Với nòng cốt là các gia đình học tập, dòng họ học tập, thời gian qua, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Dòng họ Đỗ Quý (huyện Đông Hưng) luôn quan tâm đến việc học của cả người lớn và trẻ em.
Gia đình, dòng họ là hạt nhân của phong trào học tập suốt đời
Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được Hội Khuyến học tỉnh triển khai từ năm 2014, theo 2 giai đoạn: giai đoạn thí điểm (2014 - 2015) và giai đoạn triển khai đại trà (2016 - 2020).
Ông Đỗ Đình Trọng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Để phong trào thực hiện có hiệu quả, các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng bằng nhiều hình thức như: trực tiếp, qua hệ thống truyền thanh và tuyên truyền tại các hội nghị. Hội khuyến học các huyện, thành phố triển khai đến các hội cơ sở, các ban khuyến học trực thuộc đăng ký xây dựng mô hình học tập xuất sắc, tiêu biểu và từng bước nhân rộng. Khởi đầu, có 76 gia đình thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập; 34 dòng họ thực hiện thí điểm mô hình dòng họ học tập; 28 thôn, tổ dân phố thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng học tập; 35 đơn vị thực hiện thí điểm mô hình đơn vị học tập. Qua đánh giá cho thấy, phần lớn các gia đình, dòng họ, thôn, tổ dân phố trong diện thí điểm đều đạt gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Từ đó đến nay, các mô hình trên đã được triển khai, nhân rộng ra toàn tỉnh, thu hút nhiều gia đình, dòng họ tham gia.
Có thể nói, các gia đình trong dòng họ thi đua học tập thì dòng họ sẽ trở thành dòng họ học tập, tiếp đến là địa phương nơi con cháu trong dòng họ sinh sống và làm việc sẽ trở thành cộng đồng học tập.
Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đông Hưng chia sẻ: Trong hàng chục dòng họ trên địa bàn huyện, rất nhiều dòng họ là những ban khuyến học tiêu biểu, đã có nhiều cách làm hay để giáo dục, dạy bảo, động viên các thành viên trong dòng họ học tập và thành đạt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình như dòng họ Nguyễn Văn ở xã Bạch Đằng có 85% người lớn tham gia học tập bằng nhiều hình thức, có quỹ khuyến học dòng họ gần 200 triệu đồng, 89% gia đình trong dòng họ đạt gia đình học tập. Đặc biệt, con cháu trong dòng họ đã ủng hộ xây dựng nông thôn mới gần 500 triệu đồng, hiến 12m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Hay như gia đình ông Đỗ Quý Bang, dòng họ Đỗ, xã Đông Cường ủng hộ xã 2 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa xã.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều dòng họ của huyện Đông Hưng trở thành dòng họ học tập tiêu biểu. Theo thống kê, toàn huyện có 70% dòng họ đạt dòng họ học tập, vượt mục tiêu đề ra 20% và trước thời hạn 1 năm.
Học không bao giờ cùng
Nếu như trước đây, nhân dân ta quan niệm việc học là dành cho con trẻ thì hiện nay việc học của người lớn cũng rất quan trọng. Trong những năm qua, cùng với các địa phương trong huyện, xã Minh Quang (Vũ Thư) đã tích cực mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã cho biết: Minh Quang hiện có 603,5ha đất tự nhiên, trong đó có 338ha đất chuyên nông nghiệp nên khi Trung tâm mở lớp sẽ tập trung vào các nghề như vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, cây lương thực, lớp rau màu... Chỉ sau 3 tháng học, các học viên đã có thể sửa chữa thành thạo các loại máy nông nghiệp. Tại các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, một mặt Trung tâm thực hiện lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, khuyến công, mặt khác nâng cao nhận thức của người dân trong việc học nghề, từ việc sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi gia đình thay bằng chăn nuôi trang trại với quy mô lớn.
Là 1 trong 144 cá nhân điển hình về tinh thần học tập suốt đời theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ nhất của Hội Khuyến học Việt Nam, chị Uông Thị Hồng, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) là tấm gương tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện, của tỉnh.
Chị Hồng tâm sự: Chồng mất khi hai con còn thơ, vì vậy tôi vừa trở thành trụ cột gia đình vừa là chỗ dựa tinh thần cho các con. Tôi tự nhủ nếu mình không học tập, không phấn đấu thì các con sẽ không có động lực để học tập.
Nghĩ là làm, có mấy sào vườn, chị Hồng mày mò, tìm tòi, học hỏi, trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, mít thái, hồng xiêm. Dưới ao chị thả cá, ốc nhồi. Chị còn xây chuồng nuôi lợn, gà, ngan. Để có kiến thức, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản do Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức. Đồng thời, chị cũng học hỏi kinh nghiệm của những người tại địa phương và trên mạng internet.
Chị Hồng chia sẻ: Càng nhiều tuổi, mình càng phải học, học suốt đời và không ngừng nghỉ. Phải là tấm gương sáng để các con noi theo. Đó mới là thành công của người phụ nữ.
Việc triển khai, xây dựng các mô hình học tập đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Từ những gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập.