ý tưởng của học sinh.
Giờ học xanh: Tích hợp giáo dục môi trường vào các môn học như sinh học, địa lý, và hóa học; Tổ chức giờ học thực tế ngoài trời tại các khu vực như rừng trồng mới, vườn trường hoặc công viên.
Câu lạc bộ "Xanh và Tri thức" khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ bảo vệ môi trường và học tập hiệu quả.
Tuần lễ xanh: Phát động trong toàn trường với các hoạt động: không rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, và làm đồ thủ công từ vật liệu tái chế.
Tổ chức các hoạt động vì môi trường xanh: dọn rác tại các bãi biển, khu công cộng; Hỗ trợ các chiến dịch làm sạch môi trường ở địa phương. Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày: điện, nước... Phong trào "Học sinh Xanh - Hành động nhỏ, thay đổi lớn"
Đối với gia đình: Cha mẹ làm gương trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, thực hiện lối sống xanh
Khuyến khích con cái tham gia các hoạt động xanh như trồng cây, làm vườn, xây dựng không gian sống xanh, ngôi nhà xanh ...
Tổ chức lối sống gia đình xanh để cả nhà cùng tham gia bảo vệ môi trường
Đối với xã hội: Các tổ chức xã hội cần tăng cường tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về khuyến học xanh, xây dựng môi trường xanh, cộng đồng xanh. Tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền trên báo đài, và mạng xã hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về khuyến học xanh; Phát động các ngày hội môi trường, trồng cây, và dọn dẹp trường học xanh.
Hỗ trợ về tài chính và nguồn lực cho các trường học, khu dân cư và cộng đồng triển khai mô hình giáo dục xanh bền vững.
Mô hình "Khuyến học xanh" không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường tại Thái Bình. Việc triển khai mô hình này đòi hỏi sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương để đạt được mục tiêu bền vững lâu dài.
Hoàng Phương