Trong cuộc sống, tri thức luôn là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, giúp con người tự tin bước vào tương lai. Học tập không chỉ dừng lại trong sách vở mà còn phải biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, đó là cả một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Hiểu được điều đó, cha mẹ luôn mong con cái biết tự học, rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Nhân tài Đất Việt “Tự học – Thành tài”, AHLĐ Lương y Đào Viết Thoàn
Bài thơ Dặn con chính là lời nhắn nhủ đầy tâm huyết về tinh thần tự học “Học suốt đời” và trách nhiệm của mỗi cá nhân tự soi mình để cố gắng học tập đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Bằng ngôn từ mộc mạc, chân thành, bài thơ khuyến khích con người không ngừng vươn lên, luôn giữ vững niềm tin và ý chí dù phải đối mặt với khó khăn, thử thách.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện, xã và Tổ hợp tác kèn đồng Hương lúa xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ Dặn con của tác giả Phong Như để cảm nhận những bài học quý giá về sự học và ý chí vươn lên trong cuộc sống:
Dặn con
Đừng bao giờ ngừng tự học nghe con!
Giàu tri thức, vững tin ra biển lớn
Học suốt đời trở thành “quy luật sống”
Bắt nhịp cùng thế giới đổi thay nhanh
Dẫu tóc bạc màu, vẫn “Tư duy xanh”
Vẫn kiên trì “Bình dân học vụ số”
Muốn chiếm lĩnh cả khung trời rộng mở
Bác nông dân kia “Tự học - Thành tài”
Kỷ nguyên vươn mình hướng tới tương lai
Đừng vội lùi khi mọi người đang tiến
Dẫu gian khó, đừng ngại chi cống hiến
Sẽ trưởng thành sau mỗi bước con đi…
Phong Như
Bài thơ Dặn con mang đậm ý nghĩa giáo dục và triết lý sống, thể hiện tình cảm yêu thương, kỳ vọng của người đi trước dành cho thế hệ sau. Xuyên suốt bài thơ là lời dặn dò chân thành, khuyến khích con cháu không ngừng học tập, rèn luyện để trưởng thành và đóng góp cho xã hội.
Bài thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự học, dù ở bất cứ độ tuổi nào, việc học vẫn phải là quy luật tất yếu của cuộc sống để phát triển bản thân và vươn ra thế giới rộng lớn. Người cha/mẹ trong bài thơ khuyên con: Không ngừng học hỏi:“Đừng bao giờ ngừng tự học nghe con!”; Học tập suốt đời: “Dẫu tóc bạc màu, vẫn “Tư duy xanh”; Học từ thực tiễn: Bác nông dân kia “Tự học - Thành tài”, lấy tấm gương bác nông dân để minh chứng, dù xuất phát điểm thế nào, ai cũng có thể trở nên tài giỏi và thành công nếu biết kiên trì học hỏi.
Bài thơ Dặn con cũng nhấn mạnh tinh thần cống hiến và trách nhiệm, không sợ gian khó “Dẫu gian khó, đừng ngại chi cống hiến”, luôn tiến về phía trước “Đừng vội lùi khi mọi người đang tiến”. Bài thơ không chỉ dừng lại ở việc đề cao học vấn, mà còn mở rộng ra bài học về ý chí, nghị lực và tinh thần đóng góp cho cộng đồng.
Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, không gò bó về nhịp điệu nhưng vẫn giàu nhạc tính và sức gợi. Những câu thơ ngắn gọn, giúp truyền tải thông điệp một cách tự nhiên và sâu sắc. Các hình ảnh như “ra biển lớn”, “khung trời rộng mở”, “kỷ nguyên vươn mình hướng tới tương lai” mang ý nghĩa biểu tượng, tạo nên sự khích lệ mạnh mẽ cho người đọc. Bài thơ mang giá trị giáo dục cao, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi tri thức luôn thay đổi và việc học tập suốt đời trở thành yêu cầu tất yếu.
Lời dặn dò trong bài thơ không chỉ dành riêng cho con cái, mà còn là bài học chung cho mọi thế hệ: Tự học suốt đời là con đường bền vững nhất để dẫn đến thành công. Mỗi người không ngừng học tập, đổi mới tư duy để theo kịp thời đại và có trách nhiệm với xã hội.
Dặn Con là một bài thơ mang thông điệp ý nghĩa, không chỉ dặn dò một người con cụ thể mà còn là lời nhắn gửi đến mọi thế hệ: Đừng bao giờ ngừng học hỏi, dù khó khăn đến đâu cũng không được lùi bước. Đây là tinh thần cần thiết trong một thế giới không ngừng vận động, nơi chỉ những ai ham học hỏi mới có thể theo kịp và phát triển. Bài thơ cũng là kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn vươn lên bằng tri thức, ý chí kiên trì và trách nhiệm đối với tương lai của bản thân cũng như của đất nước./.
Anh Thư