Hiện nay, đang vào mùa mưa bão gây ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung để hạn chế những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra, tác động xấu của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, cá nuôi và nguy cơ thất thoát tài sản, sản phẩm thủy sản trong ao hồ, lồng nuôi do ảnh hưởng bất thường của thời tiết và mưa bão, chúng tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp sau đây:
Ảnh: Nguồn Internet
1. Đối với ao nuôi cá:
Người nuôi cần kiểm tra và tu bổ lại đê bao cho chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Đặt những ống xả tràn để xả nước khi nước trong ao quá lớn, hoặc chủ động tháo nước trong ao, nhằm đề phòng nước tràn bờ cá sẽ đi theo ra hết. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống đê bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Khi mưa lũ xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết, sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 2-3kg/100 m3 nước. Cần rải vôi bột xung quanh bờ ao, sau các đợt mưa lớn nên tháo bớt nước tầng mặt hoặc bổ sung nước từ ao chưa lắng/xử lý (nếu có điều kiện). Đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.
2. Đối với ao nuôi tôm:
Vào mùa mưa bão, người nuôi tôm cần kiểm tra và gia cố lại bờ đê, sửa chữa và giằng néo lại chòi canh và các công trình phụ trợ khác được chắc chắn. Cần vệ sinh ao nuôi, kiểm tra lại cống xả tràn và chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước cho ao nuôi khi cần thiết. Rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Duy trì các dàn quạt nước hoạt động thường xuyên để tạo dòng chảy, tránh phân tầng nước đồng thời cung cấp oxy hòa tan đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt. Các hộ nuôi tôm cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất. Kiểm tra và sửa chữa lại hệ thống điện cẩn thận để đảm bảo an toàn khi có gió bão. Các chòi canh, ao nuôi cần được trang bị đèn pin, phao cứu sinh. Người nuôi tôm tuyệt đối không được ở lại trên các chòi canh, ao nuôi khi có bão đổ bộ vào. Khi mưa lớn kéo dài người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, oxy hòa tan, độ mặn trong nước và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu không thực sự cần thiết, người nuôi không nên sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào ao nuôi tôm, mà lấy nước qua ao lắng và xử lý nước trước khi bơm vào ao nuôi tôm. Người nuôi cũng cần bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn tôm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, chống chịu các điều kiện thời tiết bất thường. Chủ động dự trữ các loại vôi, chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng để xử lý môi trường nước. Khi có hiện tượng bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh thiệt hại.
3. Đối với nuôi lồng, bè trên sông:
3.1. Nếu cá đã đạt được kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay để tránh thiệt hại, có thể thu tỉa hoặc san thưa nhằm giảm mật độ cá nuôi trong lồng.
- Vệ sinh, cọ rửa lồng, lưới bảo đảm lồng nuôi được thông thoáng. Loại bỏ hết cây que, rác thải xung quanh khu vực lồng bè nuôi. Củng cố lại các dây neo, phao, lồng, lưới để tránh bị dòng chảy cuốn trôi.
- Lắp đặt thêm lưới chắn trên mặt lồng đề phòng trường hợp sóng đánh mạnh hất cá ra ngoài gây thất thoát. Thường xuyên kiểm tra, gia cố lồng bè trước mỗi mùa bão lũ.
- Thiết kế tấm chắn sóng có kết cấu hình chữ V ở phía đầu hệ thống lồng bè nhằm giảm áp lực nước, ngăn rác thải, cây que tác động lên hệ thống lồng bè.
3.2. Theo dõi khả năng bắt mồi của cá trong những tháng chuyển mùa và những ngày thời tiết thay đổi để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa, lãng phí gây ô nhiễm môi trường. Trong những ngày mưa bão không cho cá ăn hoặc giảm lượng thức ăn xuống dưới 50%.
- Nếu có điều kiện bà con nên di chuyển lồng, bè nuôi vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ trước khi có bão lũ lớn xảy ra. Đặc biệt phải chú ý đến tình trạng khung lồng bị dòng nước lũ hoặc gió bão làm vỡ, cuốn trôi làm mất cá.
3.3. Sau khi bão lũ đi qua vệ sinh, kiểm tra ngay lồng lưới, phát hiện xử lý các vết rách, di chuyển lồng bè về vị trí ban đầu, gia cố, sửa chữa lại hệ thống dây neo, lồng lưới.
- Tăng cường cho cá ăn thức ăn có chất lượng cao, sử dụng thuốc phòng bệnh trộn vào thức ăn để phòng bệnh cho cá, bổ sung các loại Vitamin C, khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho cá.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của cá nuôi trong lồng, nếu phát hiện cá bị bệnh cần cách ly những lồng cá nuôi bị bệnh bằng cách kéo xuống vị trí cuối dòng nước, kịp thời trị bệnh cho cá. Khi thấy bệnh có khả năng lây lan phải xử lý ngay để tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ ao, lồng bè nuôi thuỷ sản một cách có hiệu quả.
Trung tâm NCKHCN & PTYT
sưu tầm và biên soạn