Ngày 4/10/2024, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam và Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tọa đàm “Giải pháp xây dựng các mô hình học tập gắn với phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở các địa phương”
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc chủ trì Tọa đàm
Dự Tọa đàm có lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc.
Các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất khẳng định:
Những năm qua, hội khuyến học tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc luôn coi trọng xây dựng các mô hình học tập, chú trọng mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào xây dựng xã hội học tập ở các địa phương. Gia đình, dòng họ nào cũng coi trọng sự học, đều mong muốn con cháu được học hành tử tế, có nhiều người thành đạt, do đó tạo được sự đồng thuận trong các thành viên của gia đình, dòng họ. Hầu hết các dòng họ trong tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc đều thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của Ban khuyến học dòng họ; xây dựng quỹ khuyến học để giúp người trong họ hiếu học mà gia cảnh khó khăn có thêm điều kiện học tập, hay để khen thưởng người trong họ học giỏi, đỗ đạt cao làm vẻ vang cho dòng họ. Nhiều dòng họ đã tổ chức cho con cháu là thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư và những người thành đạt trong công tác về vinh quy bái tổ và ghi danh vào bảng vàng, coi đây là niềm tự hào, vẻ vang của dòng họ. Ngoài lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, con cháu các dòng họ còn được nghe giảng về truyền thống của dòng họ tạo động lực xây dựng các thế hệ mai sau chăm ngoan, học giỏi.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học của 3 tỉnh đã gắn kết xây dựng các mô hình học tập với phong trào thi đua xây dựng “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Nông thôn mới nâng cao”, “Nông thôn mới kiểu mẫu”, “Đô thị văn minh”…, qua đó từng bước nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng các mô hình học tập gắn với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc còn một số bất cập, hạn chế. Công tác tuyên truyền về học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập thúc đẩy xây dựng xã hội học tập chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ chuyển đổi số. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về xây dựng các mô hình học tập chưa đồng đều, chưa thực sự chuyển biến trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập chưa gắn kết với tiêu chuẩn xét tặng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng các mô hình học tập gắn với phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu lồng ghép tiêu chí đánh giá mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập cấp thôn, tổ dân phố”, “Cộng đồng học tập cấp xã” với tiêu chí xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh phát triển tổ chức hội và hội viên; tăng cường liên kết, phối hợp với các tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến học; thực hiện thật tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các mô hình học tập; huy động mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển quỹ khuyến học để hỗ trợ các hoạt động trong và ngoài nhà trường; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tổ chức, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để khơi dậy phẩm chất ham học, khát vọng, say mê học tập trong nhân dân; thay đổi phương thức điều hành, quản lý hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả tự học của người dân trong các mô hình học tập.
Việc xây dựng các mô hình học tập gắn với phong trào thi đua ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy xây dựng thành công xã hội học tập sớm đưa tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc trở thành “Tỉnh học tập”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 3 tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Một số hình ảnh Đoàn đi nghiên cứu thực tế một số mô hình học tập tiêu biểu
Trước và sau Tọa đàm Hội Khuyến học 3 tỉnh đã đi thăm một số mô hình học tập tiêu biểu tại Thành phố và các huyện Tiền Hải, Vũ Thư tỉnh Thái Bình.
Hoàng Phương