Đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình
Thái Bình là tỉnh có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người dân Thái Bình luôn nhận thức rõ ràng, sâu sắc về lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Tỉnh đã đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng dịch vụ tiện ích chất lượng của người dân.
Theo thống kê xã hội tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh/ máy tính kết nối và sử dụng mạng internet tương đối cao: Mạng internet đã kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn và gần 80% hộ gia đình. Đây là lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập của người dân; nhiều hình thức, cách học mới mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả được phát triển mạnh; công nghệ mới đã cung cấp, phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời. Nhiều chương trình, tài liệu, khóa học và nguồn tài nguyên giáo dục mở, kho tài liệu số đa dạng, phong phú được xây dựng, phát triển đã sẵn sàng phục vụ nhân dân. Với điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng người dân có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác sử dụng bất kì nội dung gì, bất cứ khi nào, ở đâu, mà không mất thời gian, kinh phí, lại dễ sử dụng và tiện ích.
Thái Bình là một tỉnh thuần nông, điều kiện không lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý; dân số gần 1,9 triệu người; nguồn nhân lực từ 16 đến 65 tuổi chiếm khoảng 62%, chủ yếu ở khu vực nông thôn (78%). Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh là 1.085 nghìn người.
1. Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Thái Bình thời gian qua.
Thái Bình là tỉnh sớm xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Tháng 9/1999 xây dựng thí điểm Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư; đến 12/2006 có 286 Trung tâm học tập cộng đồng/286 xã, phường, thị trấn (đạt 100%). Sau sáp nhập một số xã, phường đến nay Thái Bình còn 260 Trung tâm học tập cộng đồng/260 xã, phường, thị trấn (100%).
Thái Bình đặt Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu “Học thiết thực”, “Cần gì học nấy”, “Học để làm ngay”, ứng dụng ngay vào lao động sản xuất và cuộc sống. Từng bước giải quyết những vấn đề mà địa phương và nhân dân đặt ra, như: phổ biến kiến thức thời sự, pháp luật, chính sách mới; chuyển giao khoa học công nghệ; hướng nghiệp, học nghề, bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ; hoạt động chuyên đề về đời sống, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sức khỏe, môi trường; ... đã tạo được điều kiện khuyến khích người dân, cộng đồng học tập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.
Kết quả, bình quân mỗi năm Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình huy động được 1,5 triệu lượt người dân tham gia học tập chuyên đề.
Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành theo vị trí việc làm cho 100% số cán bộ xã, phường, thị trấn; Hầu hết số cán bộ này đạt trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định và thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm.
Thông qua Trung tâm học tập cộng đồng, số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại xã, phường, thị trấn ngày một gia tăng: năm 2016 đạt hơn 55% đến năm 2020 đạt gần 73%.
Các trung tâm học tập cộng đồng chú trọng bồi dưỡng, huấn luyện, phát triển, hoàn thiện về kỹ năng sống, về phương thức xây dựng cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cho người dân. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ người dân tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống tăng nhanh theo từng năm.
Nhiều trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục và xây dựng các mô hình học tập: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, ...trên địa bàn Tỉnh.
Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình đã trở thành trường học đặc biệt thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ dưới hình thức bồi dưỡng, đào tạo lại hình thành nguồn cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên, chuyên gia một số lĩnh vực ở địa phương góp phần tích cực trong việc định hướng phát triển ngành nghề: mỗi xã, phường, thị trấn có một sản phẩm truyền thống, tiêu biểu đặc trưng; đồng thời giữ ổn định chính trị, an ninh trên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… hình thành những gia đình, cộng đồng dân cư hạnh phúc … theo chuẩn “Nông thôn mới”, Khu phố/ khu dân cư văn minh.
Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức, thời đại số, kỷ nguyên số, yêu cầu phát triển, chia sẻ tri thức và đa dạng hóa cơ hội học tập của người dân, Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn hiện nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, chất lượng thấp. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng ở một số nơi mang tính phong trào, hình thức, cầm chừng; …
Nguyên nhân của hạn chế là: Nhận thức của một số cán bộ quản lí, cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, tác dụng của Trung tâm học tập cộng đồng chưa đúng tầm, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ ngân sách Nhà nước, chưa phát huy tiềm năng nguồn lực của cá nhân và cộng đồng; Cán bộ quản lí trung tâm phải kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm tổ chức hoạt động; Nội dung học chưa thiết thực và phù hợp nên hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các tổ chức thiếu chặt chẽ và thống nhất; việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên gặp nhiều khó khăn; Mặt khác, thiếu kinh phí, phòng học, cơ sở vật chất; Hoạt động của Trung tâm chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số;…
Thái Bình đã chủ động thực hiện Chỉ thị Số 14/CT-TTg của Thủ tướng CP về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”; trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm là: Nghiên cứu đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả và tổ chức thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng trong toàn Tỉnh.
2. Những giải pháp đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay ở Thái Bình
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là xây dựng phong trào tự học, tự học suốt đời của người dân và cộng đồng bằng việc giúp họ tiếp cận phương thức học tập (6 mọi) mọi người, mọi lúc, mọi nơi, mọi nội dung, mọi điều kiện, mọi cách; cách học “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” (4H); kĩ năng tự học và tương tác, kĩ năng sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ số để cần gì học nấy; học thiết thực; học để làm ngay. Học tập để thay đổi, để tiến bộ không ngừng.
Hai là phát triển mô hình Trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng xã hội chuyển đổi số: Xây dựng cơ sở dữ liệu, biên soạn và số hóa học liệu; lập trang Website hướng dẫn hoạt động học tập cộng đồng trên nền tảng kĩ thuật, công nghệ số, kết nối với các trang mạng xã hội học tập; giới thiệu sản phẩm học và ứng dụng công nghệ số; đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ba là đổi mới nâng cao năng lực quản lý hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong quản lí; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức, quản trị, điều hành cho cán bộ quản lí Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay.
Bốn là đổi mới cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực,… cho Trung tâm học tập cộng đồng: Hoàn thiện cơ chế, nội quy hoạt động; kết nối phát huy ưu thế các nguồn lực, nguồn tài chính từ các chương trình, đề án, cơ sở giáo dục; huy động sự đóng góp, tham gia của doanh nghiệp, của các tổ chức và cá nhân.
Năm là phát huy vai trò, trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong việc đổi mới mô hình hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng có chất lượng, hiệu quả.
Sáu là tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chất lượng, hiệu quả để nhân rộng ra địa bàn tỉnh Thái Bình.
Alvin Toffler nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực: “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”.
Vì thế đổi mới mô hình hoạt động hiệu quả, chất lượng là tất yếu, là làm cho Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn ở Thái Bình thực sự là mô hình giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người dân tại cộng đồng, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và của đất nước.
Ngọc Sơn và Đình Trọng