Sáng 21/11/2021, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến với 50 đại biểu tham dự ở điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối qua zoom với khoảng 300 đại biểu. Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 bản tham luận từ các đại biểu trong và ngoài nước. Trong đó có hai bản tham luận của Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình. Tại điểm cầu Hội khuyến học tỉnh Thái Bình. Tất cả Thường trực Tỉnh hội và chuyên viên Văn phòng Tỉnh hội đã tham gia Hội thảo.
Dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Tinh thần của hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo lập được giá trị bản thân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước".
Toàn cảnh hội thảo
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo các nội dung về Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo được lồng ghép với các hoạt động dạy học và giáo dục, các phong trào, hội thi, cuộc thi… được triển khai một cách hợp lí, khoa học, chặt chẽ, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra với từng cấp học, ngành hoc, bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, sau đại học tạo điều kiện để các em phát triển kỹ năng sống, đặc biệt xây dựng cho các em môi trường học tập an toàn, thân thiện, tích cực.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trường học, văn hóa công sở, văn hóa cơ quan, đơn vị phải được quan tâm ở tất các nhà trường, các cấp, các ngành; nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng môi trường là giáo dục & đào tạo học sinh, sinh viên, bồi dưỡng công dân không chỉ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực hành mà còn cần có lý tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành người nông dân, công nhân, trí thức, công chức, viên chức có trách nhiệm trong công việc, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo.
Hội khuyến học tỉnh Thái Bình tham gia Hội thảo với 2 nội dung: “Một số biện pháp xây dựng môi trường văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay” của ThS. Vũ Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình; “Một số biện pháp giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh trung học cơ sở thông qua dạy học Ngữ văn địa phương về truyền thuyết tổ nghề ở Thái Bình” của NGƯT. ThS. Bùi Ngọc Sơn - Hội Khuyến học Thái Bình và TS. Bùi Trọng Trâm - Trường CĐSP Thái Bình.
Các bài tham luận khẳng định nền tảng văn hóa học đường được tạo nên từ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin được bồi đắp bền bỉ theo thời gian; xuyên suốt trong mọi tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nhờ thế, văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường, mà điều cốt lõi là nó sẽ tạo nên nền tảng tinh thần của nhà trường, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu bế mạc.
Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, song Hội thảo vẫn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, ...
Hội thảo đã thống nhất ba nội dung chính. Thứ nhất là đánh giá, phân tích đúng thực trạng văn hóa học đường, những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết. Hai là khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng văn hóa học đường trong, ngoài nhà trường, môi trường xã hội và trên môi trường mạng. Thứ ba là đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa học đường lành mạnh phù hợp, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến trong thực tế, nâng cao chất lượng dạy và học.
Những đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được Ban nội dung của Hội thảo tổng hợp, chuyển tới cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu để làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch về giáo dục - đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần chấn hưng, phát triển đất nước./.
Ngọc Sơn và Trọng Bùi