Trung tâm học tập cộng đồng xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương được thành lập tháng 7 năm 2002. Mục tiêu hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng xã Thanh Tân là một mô hình giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng tại một vùng nông thôn huyện Kiến Xương. Trung tâm đã tạo cơ hội học tập cho mọi người dân để “Cần gì học nấy”, học thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.
1. Trung tâm học tập cộng đồng xã Thanh Tân có bộ máy tổ chức năng động
Trung tâm học tập cộng đồng Thanh Tân luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trung tâm có bộ máy tổ chức bao gồm những cán bộ nhiệt huyết, có trách nhiệm cao đều kinh qua thực tiễn: Giám đốc chụi trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm; Phó giám đốc chuyên môn tìm hiểu kĩ nhu cầu học tập của người dân, lập kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công giảng dạy theo tháng, học kỳ, năm học, dự giờ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, hướng dẫn viên/công tác viên, đồng thời quản lý toàn bộ hồ sơ của Trung tâm. Phó giám đốc phụ trách hoạt động bố trí địa điểm, tổ chức lớp học/ nhóm lớp học theo chuyên đề, theo trình độ, nhu cầu, lứa tuổi; chuẩn bị sẵn điều kiên, học liệu, phương tiện dạy học; trực tiếp quản lí, đánh giá học viên,... Trung tâm có 4 tổ chuyên môn, gồm 19 giáo viên tình nguyện và một số hướng dẫn viên, cộng tác viên thỉnh giảng theo từng chuyên đề.
Nơi làm việc của Trung tâm chính là văn phòng của Hội khuyến học, có diện tích 40m2, có bàn ghế, tủ tài liệu và bảng biểu.
2. Kết quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng xã Thanh Tân
Căn cứ nhu cầu học tập của người dân từng năm, Trung tâm chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động cho cả năm học, công việc từng tổ chuyên môn, đối tượng học tập; chuẩn bị điều kiện địa điểm, thời gian thực hiện; ...
Kết quả từng lĩnh vực hoạt động:
Mỗi năm mở 3-4 lớp chuyên đề: Thông tin thời sự, học tập Nghị quyết, chính sách, văn bản, pháp luật mới ban hành; … có hàng nghìn học viên tham gia; Mở 2-3 lớp nghiệp vụ công tác dành cho các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn có hàng trăm người học; mở 21-23 lớp cho 3.900 lượt người học các chuyên đề về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và dịch vụ nông thôn; 06 lớp cho 500 lượt lao động nông thôn học nghề; mở 8-9 lớp về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích tại các nhà văn hoá thôn; xây dựng các câu lạc bộ thơ, dân vũ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, cơ tướng, cờ vua ... tại 6 thôn đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia luyện tập, thi đấu thường xuyên. Tổ chức thu gom rác thải ở các thôn trong toàn xã đều đặn hàng tuần góp phần giữ gìn cảnh quan, con đường làng xanh, sạch, đẹp.
Trung tâm tổ chức “Lớp học toàn dân” qua hệ thống loa truyền thanh của xã về xây dựng “Gia đình học tập”; “Dòng họ học tập”; “Cộng đồng học tập”; “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”. Phối hợp các trường phổ thông đóng trên địa bàn xã mở các lớp chuyên đề sử dụng máy vi tính cho cán bộ thôn; mở nhiều nhóm lớp hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh trong lao động, cuộc sống và bán hàng.
Trung tâm liên kết với trường Cao đẳng, đại học của Tỉnh mở lớp sơ cấp kế toán doanh nghiệp cho 35 học viên; mở lớp quản trị kinh doanh cho 55 học viên; mở 01 lớp cho 17 học viên là cán bộ xã, thôn chuyên đề sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản; đến nay nhiều học viên đã mở trang trại thu hút nhiều lao động tại địa phương tham gia.
Trung tâm cùng với các chi nhánh may mặc trong xã đào tạo nghề may cho nhiều công nhân làm tại công ty may Việt Thái cụm công nghiệp Thanh Tân.
Trải qua 20 năm, Trung tâm học tập cộng đồng xã Thanh Tân đã thực sự xây dựng, thúc đẩy phong trào học tập trong toàn dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân góp phần xây dựng xã hội học tập và xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân
Thế Dân và Quang Phúng