Trong nền kinh tế 4.0, thông tin về sản phẩm hàng hoá từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ. Nguồn thông tin này được dùng vào việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu... Nói một cách khác, đó chính là truy xuất nguồn gốc và hoạt động này góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0.
Ảnh: Nguồn Internet
Việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang là yêu cầu ngày càng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Năm 2022, xuất khẩu nông sản của nước ta tiếp tục đạt kỷ lục mới với 53,22 tỷ USD, trong đó, có nhiều mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra,… Việc hội nhập sâu với thế giới càng đòi hỏi công tác truy xuất nguồn gốc nông sản cần được nâng cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy số hóa để nâng cao chất lượng của truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo chính xác, minh bạch, trung thực và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp đang là đòi hỏi tất yếu. Hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được cài đặt và vận hành chính thức tại bộ với địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/.
Hệ thống được xây dựng gồm 3 phần: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Thực tế việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, để vấn đề này thực sự được triển khai có hiệu quả, đi vào thực tiễn ở cả chiều rộng và chiều sâu ở tất cả các ngành hàng, các quy trình sản xuất của các hộ nông dân, các doanh nghiệp đòi hỏi cần có thời gian và nhiều biện pháp cụ thể.
Trong đó, cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người nông dân, doanh nghiệp nắm rõ những thông tin liên quan đến vấn đề này, lợi ích của việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc; các quá trình để từng bước triển khai số hóa; những ứng dụng, phần mềm mang tính tham khảo để người dân, doanh nghiệp có thể tham khảo sử dụng,…Quá trình này cũng đòi hỏi các cơ quan Nhà nước cùng trao đổi hai chiều với người dân, doanh nghiệp, tham khảo những cách làm hay của các doanh nghiệp đã triển khai số hóa thành công,…
Lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc mang lại
1. Bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp
Theo đó, các thông tin sẽ được hiển thị rõ ràng minh bạch. Các thông tin sau khi lưu sẽ không sửa đổi được.
Thương hiệu của sản phẩm sẽ được nâng lên một tầm cao mới, nhận được nhiều sự tin tưởng từ phía khách hàng. Khách hàng hoàn toàn có thể phân biệt được sản phẩm của mình giữa hàng ngàn sản phẩm trên thị trường.
2. Truy xuất nguồn gốc nông sản là công cụ đo lường chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài nước
Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, tuy nhiên thị phần xuất khẩu ra thị trường quốc tế lại khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thêm vào đó, hình thức sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, quy mô và cách thức còn nhiều hạn chế. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm diễn ra suôn sẻ.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực như Nông - Lâm - Thủy sản, truy xuất xuất nguồn gốc chính là yếu tố bắt buộc đối với toàn bộ doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
3. Khách hàng có thể yên tâm khi tiêu thụ sản phẩm
Khách hàng có thể quét mã QR để kiểm tra nguồn gốc hàng hóa. Như vậy họ có thể yên tâm về chất lượng cũng như nơi xuất xứ của sản phẩm. Khi có được sự tin dùng từ khách hàng thì đẩy mạnh tiêu thụ nông sản không còn là vấn đề nữa.
4. Truy xuất nguồn gốc nông sản giúp cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý những sản phẩm tiêu thụ trên thị trường
Với mỗi doanh nghiệp, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế, chính trị. Mà nó còn là cách để các doanh nghiệp chung tay góp sức bảo vệ lợi ích cộng đồng. Đồng thời góp phần đẩy lùi, giảm bớt tình trạng hàng giả hàng nhái trên thị trường Việt Nam.
Đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch COVID-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc sẽ là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.
Ths. Nguyễn Duy Nghĩa