Mùa hè thời tiết nắng nóng kéo dài, có ngày lên tới 390c - 40 0c. Đây là yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi nhất là khu chăn nuôi tập trung có mật độ cao. Gia súc, gia cầm thường ăn, ngủ kém mất cân bằng điện giải, dẫn đến rối loạn quá trình trao đổi chất nên dễ phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất đối với các cơ sở chăn nuôi. Vì vậy người chăn nuôi cần thực hiện tốt “Một số lưu ý trong phòng chống nóng cho gia súc, gia cầm”.như sau:
1. Chuồng trại và mật độ nuôi
Tuỳ theo khuân viên đất ở của gia đình có thể thiết kế chuồng trại sao cho hợp lý. Chuồng nuôi nên thiết kế xây theo hướng Đông – Nam, cao, ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng rọi vào trong chuồng nuôi. Chuồng nuôi phải phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi của vật nuôi.
Bên cạnh việc thiết kế chuồng trại phù hợp, cần phải giảm mật độ trong chuồng nuôi nhất là đối với các loại gia súc, gia cầm nuôi nhốt hoàn toàn. Đối với lợn thịt nuôi với mật độ từ 1,5 – 2 m2/con, lợn nái nuôi con 5- 6m2/con, gà đẻ nuôi 3 - 5con/m2, gà thịt 10 - 15 con/m2, trâu bò 5 – 6m2/con.
2. Chống nóng chuồng nuôi
Nguyên tắc của việc chống nóng là dùng các biện pháp nhân tạo để làm giảm nhiệt ở trong chuồng nuôi. Do vậy việc chống nóng chuồng nuôi có vai trò vô cùng quan trọng đối với các cơ sở chăn nuôi và là một trong những yếu tố quyết định đến tỷ lệ nuôi sống và năng suất của đàn vật nuôi. Có thể làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi bằng các cách như sau:
- Lắp đặt và vận hành hệ thống làm mát trong chuồng nuôi như: Quạt thông gió, dàn phun mưa trên mái chuồng nhằm làm giảm nhiệt độ trong chuồng lúc trời nắng to...;
- Trồng các loại dây leo phủ mái để giảm nhiệt độ chuồng nuôi;
- Trồng cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát;
Ngoài ra còn phải có rèm che chắn để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong chuồng nuôi;
Riêng đối với gà thả vườn nên thả gà ra vườn khi trời nắng dưới tán bóng cây.
3. Tăng cường chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng
Bên cạnh các biện pháp đã nêu ở trên những ngày nhiệt độ tăng cao cần giảm khoảng 10% khẩu phần ăn nhưng tăng lượng thức ăn thô xanh như: rau xanh, củ, quả và bổ sung các chất điện giải, Vitamin C, Bcomplex... pha vào nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng sức đề kháng và tránh hiện tượng stress cho đàn vật nuôi.
Trong giai đoạn thời tiết nắng nóng bà con cần phải cân đối khẩu phần ăn của đàn vật nuôi, có thể tăng hàm lượng đạm và giảm tinh bột, đường, mỡ để tránh hiện tượng gia súc quá béo sẽ làm thân nhiệt tăng cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ và năng suất của đàn vật nuôi. Ngoài ra, bà con có thể chuyển thời gian cho vật nuôi ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Điều đặc biệt lưu ý:
Mùa hè thời tiết nóng bức quá trình thải nhiệt của gia súc, gia cầm là rất lớn do vậy cần cung cấp nước uống đủ và sạch cho đàn vật nuôi.
Riêng đối với nái chửa cuối kỳ, tiêu chuẩn ăn được chia thành nhiều bữa trong ngày, cho ăn 3 – 4 bữa/ ngày tránh hiện tượng gia súc ăn no quá thức ăn sẽ chèn ép thai dẫn đến thai bị chết lưu.
Đối với lợn con sau cai sữa, khi chuyển thức ăn phải dần dần tránh đột ngột do lợn con rất dễ bị bệnh phân trắng.
IV. Vệ sinh phòng bệnh.
Trước cổng ra vào, cửa chuồng nuôi phải có hố sát trùng để tránh hiện tượng lây lan dịch bệnh.
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cọ rửa máng ăn, máng uống ngày 2- 3 lần, hàng ngày tắm chải cho đàn gia súc.
Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng một trong các loại hoá chất như: Bencocid, BKA, Cloramin B,... để hạn chế mầm bệnh.
Hạn chế tối đa người ra vào trong khu vực chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin để phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Ks. Phạm Thị Xuyên