Để thuận tiện cho nhân dân tổ chức sản xuất trồng trọt, chúng tôi xin trích Kế hoạch Số: 144/KH-UBND ngày 06/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về sản xuất trồng trọt năm 2024.
B. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT NĂM 2024
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
II. NỘI DUNG
1. Nhận định các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt năm 2024
- Về thời tiết, khí hậu: Dự báo những tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%; dự báo đến các tháng giữa năm 2024 hiện tượng El Nino có dấu hiệu suy yếu dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong các tháng nửa cuối năm 2024 với xác suất khoảng 50-60%. Dự báo có khả năng thiếu hụt mưa sẽ xảy ra trong các tháng đầu năm 2024, do vậy cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Nhiệt độ trung bình trong thời kỳ từ tháng 02 đến tháng 7/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm.
- Về dịch bệnh trên cây trồng: Dự báo năm 2024 các đối tượng sâu, bệnh hại diễn ra phức tạp như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn, rầy các loại, chuột hại; bên cạnh đó, nhiều đối tượng dịch hại khác như lúa cỏ, bệnh lùn sọc đen, ... có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Giá vật tư nông nghiệp không ổn định và có thể tăng trong năm tới; giá lúa đang ở mức cao song còn nhiều biến động không ổn định.
- Thiếu lao động trong lúc mùa vụ; nông dân và các tổ chức đang tích cực thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa gạo…
2. Tổ chức sản xuất trồng trọt
2.2. Vụ Mùa, vụ Đông năm 2024
2.2.1. Mục tiêu
Diện tích lúa vụ Mùa phấn đấu đạt trên 75.000ha, năng suất trên 60 tạ/ha, sản lượng trên 450 nghìn tấn; diện tích cây màu Hè Thu thấp nhất phải đạt 9.000ha; cây màu vụ Đông trên 36.600ha.
Lúa chất lượng cao chiếm 45-50% gồm các giống Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, TBR279, N97, lúa Nhật...; nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh (50-55%) gồm các giống: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225,...
Mở rộng diện tích lúa gieo cấy bằng máy lên trên 25.000ha; tiếp tục khuyến khích nông dân tích tụ, tập trung đất đai, bỏ bờ ngăn, gieo cấy cùng giống, cùng trà để mở rộng quy mô đồng ruộng thuận tiện áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích nông dân mua và sử dụng thiết bị sấy để hạn chế tổn thất sau thu hoạch.
Tiếp tục hoàn thiện các chuỗi sản xuất lúa gạo xây dựng nhãn hiệu lúa gạo cho một số địa phương có lợi thế, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo tỉnh Thái Bình.
2.2.2. Về kỹ thuật
* Sản xuất lúa vụ Mùa
- Thời vụ gieo cấy lúa Mùa: Trà sớm: Mạ dược gieo từ ngày 05-10/6/2024, mạ nền cứng gieo từ ngày 15-20/6/2024. Cấy trước 10/7/2024 để có quỹ đất trồng cây vụ Đông ưa ấm. Đại trà: Mạ dược gieo từ ngày 20-25/6/2024; mạ nền cứng, mạ khay gieo từ ngày 25/6-05/7/2024. Đối với giống BC15 gieo cấy đầu lịch để đảm bảo lúa trỗ trước ngày 15/9/2024. Kết thúc cấy trước ngày 20/7/2024.
- Làm đất và vệ sinh đồng ruộng: Huy động máy móc và nhân lực để thu hoạch lúa Xuân đến đâu làm đất ngay đến đó và tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh hỗ trợ phân hủy rơm rạ; không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn rơm rạ để sản xuất nấm,...
- Chăm sóc: Bón lót sâu, bón thúc sớm, bón theo nhu cầu của cây trồng; khuyến khích sử dụng các loại phân nén, phân dúi bón một lần vào thời điểm làm đất để tiết kiệm lao động, tăng hiệu quả sản xuất; khuyến cáo nông dân lựa chọn các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón tổng hợp có hàm lượng NPK cao nhằm cải tạo đất, đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, tăng cường phân kali cho lúa Mùa tăng khả năng chống đổ và hạn chế sâu bệnh.
- Bảo vệ thực vật: Hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có độ độc thấp trong phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống dịch hại sớm ngay từ đầu vụ.
- Điều hành nước: Quan điểm xuyên suốt cả vụ “Giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”; ứng dụng việc tưới tiết kiệm cả trên cây lúa và cây trồng cạn; làm tốt công tác khơi thông dòng chảy trên các trục chính và hệ thống kênh mương nội đồng thuận lợi cho công tác tiêu úng.
* Sản xuất cây rau màu vụ Hè Thu và vụ Đông
- Cây ngô: Sử dụng các giống ngô đường, ngô nếp thu bắp non, trồng rải vụ để phục vụ ăn tươi. Sử dụng giống ngô có năng suất cao và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.
Vụ Hè Thu: Thời điểm gieo trồng ngô thuận lợi trong tháng 4,5 để thu hoạch cuối tháng 7,8. Vụ này thường gặp hạn đầu vụ, nhưng giai đoạn sau rất thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.
Vụ Đông: Để ngô đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro…tùy theo từng giống bố trí thời điểm gieo trồng thích hợp sao cho giai đoạn trỗ cờ, phun râu xung quanh ngày 20/11/2024. Đối với ngô trồng trên đất 2 vụ lúa thì thời vụ trồng thích hợp nhất là cuối tháng 9/2024.
- Cây dưa, bí: Khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lai F1 như bí xanh HN999, dưa chuột Thái Lan Chiatai 336, bí đỏ Gotal 999, bí đỏ Gotal 998....; chọn ruộng trồng dưa, bí ở nơi cao ráo, thuận tiện tưới tiêu.
- Cây khoai tây:
Thời vụ tập trung từ ngày 15/10/2024 - 05/11/2024, trên chân đất cấy lúa nên trồng trong tháng 10; giống khoai tây sử dụng các giống Marabel, Solara, Atlantic, Diamant,... được lựa chọn từ những ruộng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và được bảo quản trong kho lạnh. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; tận dụng nguồn rơm rạ của lúa Mùa, áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu tăng lượng mùn cho đất, giảm công lao động khi trồng và thu hoạch. Áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch.
- Cây rau màu khác: Áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; cơ giới hóa tối đa các khâu sản xuất; áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, luân canh, xen canh; sản xuất quy mô lớn có bao tiêu sản phẩm, ...
Nguồn: Trung tâm khuyến nông