Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đang có xu hướng tăng dần. Tại huyện Kiến Xương đã có 6 hộ nông dân mạnh dạn đầu tư xây dựng 7 nhà màng tại 05 xã. Một trong những hộ tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao để xây dựng hệ thống nhà màng là hộ ông Vũ Văn Hoạch, thôn 1, xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương.
Ban đầu, tại vùng đất chuyển đổi của gia đình với diện tích 1,7 ha ông Hoạch đã xây dựng trang trại để vừa cấy lúa, trồng rau màu và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Qua nhiều lần đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở trong và ngoài tỉnh thấy cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và rau màu. Ông Hoạch đã kết nối với các chuyên gia, các đơn vị thi công trong lĩnh vực công nghệ cao để được tư vấn. Đầu năm 2022, ông quyết định đầu tư xây dựng một nhà màng theo công nghệ Israel với diện tích 1.000m2 trên vùng trang trại để trồng các loại dưa lưới giá trị cao.
Tổng vốn đầu tư ban đầu xây dựng nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt cùng các công trình phụ trợ (bể chứa nước, dinh dưỡng, hệ thống tường bao xung quanh nhà màng, hệ thống thoát nước…) là 530 triệu đồng. Theo cam kết của công ty cung cấp công nghệ thì màng che có thời gian sử dụng từ 8-10 năm, khung nhà có tuổi thọ khoảng 8 năm. Sau khi hoàn thiện, gia đình ông bước ngay vào sản xuất. Ông Hoạch tin tưởng giao cho người em trai là ông Vũ Văn Tĩnh trực tiếp quản lý trang trại vùng chuyển đổi và thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng theo sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Vụ thứ nhất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, vụ thứ 2 từ tháng 8 đến tháng 11. Giống dưa lưới gia đình ông lựa chọn là giống Ichiba của Nhật Bản, đây là giống dưa lưới xanh chất lượng ngon được thị trường ưa chuộng hiện nay, thời gian sinh trưởng của giống dao động từ 75-80 ngày, mật độ trồng là 2.500 cây/1.000 m2.
Hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây, chủ động cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây dưa, bình quân ngày tưới 12 lần, trong đó 11 lần tưới dinh dưỡng và lần cuối cùng tưới nước. Giai đoạn cây ra hoa, thay vì thụ phấn bằng tay mất nhiều thời gian, ông mua 2 tổ ong mật thả vào nhà lưới để thụ phấn bổ sung cho dưa, tỷ lệ đậu quả đạt trên 85%. Sau khi cây đậu trái, sẽ lựa chọn 1 quả tốt nhất ở vị trí từ nách lá thứ 9 đến thứ 15, các quả còn lại cắt bỏ hết để quả phát triển và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Trọng lượng khi thu hoạch dưa lưới bình quân từ 1,8-2,0 kg/quả. Qua năm đầu tiên trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, gia đình ông Hoạch đã thu được 2 vụ dưa, năng suất đạt từ 4 - 4,2 tấn/vụ, giá bán bình quân là 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng/1.000 m2/vụ.
Ông Vũ Văn Tĩnh, người trực tiếp quản lý trang trại chia sẻ: Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với cách canh tác truyền thống hiện nay, nhưng phải thực hiện rất cẩn thận ở tất cả các khâu như ươm hạt, làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, điều khiển hệ thống tưới, thụ phấn, tuyển trái...
Hàng ngày ông Tĩnh đều phải kiểm tra và chụp ảnh cây dưa, vườn dưa gửi các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được tư vấn điều chỉnh chế độ chăm sóc kịp thời giúp cho dưa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là trong vụ đầu tiên khi thực hiện còn nhiều bỡ ngỡ. Sau mỗi vụ trồng đều phải vệ sinh, khử trùng nhà màng cẩn thận mới tiếp tục sang trồng vụ tiếp theo. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng sản phẩm thu được đảm bảo an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Vì vậy, sản phẩm khi thu hoạch rất dễ tiêu thụ, vẫn chưa đủ cung ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Việc trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và trồng màu thông thường. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà màng ban đầu chi phí rất cao, không phải người dân nào cũng có thể làm được. Trong khi đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, đây cũng là chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: thời gian qua tích cực rà soát, kiểm tra, nghiệm thu các mô hình nhà màng trên địa bàn huyện, đã hoàn tất hồ sơ để tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Kiến Xương ban hành cơ chế hỗ trợ các cá nhân, tập thể xây dựng nhà màng ứng dụng công nghệ cao trong huyện. Từ đó khuyến khích nhiều cá nhân, tập thể trong toàn huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp.
Tin rằng thời gian tới, sẽ có nhiều cá nhân, tập thể trong tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn hơn và gắn với liên kết thụ sản phẩm để nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có những đột phá mới.
Th.S Lại Thị Bích Hợi