Trung tâm học tập cộng đồng được thành lập tháng 5/2002 trên địa bàn xã Đông
Thọ, Thành phố Thái Bình. Phát triển Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một
trong những ưu tiên của xã nhằm thực hiện phương châm giáo dục cho mọi người, từng
bước tiến tới xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn xã.
20 năm hoạt động của Trung tâm đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Xã Đông Thọ với diện tích tự nhiên 243,09 ha; gồm 6 thôn với 1.550 hộ, 4.795 nhân khẩu, có làng nghề miến dong, bánh đa: 12 hộ (Tập trung ở 2 thôn: Thống Nhất và Đoàn Kết). Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng có bề dày truyền thống hiếu học; Đảng bộ và chính quyền xã luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của địa phương, kể cả giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy. Trung tâm HTCĐ xã Đông Thọ luôn chủ động nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân, mạnh dạn tìm tòi, đề xuất, tổ chức các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội... cho nhân dân trong xã.
Hằng năm, Trung tâm mở từ 28- 30 lớp với 3.286 lượt người học, trong đó chủ yếu là nông dân, phụ nữ, đoàn viên thanh niên. Trong đại dịch COVID – 19, Trung tâm tổ chức “Lớp học toàn dân” qua hệ thống loa truyền thanh của xã về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Nội dung học tập phong phú, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực mà người học quan tâm như: kỹ thuật thâm canh lúa, phương pháp xây dựng cánh đồng mẫu lớn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có chất lượng cao, cây dược liệu, cây cảnh…; kỹ thuật nuôi thỏ, nuôi bồ câu, nuôi cá, nuôi ba ba, nuôi ếch...; các mô hình chăn nuôi tập trung, xây dựng các trang trại nuôi gà, nuôi lợn theo mô hình VACR...; tuyên truyền pháp luật; chuyên đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng; văn học - nghệ thuật với chủ đề “Làm thơ và bình thơ”, tổ chức triển khai học tập theo chuyên đề của các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, tổ chức các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, bóng đá, dân vũ, cờ tướng, …
Trung tâm thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tổ chức học tập như tổ chức các lớp tập trung, câu lạc bộ theo thôn xóm và cụm dân cư, trình diễn khoa học kĩ thuật theo nhóm tổ học tập tại các gia đình chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn... Trong đó hiệu quả nhất là hình thức học tập trung theo sở thích, kết hợp với thực hành. Ví dụ: học tập “đầu bờ” tìm hiểu khoa học kỹ thuật về cây lúa lai, kỹ thuật trồng cây lúa theo phương pháp mới SRI, kỹ thuật trồng các loại cây cảnh, cây vụ đông… Các lớp học được mở tại hội trường xã, nhà văn hóa các thôn, thuận tiện cho nhân dân tham gia học tập.
Để đảm bảo chất lượng các chuyên đề, trung tâm luôn coi trọng lựa chọn đội ngũ báo cáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn đến từ các phòng, ban của Thành phố, giáo viên các trường trung cấp nghề, kỹ sư trồng trọt của Công ty Giống cây trồng, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, trung tâm Khuyến nông, trung tâm Khuyến công, giảng viên các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh và cộng tác viên là trưởng các ban, ngành, đoàn thể trong xã, các nông dân, thợ lành nghề có kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất... Đồng thời Ban lãnh đạo Trung tâm luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, hình ảnh minh họa, trình chiếu kết hợp tham quan mô hình vườn, ao chuồng trang trại của các hộ điển hình trong và ngoài xã.
Trung tâm luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường cơ sở vật chất. Được sự hỗ trợ kinh phí của UBND Thành phố, UBND xã và nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục đã sửa chữa hội trường UBND xã làm trụ sở, mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy như máy chiếu, máy ảnh, xây dựng tủ sách... để phục vụ giảng dạy và trình chiếu các mô hình điển hình cho người dân học tập.
Kết quả hoạt động của Trung tâm HTCĐ đã có tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội của địa phương.
Một là, nhận thức của nhân dân trong xã đã thấy được vai trò của việc học, trình độ dân trí được nâng lên. Số lượng người được đào tạo ngày càng nhiều, số người đăng ký học tập ngày càng tăng; trên địa bàn xã không có học sinh bỏ học. Xây dựng Trường mầm non, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục phát triển; quỹ khuyến học, khuyến tài của xã đạt 125 triệu đồng, quỹ các dòng họ đạt 300 triệu đồng.
Hai là về phát triển kinh tế: Hàng năm tỷ lệ nông dân được đào tạo tăng 18-25% được trang bị kiến thức về thâm canh lúa, làm cho lúa ít sâu bệnh… năng suất lúa đạt 71,6 tạ/ha. Thu nhập trên 1 đơn vị diện tích hơn 300 triệu đồng/ha. Có 11 ha hoa cây cảnh cho thu nhập 1,95 tỷ đồng/ha, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện theo hướng tích cực. 6 tháng đầu năm 2022 có 30 hộ xây nhà mới trị giá mỗi căn nhà trên 1 tỷ đồng. Số hộ nghèo giảm xuống còn 1,36%. Trong xã không xảy ra dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, …; nhiều hộ mở chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm , thu từ chăn nuôi mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng.
Ba là về phát triển văn hóa xã hội: Số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 98,2%; 6/6 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đảng bộ và chính quyền nhiều năm liên tục là đơn vị trong sạch, vững mạnh. Xã Đông Thọ đã được công nhận Xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (năm 2014) và hiện nay đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hoạt động của Trung tâm HTCĐ xã Đông Thọ được triển khai toàn diện, hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống của nhân dân, đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về học tập thường xuyên, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Với kết quả trên nhiều năm liền trung tâm được UBND Thành phố phố khen thưởng. Trung tâm HTCĐ xã Đông Thọ xứng đáng là điểm sáng về xây dựng xã hội học tập trong hệ thống trung tâm HTCĐ của tỉnh Thái Bình./.
Ngọc Sơn và Hà Linh