Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định về phát triển một nền giáo dục dành cho mọi người: ai cũng được học tập thường xuyên, học suốt đời, cả nước thành xã hội học tập.
Trung tâm học tập cộng đồng là một trong những tiền đề của xã hội học tập. Năm 1997 được sự giúp đỡ của Hiệp hội quốc gia các tổ chức UNESCO Nhật Bản (NFUAJ) thông qua Hội giáo dục người lớn Việt Nam (NAAE) đã xây dựng một mô hình Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Phú Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến năm 1998, được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của UNESCO tại Băng Cốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), do Viện khoa học giáo dục chủ trì đã tiếp tục xây dựng 4 Trung tâm học tập cộng đồng tại 4 tỉnh: Hoà Bình, Điện Biên, Thái Bình và Bắc Giang. Qua thử nghiệm, các Trung tâm học tập cộng đồng đã có tác dụng to lớn trong việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Quốc gia và các tổ chức UNESCO Nhật Bản (NFUAJ) 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên xây dựng 40 Trung tâm học tập cộng đồng và 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) từ 2000 đến 2003; 8 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La mỗi tỉnh 1 Trung tâm học tập cộng đồng. UNESCO tại Hà Nội giúp 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng) và Bình Phước mỗi tỉnh 1 Trung tâm học tập cộng đồng.
Số lượng các Trung tâm học tập cộng đồng ở nước ta phát triển rất nhanh, từ 01 Trung tâm học tập cộng đồng năm 1997, năm 1998 có 5 Trung tâm học tập cộng đồng, đến năm 1999 đã có 15 Trung tâm học tập cộng đồng và từ năm 1999 đến tháng 2/2005, cả nước đã có 4.783 Trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 44,5% phường, xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng; tháng 5/2005 có 5.384 Trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có 9 tỉnh, thành phố đạt 100% phường, xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Đến tháng 6/2006 có 7.384 Trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt 100% phường, xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng.
Năm 2018, Việt Nam có 11.019 Trung tâm học tập cộng đồng. Đến năm 2020 thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, do đó các Trung tâm học tập cộng ở cấp xã cũng sáp nhập với nhau nên cả nước còn 10.614 trung tâm (1.712 phường, 605 thị trấn và 8.297 xã).
Sau 25 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm học tập cộng đồng đã được đánh giá là một mô hình phù hợp nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân ở cộng đồng. Với chức năng và đặc trưng của Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở học tập để mọi người dân trong cộng đồng đều có cơ hội học tập nhằm nâng cao tri thức, rèn luyện, phát triển kĩ năng cần thiết thường xuyên, liên tục và suốt đời. Mặt khác, Nhà nước và cộng đồng cùng hỗ trợ xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện để mọi người dân trong cộng đồng có thể được đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng.
Các Trung tâm học tập cộng đồng có ban quản lí và giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên… họ đều là những người tham gia tự nguyện và không bố trí biên chế theo chế độ công chức, viên chức. Cán bộ của Trung tâm học tập cộng đồng được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm… có thể được hưởng kinh phí hỗ trợ nhưng cũng rất hạn chế. Người dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng cũng đa dạng, người biết dạy cho người chưa biết nên ai cũng có thể sẽ là giáo viên trong lĩnh vực mà mình có thế mạnh, đồng thời cũng có thể là học viên khi cần tìm hiểu, học hỏi về lĩnh vực khác. Các chương trình giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp của Trung tâm học tập cộng đồng rất mềm dẻo, đa dạng, hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của những người dân tại địa phương và khả năng đáp ứng của Trung tâm học tập cộng đồng.
Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng được thực hiện theo phương châm “Cần gì học nấy”, “Học thiết thực”, “Học làm ngay” nên thời gian hoạt động rất mềm dẻo, phụ thuộc vào sự thống nhất của ban quản lí, giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên và học viên. Một buổi học tập có thể dài vài giờ hoặc chỉ vài chục phút; có thể tổ chức buổi sáng, buổi chiều, buổi tối hoặc tranh thủ cả buổi trưa. Cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ cho Trung tâm học tập cộng đồng cũng đều do nhân dân đóng góp hoặc vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Trụ sở của Trung tâm học tập cộng đồng thường được mượn hoặc thuê Hội trường của UBND địa phương, nhà văn hóa, các cơ sở hoạt động xã hội khác, hoặc tại nhà một người dân hoặc trong các trường học. Các lớp học tổ chức rất đa dạng: có thể tại nhà văn hóa, thư viện, hội trường UBND hoặc trong các lớp học của trường phổ thông hoặc ngay tại hiện trường (trong xưởng, ngoài đồng, ruộng, ao, hồ…). Tài liệu dạy học và sách được sử dụng tại Trung tâm học tập cộng đồng cũng rất đa dạng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người học và mang lại niềm vui, hiệu quả lao động, sản xuất cho nhân dân. Trung tâm học tập cộng đồng không cấp chứng chỉ hoặc cấp bằng cho người học, nhưng dựa trên những gì được học tại đây, nếu có nhu cầu về giấy chứng nhận hoặc bằng thì người học có thể liên hệ với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các cơ sở GD&ĐT có chức năng cấp bằng để tham gia thi, đánh giá. Nếu đáp ứng được các yêu cầu theo quy định, họ có thể được nhận bằng hoặc chứng chỉ hay giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Kinh phí dành cho hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng có thể từ các nguồn khác nhau, như: hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương hay do các cá nhân, tổ chức quan tâm tài trợ hoặc do thực hiện các dịch vụ GD&ĐT, chuyển giao công nghệ, do đóng góp của người dân tại cộng đồng.
Những năm gần đây chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Hoạt động của Trung tâm nhiều nơi vẫn mang tính phong trào, hình thức hiệu quả thấp. Nguyên nhân của hạn chế trên có cả phía khách quan lẫn chủ quan; một phần do cơ chế, một phần do thiếu sự quan tâm đầu tư của xã hội và cộng đồng. Cơ sở vật chất của các Trung tâm học tập cộng đồng rất thiếu thốn về phương tiện quản lý, về thiết bị giảng dạy, về tài liệu học tập, về đội ngũ giáo viên chuyên trách, và thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ sở giáo dục với Trung tâm học tập cộng đồng, ...
Tóm lại, Trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam đã trở thành trường học đặc biệt thường xuyên để nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ dưới hình thức bồi dưỡng, đào tạo lại. Chính nơi đây, hình thành nguồn cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên, chuyên gia một số lĩnh vực ở địa phương góp phần tích cực trong việc định hướng phát triển ngành nghề: mỗi xã, phường, thị trấn có một sản phẩm truyền thống, tiêu biểu đặc trưng; đồng thời giữ ổn định chính trị, an ninh trên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… hình thành những gia đình, cộng đồng dân cư hạnh phúc … theo chuẩn “Nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trọng Đỗ và Sơn Bùi