Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam Bác Hồ còn được nhân loại tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đối với những người làm công tác giáo dục, công tác khuyến học còn biết đến Bác Hồ là nhà tư tưởng giáo dục, nhà sư phạm thực tiễn, đồng thời là một tấm gương sáng trong việc “Tự học” và “Học tập suốt đời”. Người đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng tư tưởng “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” ở Việt Nam. Theo Bác muốn trở thành người có đức có tài để cống hiến cho Tổ quốc cho nhân dân thì “Suốt đời phải học tập”. Ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đó 95% dân số nước ta còn mù chữ, bọn phản động thù trong giặc ngoài đang tìm cách bóp chết chính quyền non trẻ trong trứng nước. Với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 8-9-1945 Bác đã ban hành Sắc lệnh thành lập “Nha Bình dân học vụ” để tổ chức, khuyến khích toàn dân mở chiến dịch chống nạn mù chữ, Người kêu gọi toàn dân thi đua “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Người coi: đói, dốt, ngoại xâm đều là giặc. Thế mới biết mối quan hệ biện chứng giữa các nhiệm vụ cứu quốc lúc đó là: “Đánh giặc cứu nước; Tăng gia sản xuất; Khuyến khích học tập” để đạt được khát vọng “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Sắc lệnh và lời kêu gọi của Bác thiết thực và ý nghĩa làm sao.
Thân phụ của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng là người thầy đầu tiên dạy chữ Hán cho Người. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ nên Bác học rất giỏi, sau này Người sử dụng thành thạo tiếng Hán trong sáng tác thơ Đường. Khi mới 11,12 tuổi, trước cảnh nước mất nhà tan, nghe đến các mỹ từ mà thực dân Pháp tuyên truyền: “Tự do, bình đẳng, bắc ái” của đại Cách mạng Pháp, Người muốn học tiếng Pháp, tìm đường sang nước Pháp và các nước trên thế giới để tìm hiểu, học tập cách đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cho đất nước mình hùng cường.
Theo cha vào Huế, Bác vào học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, rồi trường Quốc học Huế. Chỉ một thời gian ngắn, Người có đủ vốn từ vựng, thông thạo về ngữ pháp để giao tiếp với Người Pháp. Trong cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Người đã từng làm phiên dịch giúp những người biểu tình đề đạt nguyện vọng với viên Khâm sứ Pháp. Các quan lại Pháp hết sức ngạc nhiên, khâm phục trước sự thông thái và bản lĩnh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Tháng 9-1910 được sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô (bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc) thầy giáo Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại Trường Dục Thanh. Đây là ngôi trường được các nhà yêu nước lập lên trong phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh nhằm mở mang dân trí, khai sáng cho dân tộc hùng cường đủ sức đánh Pháp dành độc lập dân tộc. Tại trường Dục Thanh, Thầy Nguyễn Tất Thành trực tiếp dạy Quốc ngữ, Hán ngữ, Pháp ngữ, thể dục, thể thao cho học trò. Thông qua việc dạy học ở trường, thầy Thành quan tâm dạy cho các trò tự học ở nhà, tự học trong cuộc sống, bồi dưỡng cho họ lòng yêu nước và khát vong học tập suốt đời để làm chủ, làm rạng danh nước nhà.
Tháng 2-1911 Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn để thực hiện lý tưởng của mình. Tháng 6-1911 Người ra đi tìm đường cứu nước, trên con tàu Latouche Tresville, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên mới trong hộ chiếu là Văn Ba đã nêu cao ý thức tự học: mỗi ngày bắt đầu từ 9 giờ tối khi công việc của người phụ bếp đã xong mặc dù mệt lử (khi đó mọi người trên tàu nghỉ ngơi hoặc đánh bài), Anh Ba bắt đầu ngồi học, tập viết bài đến quá nửa đêm mới nghỉ. Trong thời gian ở thị trấn Saint Adret, làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu, Bác chăm chỉ học tiếng Pháp. Khi gặp từ mới Bác viết vào tờ giấy rồi dán vào chỗ dễ nhìn nhất, có khi viết vào cánh tay để lúc làm việc vẫn đọc được. Cứ như vậy khi vốn tiếng Pháp đã phong phú, Bác tập viết báo, tập viết từ bài ngắn đến bài dài và sau đó từ một bài báo dài Bác viết cho ngắn lại. Với lòng kiên trì học tập, Bác của chúng ta đã nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín trên nước Pháp và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pa ri nhằm tố cáo chính sách áp bức vô cùng tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, đoàn kết nhân dân các dân tộc thuộc địa Á, Phi, Mỹ Latinh đấu tranh để tự giải phóng mình.
Với tinh thần tự học và đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập tự do của dân tộc mình và nhân loại, trong thời gian ở Pháp, Bác Hồ đã tham gia viết bài cho rất nhiều tờ báo danh tiếng như: Tạp chí Pari, Tạp chí Thư tín Quốc tế, Báo Đời sống công nhân. Đặc biệt là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, với ngôn từ súc tích đanh thép Bác đã bóc trần toàn bộ chính sách phản động tàn bạo, mị dân của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, từng bước thức tỉnh, giác ngộ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” là minh chứng tuyệt vời cho sự thành công của Bác Hồ về tinh thần tự học.
Những năm tháng bôn ba đi tìm đường cứu nước, đến quốc gia nào Bác cũng dành thời gian để học tiếng của quốc gia đó. Cuối năm 1923 Người đến nước Nga quê hương Cách mạng Tháng Mười của Lê-nin vĩ đại Người tập trung học tiếng Nga, chỉ trong một thời gian ngắn Bác đã đủ vốn kiến thức tiếng Nga để vừa học ở trường Quốc tế Lê-nin vừa làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Lịch sử với đề tài “Vấn đề ruộng đất và nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông” tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Năm 1928 Người về Thái Lan hoạt động cách mạng (để thuận lợi cho việc nắm bắt tình hình trong nước). Người học tiếng Thái Lan, chỉ trong vòng 3 tháng Người đã giao tiếp và đọc được báo của người Thái.
Trong lý lịch đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần VII năm 1935 tại Matsxcova, trong đó một số mục Người khai:
- Nghề nghiệp: Làm cách mạng;
- Trình độ học vấn: Tự học;
- Ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Chỉ một vài thông tin trong lý lịch của Bác, với tư cách Ủy viên Ban chấp hành và đại biểu dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã khuyến khích các thế hệ của nước Việt học tập và làm theo tấm gương về ý chí, nghị lực, tinh thần tự học và học tập suốt đời của Bác.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), khi nói về cách học tập, Người viết: “Lấy tự học làm cốt”. Người còn cho các đồng chí phục vụ treo trong phòng họp lời dạy của Khổng Tử : “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Người coi tư tưởng của Lê-nin và khổng Tử về dạy và học là phương châm của công tác “Khuyến học, khuyến tài”.
Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (ngày 6-5-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Lê-nin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”, mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó. Cũng tại Hội nghị này, Người nhấn mạnh: “Phải nâng cao việc hướng dẫn tự học, mỗi người phải biết tự động học tập”. Tư tưởng của Bác, học tập liên quan đến mọi người, đến vận mệnh Tổ quốc. Bác chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Khuyến khích và đánh giá vai trò của học tập đối với thanh thiếu niên, học sinh, Bác khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tốt đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Trong thư gửi các phụ lão, Bác khuyến khích các cụ già diệt giặc dốt phải cố gắng học thêm nữa để nâng cao trình độ, các cụ đã ra sức đôn đốc và giúp đỡ đồng bào học bình dân học vụ, các cụ thật xứng đáng là: “Lão đương ích tráng”. Tại Hội nghị cán bộ Đảng viên lão thành cách mạng ngày 9-6-1961, Người nói :“Tôi năm nay 71 tuổi rồi, ngày nào cũng phải học, công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so vơi lớp trẻ bây giờ thì chúng ta dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm, nếu thế hệ già không hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Các cụ thường nói: Con hơn cha là nhà có phúc”; “Học tập là quyển sách không có trang cuối”; “Học hỏi là công việc suốt đời. Không ai có thể cho mình là biết đủ rồi”. Nhưng học không phải để làm quan, để “Vinh thân, phì gia” mà học để: “Làm việc, làm người có ích, học để phụng sự giai cấp, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Ngày nay đối chiếu với 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO đưa ra là: “Học để biết, học để làm việc, học để tồn tại, học để chung sống”. Chúng ta tự hào rằng Bác Hồ của chúng ta, danh nhân văn hóa của thế giới đã xây dựng một triết lý giáo dục, triết lý khuyến học đi trước và là chân lý của cả thời đại.
Tư tưởng của Bác về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là không phải chỉ ngồi trên ghế nhà trường để học chữ, mà học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Trong bài nói chuyện với cán bộ giảng dạy, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964 Bác nhấn mạnh: “Chúng ta cần học nhiều thứ, học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, học nghiệp vụ, ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trong sách báo v.v..Có một cách học rất tốt, ai cũng có thể tham gia hằng ngày, đó là học tập ngay trong thực tế lao động”. Phải “Học tập suốt đời” vì thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp với sự tiến bộ chung, nhưng phải “Lấy tự học làm cốt”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì từ năm 1954 đến 1969, Bác đã có hơn 700 lần đi thăm cơ sở trung ương và địa phương, đi đến đâu và với đối tượng nào, Bác cũng căn dặn phải kiên trì học tập suốt đời để nâng cao trình độ, kiến thức và phục vụ đất nước được tốt hơn. Bác còn đặc biệt nhấn mạnh việc tự học và bản thân Bác là tấm gương sáng về tự học. Nhờ kiên trì tự học, từ một thanh niên mới học qua bậc tiểu học, Bác đạt đỉnh cao trí tuệ nhân loại khi ở độ tuổi 30. Không chỉ coi trọng phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài, Bác còn đặc biệt coi trọng chính sách sử dụng nhân tài. Nhờ vậy, Người đã tập hợp được đội ngũ đông đảo trí thức, kể cả đội ngũ “Tây học”như GS Trần Đại Nghĩa, GS Nguyễn Khắc Viện, GS Phạm huy Thông, GS Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Văn Huyên... Đã bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý về nước phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã tuyên truyền sâu rộng về học tập suốt đời, học tập của người lớn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu trở thành công dân học tập. Mỗi gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là Gia đình học tập. Mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải trở thành đơn vị học tập theo yêu cầu của Kết luận 49/KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định 489/QĐ-TTg, ngày 8/4/2020, Chỉ thị 14/CT-TTg, ngày 25-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng các mô hình học tập, từng bước hình thành “Xã hội học tập” sôi động trên địa bàn tỉnh./.
Nguyễn Văn Đầm
HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH