Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, vài ngày tới tiếp tục có có mưa vừa đến mưa to, mưa lớn cục bộ có khả năng ảnh hưởng đến một số diện tích lúa mới gieo cấy. Để lúa mùa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là phòng chống ngập úng xin lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Ảnh: Trung tâm Khuyến nông
1. Điều tiết nước
Đối với lúa cấy: Giai đoạn đầu vụ nên giữ mực nước nông 3 - 5 cm để giúp lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, hạn chế cỏ dại.
Đối với lúa gieo thẳng: Sau gieo, cần giữ đủ ẩm cho mặt ruộng đến khi cây lúa được 2 - 2,5 lá thật mới đưa nước láng mặt ruộng.
- Khi thời tiết ổn định, thực hiện điều tiết nước theo công thức “Nông – Lộ - Phơi” hoặc “Khô – Ướt xen kẽ” giúp cho lúa sinh trưởng phát triển tốt và tăng khả năng chống đổ.
2. Chăm sóc bón phân
Phương châm chăm bón lúa mùa là: Bón đủ lượng, cân đối NPK, hạn chế sử dụng phân đơn; thực hiện lót sâu, thúc sớm và bón chìm phân.
Phân thúc: Sử dụng các loại phân bón NPK chuyên dùng cho lúa như loại 16:5:17, 12:5:10, 16:16:8… với lượng từ 8-12kg/sào tùy loại phân, giống lúa, chân đất và yêu cầu thâm canh. Bà con bón thúc ngay khi cây bén rễ hồi xanh, bón càng sớm càng tốt.
Đối với lúa gieo thẳng: Khi lúa được 2 - 2,5 lá thật, đưa nước láng mặt ruộng và thực hiện bón nhử bằng 2 kg đạm/sào hoặc 2 - 3 kg NPK chuyên thúc/sào. Khi lúa được 3 - 4 lá thật thì tiến hành dặm tỉa dể đảm bảo mật độ và bón thúc như lúa cấy.
3. Phòng trừ dịch hại
Chủ động diệt ốc bươu vàng trên đồng ruộng để hạn chế ốc cắn lúa non làm khuyết mật độ. Khuyến khích áp dụng các biện pháp thủ công: Dùng bẫy như dây khoai lang, xơ mít... dẫn dụ ốc tập trung để bắt, tiêu hủy trứng ốc bươu vàng đẻ trên bờ ruộng, mương máng...; dùng lưới mắt nhỏ chắn các mạch nước ra vào ruộng để hạn chế ốc bươu vàng di chuyển từ ngoài mương máng vào ruộng. Trường hợp mật độ ốc nhiều nên dùng thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học để diệt ốc bươu vàng.
Cần thường xuyên kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm hiện tượng nghẹt rễ ngộ độc hữu cơ và các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Biện pháp xử lý khi có mưa lớn xảy ra
Cần chủ động khơi thông mương máng, dòng chảy để có thể thoát nước tốt khi có mưa lớn xảy ra.
Để ngăn sự di chuyển của ốc bươu vàng theo nước từ mương máng vào ruộng cắn cây, dùng lưới mắt nhỏ chắn các mạch nước ra vào ruộng.
Cần chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích mạ dự phòng và có thể chủ động gieo mạ bổ sung bằng các giống lúa ngắn ngày.
Sau mưa, cần tìm mọi biện pháp để tiêu thoát nước trong ruộng, khi rút nước có thể dùng cành cây kéo lướt nhẹ trên mặt ruộng hoặc té nước để hạn chế bám bẩn lá lúa, rong rêu trên lá, tăng khả năng quang hợp cho cây.
Khi đã rút bớt nước, lộ phiến lá, bà con nên phun ngay 1 số chế phẩm như: K-H, ET, Pennac P, Siêu lân,…để kích thích ra rễ. Khi cây ra rễ trắng, hồi phục trở lại, mới được tiến hành chăm sóc. Kiểm tra tỉa dặm kịp thời những cây chết, cây yếu để đảm bảo mật độ.
Lưu ý: Trên các chân ruộng trũng ngập hoặc cấy “lẻ đồng” sau mưa lớn dễ bị bọ trĩ gây hại, làm cây lúa không phát triển được, bà con kiểm tra và dùng thuốc trừ rầy để phun.
Ths. Quách Thị Phương