Vài suy nghĩ về dòng họ hiện nay, về quan niệm dòng họ là một thiết chế xã hội, đặc biệt gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống, do khởi sinh từ một Thủy Tổ? Dòng họ không phải là một đơn vị kinh tế, tuy nhiên nhiều dòng họ có đất, có ruộng gọi là đất hương hỏa, có nhà thờ họ chung, có gia phả ghi lịch sử của họ.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, dòng họ người Việt đã tạo dựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc độc đáo. Trong cuộc sống hàng ngày mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, mối quan hệ họ hàng, người trong họ luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở, “xảy cha còn chú”; “nó lú nhưng chú nó khôn”. Như vậy, dòng họ có rất nhiều vai trò trong đời sống xã hội, với phạm vi của bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh là vai trò của dòng họ đối với công tác Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phải nói rằng, ở khu vực nông thôn hiện nay hoạt động Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở các dòng họ đang là hoạt động nổi bật nhất so với các mô hình học tập khác, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Một là: Về số lượng, các ban Khuyến học dòng họ đã gấp nhiều lần so với các mô hình khác là đơn vị học tập và cộng đồng học tập. Ở Quỳnh Phụ có 1.238 dòng họ, bình quân mỗi xã có 33 dòng họ, trong đó số dòng họ có ban Khuyến học đăng ký mô hình dòng họ học tập là 905 dòng họ đạt 73%. Như vậy, với số lượng trên, nếu các dòng họ hoạt động tích cực, có hiệu quả thì phong trào Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở xã, ở huyện rộng ra là cả tỉnh sẽ rất mạnh, chưa kể đến hoạt động của các đơn vị học tập ở cộng đồng học tập (các thôn).
Hai là: Tinh thần hiếu học là truyền thốn của người Việt, nhưng ở các dòng họ có nét độc đáo riêng, hầu hết các dòng họ đều đề cao việc học, tập quán tôn trọng nhân tài, truyền thống tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” , cho con ba chữ hơn cho con 3 nén vàng, dòng họ tự hào vì có những người con vinh hiển, làm rạng danh dòng họ, tạo lên sự cạnh tranh lành mạnh trong các dòng họ ở trong thôn, trong xã.
Ba là: Sự huy động quỹ Khuyến học ở dòng họ thuận lợi hơn rất nhiều so với cộng đồng học tập và đơn vị học tập, bởi là việc huy động quỹ không cần qua một thủ tục hành chính rườm rà nào. Chỉ cần một hai cháu thành đạt về dự ngày giỗ tổ, hoặc về thắp hương nhà thờ họ cũng góp cho quỹ hàng triệu đồng thậm chí vài chục triệu đồng. Chính vì vậy, quỹ Khuyến học dòng họ hiện nay vẫn là quỹ nhiều nhất, có họ lên tới vài trăm triệu đồng, trong khi đó quỹ khuyến học của các đơn vị học tập, cộng đồng học tập nhiều lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng.
Từ nhận thức trên, huyện Quỳnh Phụ đã tập trung chỉ đạo và coi trọng phong trào Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tạp trong các dòng họ. Chúng tôi xác định, phong trào Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện mạnh và phát triển thì trước hết dòng họ phải mạnh và phát triển.
Huyện Quỳnh Phụ có 1.238 dòng họ, trong đó có 905 dòng họ có ban Khuyến học đăng ký mô hình dòng họ học tập đạt 73%. Mỗi năm, trong các kỳ giỗ tổ hoặc tổng kết năm học tại từ đường các dòng họ, trước bàn thờ tổ tiên ngan ngát khói hương, các dòng họ tổ chức báo công, thành tích học tập của con em trong họ, phát phần thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc, nhắc nhở việc học hành để tôn vinh, danh giá của dòng họ. Những buổi lễ như vậy có giá trị to lớn chẳng khác gì buổi lễ tổng kết năm học ở các nhà trường. Chính việc làm đó đã nuôi dưỡng ý thức học tập, thậm chí còn coi học tập là 1 nghề mà các gia đình, dòng họ hướng cho con cái. Thực tế cũng đã minh chứng, gia đình có học, con cái thành đạt thì kinh tế giàu có, đồng thời đạo đức, gia phong được xã hội nể trọng.
Họ Vũ Khắc xã An Mỹ, họ đã xây dựng 2 loại quỹ: Quỹ Khuyến tài để động viên con em trong họ vươn lên thành tài, đỗ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và người lớn tuổi làm kinh tế giỏi. Quỹ thứ 2 là quỹ dành cho con em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Dòng họ Lê Đắc xã An Khê, trong kỳ tuyên dương khen thưởng, năm nào họ cũng mời các con em thành đạt về để nêu tấm gương sáng về học tập, khích lệ con em trong họ. Có những em phát biểu như thế này: “Ngoài giờ học tôi cũng đi mò cua, bắt ốc như các bạn, tôi thành đạt như này là nhờ sự quyết tâm và không đua đòi”, cả họ vỗ tay, nhiều phụ huynh rơm rớm nước mắt. Mỗi dòng họ đều có cách làm riêng, họ Trần xã An Lễ, họ Bùi Văn xã Đông Hải họ Nguyễn Duy xã An Quý, họ Hoàng Hữu xã Quỳnh Giao và còn nhiều dòng họ khác, ban Khuyến học dòng họ tổ chức hội nghị Khuyến học riêng, khen cả người lớn làm kinh tế giỏi và các cháu học giỏi sau khi các nhà trường tổng kết năm học.
Tổng số quỹ khuyến học của huyện Quỳnh Phụ là trên 18 tỷ 160 triệu đồng trong số này quỹ Khuyến học của dòng họ chiếm 998 triệu đồng bằng 55% con số cho thấy, vai trò dòng họ đối với quỹ khuyến học là rất đáng kể.
Từ thực tế, chỉ đạo về Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có thể đi đến nhận xét là: Vai trò của dòng họ là rất quan trọng, rất lớn trong việc xây dựng xã hội học tập, tập trung chỉ đạo, khơi dậy truyền thống dòng họ học tập là việc làm đúng hướng theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính Phủ.
Gia đình là nơi giữ gìn, phát huy tốt nhất các giá trị tốt đẹp của dân tộc, việc phát huy truyền thống văn hóa dòng họ sẽ tác động tích cực đến xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, gia đình nào cũng nằm trong 1 dòng họ, nếu biết đặt mình vào truyền thống văn hóa của dòng họ, giáo dục con cháu hướng về cha ông, tổ tiên, biết giữ gìn đạolý gia phong của dòng họ thì gia đình đó, dòng họ đó chắc chắn sẽ trở thành gia đình văn hóa văn hóa, dòng họ văn hóa. Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể nào của cơ quan nào hướng dẫn ở cơ sở vẫn tự làm, tự kế hợp.
Trên đây là một số ký kiến tham luận về vai trò của dòng họ trong việc xây dựng mô hình dòng họ học tập.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Lưu Quang Ổn - Chủ tịch hội Khuyến học huyện Quỳnh Phụ