Ngày 15 tháng 9 năm 2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc gia trực tuyến về “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính trong giáo dục Việt Nam”. Toàn quốc có 138 điểm cầu và hơn 1.300 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lí nhà nước về giáo dục tham gia Hội Thảo. Trong đó có 20 bài báo cáo khoa học được đăng trong Kỷ Yếu Hội Thảo.
Tham gia điểm cầu Thái Bình tại Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình có 15 cán bộ khoa học tham dự; với 2 báo cáo tham luận.
Trong đó TS. Bùi Trọng Trâm - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Giảng viên cấp cao Trường CĐSP Thái Bình tham luận về “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách tài chính về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay”.
Nội dung tham luận nhấn mạnh “Người lao động làm nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Thái Bình hiện có hơn 990 nghìn lao động nông thôn. Vì thế cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn muốn đạt hiệu quả cao phụ thuộc nhiều vào chính sách tài chính. Nguồn tài chính đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình không chỉ từ ngân sách Nhà nước mà phải biết huy động tổng lực được các nguồn vốn từ các địa phương, từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và cá nhân người lao động”.
Trong phần thảo luận Nhà giáo ưu tú ThS. Bùi Ngọc Sơn - Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình tham luận “Một số vấn đề về tự chủ trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam”.
Nội dung báo cáo nhấn mạnh :
- Nhà nước cần tăng cường giao quyền tự chủ thực sự về tài chính, về mua sắm cơ sở vật chất, về tổ chức, bộ máy, nhân sự, cho các trường học trong việc thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và thời lượng dạy học.
- Muốn đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính thì phải chú trọng xây dựng các trường phổ thông chất lượng cao, các tiêu chí chất lượng vượt trội so với giáo dục đại trà, vượt chuẩn quốc gia nhất là về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng đầu ra đảm bảo năng lực, phẩm chất của công dân toàn cầu, cả về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống; cả về uy tín, thương hiệu và chất lượng.
- Cần được thể chế hoá các nguồn lực và hoạt động giáo dục trong Luật Giáo dục, đồng thời với quy định về thực hiện dân chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục phổ thông.
- Cơ chế quản lý giáo dục phổ thông phải giao quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm. Quyền tự chủ được trao cho các nhà trường phổ thông đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó.
Hội thảo đã làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn cũng như nội dung đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục Việt Nam ở những năm tiếp theo. Kết luận Hội thảo Chủ tọa, Trưởng Ban tổ chức GS. TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá cao và tiếp thu ý kiến từ các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lí nhà nước, trong đó có bài tham luận của Tỉnh Thái Bình. Những ý kiến tham luận có chất lượng cao sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tham khảo bổ xung chỉnh sửa để hoàn chỉnh Đề án “đổi mới cơ chế chính sách tài chính trong giáo dục Việt Nam” trình các cấp có thẩm quyền.
Biên tập : NGƯT. Bùi Ngọc Sơn