Có một ngày nào đó, khi chúng ta vô tình đi ngang qua phòng cha mẹ, chợt thấy bóng dáng quen thuộc ấy nay lưng đã còng, bước chân chậm chạp hơn, giọng nói cũng nhỏ lại... Và có một ngày nào đó, khi người từng bế bồng ta ngày bé, lại cần chính ta dìu từng bước chân. Khi ấy... ta có đủ dịu dàng không? Có đủ bao dung không? Có đủ nhẫn nại để không thở dài, không lảng tránh, không vô tình buông những ánh nhìn làm cha mẹ đau lòng?

Ảnh nguồn Internet
Ngày hôm qua, tôi vô tình nghe được một câu chuyện nhỏ, mà lòng cứ chênh chao mãi:
“Tại sao trẻ con tè dầm thì ai cũng thấy bình thường, mà người già tè dầm lại bị coi là phiền phức?”.
Một người khẽ trả lời: “Vì người già… không còn mẹ nữa.”
Chỉ một câu thôi, mà như có ai siết nhẹ tim mình! Phải rồi…Khi con trẻ lấm lem, vụng về, có mẹ cha lau khô, vỗ về, an ủi: “Không sao đâu, có mẹ ở đây.”
Còn người già, khi cơ thể không còn vẹn nguyên, khi tay chân run rẩy, khi trí nhớ mờ phai… họ chẳng còn ai để nói với họ câu dịu dàng ấy nữa. Thậm chí, đôi khi chính trong ngôi nhà của mình, họ cũng trở nên lạc lõng.
Già như trẻ, nhưng nỗi cô đơn thì không giống
Người ta hay nói: “Già như trẻ con.”
Nhưng có một khác biệt rất lớn:
Trẻ con được sinh ra giữa vòng tay yêu thương.
Người già dần dần rời đi giữa những khoảng lặng.
Trẻ con vụng về, ai cũng tha thứ.
Người già lẩm cẩm, nói mãi một chuyện cũ… lại dễ bị coi là phiền.
Chỉ một cái thở dài của con cháu cũng khiến họ thu mình lại.
Một ánh mắt thiếu kiên nhẫn cũng làm họ tổn thương.
Những người từng che chở cho ta…
Con có từng nghĩ:
Cha mẹ, ông bà - những người từng gánh cả một đời mưa nắng - sẽ xấu hổ đến nhường nào khi không còn đủ sức tự mặc quần áo, tự cầm muỗng ăn, hay tự bước đi như trước?
Có chứ.
Bởi họ từng mạnh mẽ.
Từng dành phần ngon nhất cho con cháu.
Từng đứng chắn gió sương cho ta.
Nhưng rồi thời gian khiến những bàn tay ấy run rẩy, những bước chân chậm dần, ánh mắt cũng không còn tinh anh như xưa.
Tình thương không chỉ dành cho trẻ nhỏ…
Chúng ta yêu con trẻ bằng tất cả bao dung.
Vậy tại sao lại khó lòng mềm mỏng với cha mẹ khi họ già yếu dần đi?
Phải chăng vì ta đã quen nhìn thấy họ kiên cường, nên khi họ yếu đi, ta bối rối, thiếu nhẫn nại, quên rằng chính họ cũng cần được chở che - như ngày xưa họ từng che chở ta?
Không ai muốn trở thành gánh nặng.
Và càng không ai muốn thấy mình là nỗi phiền trong chính ngôi nhà của mình.
Hãy nhớ… ngày xưa ai đã thay tã cho con?
Nếu một ngày cha mẹ ta trở nên lẩm cẩm, nói mãi một chuyện cũ, hay thậm chí tè dầm…
xin đừng thở dài, đừng khó chịu.
Hãy nhớ lại:
Ngày ta còn nhỏ, ai đã kiên nhẫn thay tã cho ta?
Ai đã lau từng giọt nước mắt của ta mà không một lời than phiền?
Người già… cũng từng là đứa trẻ có mẹ.
Nhưng giờ đây, họ chỉ còn có ta.
Con trông cha không bằng bà trông ông
Ông bà ta có câu:
“Con trông cha không bằng bà trông ông.”
Bởi lẽ:
Người vợ chăm chồng bằng nghĩa tình suốt đời, bằng sự kiên nhẫn, thấu hiểu từng thói quen nhỏ nhất.
Còn con cái, dù có hiếu thảo, nhưng đôi khi thiếu sự tinh tế, thiếu nhẫn nại vì không quen nhìn thấy cha mẹ yếu đuối.
Nhưng nếu con cái biết học được cái tình, cái nghĩa ấy, thì việc chăm cha mẹ sẽ là một hành động của tình yêu, chứ không phải nghĩa vụ gượng ép.
Làm người tử tế - hãy bắt đầu từ đây
Muốn trở thành một người tử tế?
Hãy bắt đầu bằng cách thương một người già, như thể ta đang ôm lấy một đứa trẻ không còn ai dỗ dành.
Ngày mai, rồi ngày sau nữa, cha mẹ ta sẽ già yếu dần đi.
Mong rằng khi ấy, trong ánh mắt ta vẫn còn đủ dịu dàng, trong lời nói ta vẫn còn đủ nhẹ nhàng, trong lòng ta vẫn còn đủ bao dung - để cha mẹ có thể bình yên dựa vào, như ngày xưa ta từng dựa vào họ.
Con à, con có nhớ lời ba không?
Thương yêu cha mẹ khi tuổi già - mới là lòng hiếu thảo trọn vẹn.
Mạnh Vũ