Kiến Xương là huyện có phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đứng trong tốp đầu của tỉnh; Vũ Trung là xã có phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nổi bật của huyện Kiến Xương, trong đó gia đình tôi (gia đình ông Đặng Xuân Tính) có vinh dự 3 năm liên tục gần đây đều được công nhận là “gia đình học tập” tiêu biểu - Một gia đình học tập được xây dựng trên nền truyền thống hiếu học và trọng học.
Xã Vũ Trung quê tôi là một địa phương có truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học lâu đời. Từ những năm đầu thế kỷ 18 họ Nguyễn Mậu Kiến là dòng họ lớn, giàu có của xã đã trích ra hàng trăm mẫu ruộng làm quỹ khuyến học gọi là “Học điền” để khắc mộc bản, thuê thày dạy học cho con em trong làng, trong Tổng. Tuy thế số người biết đọc biết viết cũng chẳng đáng là bao nên phần đông người nông dân đều không biết chữ. Sau cách mạng tháng 8/1945 phong trào học tập của xã được tổ chức chặt chẽ, khí thế thi đua sôi nổi, rầm rộ. Mọi người đều phải tự học tập và bắt buộc phải học tập. Đối với bản thân tôi cũng được tham gia dạy các lớp bổ túc văn hóa của xã với phương châm “người biết nhiều dạy người biết ít” với trách nhiệm cao nhất. Chính từ những ngày này mà tôi đã rút ra được một điều là muốn vươn lên trong cuộc sống thì phải học tập và đây cũng là định hướng để tôi phấn đấu và giáo dục con cái những năm sau này.
Đoàn lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, huyện và một số ngành thăm gia đình “Công dân học tập”, Ông Đặng Xuân Tính người đứng thứ 5 từ trái sang phải
Con người Việt Nam từ xưa đã coi trọng gia đình và dòng họ là nền tảng quan trọng của đạo đức và phẩm chất tốt đẹp. Những giá trị về lòng trung thành, tôn kính người lớn tuổi, lòng biết ơn và trân trọng truyền thống gia đình đã được thấm nhuần trong tâm hồn người Việt.
Gia đình là nơi con người tìm thấy sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm gia đình đậm đà giúp họ có sự tự tin, sự ủng hộ tinh thần để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống.
Gia đình tôi có 4 người con, những năm còn sống trong thời kỳ bao cấp, cái ăn chưa đủ no, cái mặc chưa đủ ấm nhưng chúng tôi đã chắt chiu, giành dụm để các cháu được học hành đến nới đến chốn. Không phụ lòng mong mỏi của chúng tôi các cháu đều học hành tiến bộ và cũng đã học xong bậc đại học. Hằng năm các trường Đại học có rất nhiều sinh viên ra trường, trong số đó có nhiều người chưa có cơ hội vận dụng kiến thức đã được học vào trong thực tế. May mắn là các con của chúng tôi đã vận dụng linh hoạt kiến thức đã được học tập để vươn lên trong cuộc sống, nhờ có việc làm ổn định và cũng khá thành công.
Để phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, báo đáp công lao giáo dục của gia đình, của nhà trường, gia đình chúng tôi đã sáng lập quỹ “Bùi Nhùi Rơm”. Đây là một quỹ để động viên các cháu học sinh trong gia đình, họ hàng, trong làng xã có thành tích cao trong học tập. Hằng năm quỹ phối hợp với các nhà trường và Hội Khuyến học xã đã trao thưởng cho 50 cháu học sinh (mỗi cháu 500 nghìn đồng và một số cặp, sách vở.. ) trị giá trên 30 triệu đồng. Qua 8 năm hoạt động quỹ đã trao thưởng tổng số tiền trên 250 triệu đồng.
Ông Đặng Xuân Tính thay mặt gia đình tặng quà cho các cháu học sinh trường TH-THCS Vũ Trung từ Quỹ “Bùi Nhùi Rơm”
Ngoài ra các dịp tết đến xuân về gia đình chúng tôi cũng đã giành một số phần quà để giúp đỡ bà con trong xã có hoàn cảnh khó khăn.
Chúng tôi luôn nhận thức rằng những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình cần phải là tấm gương sáng cho các con. Gia đình phải là một tổ ấm thực sự, mọi thành viên trong gia đình phải thương yêu, tôn trọng lẫn nhau. Gia đình hạnh phúc, đầm ấm mới là cái nôi nuôi dưỡng và ươm mầm cho những ước mơ. Bên cạnh việc giáo dục các con không ngừng học tập kiến thức cho bản thân, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các con phải biết hiếu thảo và học hỏi những kiến thức, kĩ năng sống thiết yếu của đời thường.
Những thành quả bước đầu gia đình chúng tôi đạt được như trên không phải tự nhiên có được mà phải là một quá trình lâu dài, liên tục, bền bỉ xây dựng được một môi trường giáo dục gia đình tốt đẹp, hiệu quả.
Cùng với sự phát triển và chuyển biến mạnh mẽ của xã hội, cấu trúc gia đình Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể. Gia đình truyền thống trước đây nhiều thế hệ cùng sống trong một ngôi nhà, một nơi mà ta thường gọi là “Ngũ đại đồng đường” thì nay càng hiếm gặp. Đa số con cháu khi trưởng thành đều muốn sống riêng, ở riêng. Đây cũng là xu hướng chung của các nước phát triển. Đặc biệt ở Thái Bình, đất chật người đông, điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn nên xu hướng con cháu đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ khá cao. Mặt khác do tính chất lao động, học tập của thời đại công nghiệp cũng làm giảm thời gian tiếp xúc, gần gũi giữa các thành viên trong một gia đình nên sự truyền thụ, giáo dục của các thế hệ đi trước với thế hệ đi sau hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc giáo dục truyền thống đối với các cháu còn trẻ tuổi.
Hiện nay các cháu thuộc thế hệ thứ 3 của chúng tôi đều có được điều kiện học tập rất đầy đủ nhưng chúng tôi rất chú trọng kết hợp giáo dục ở nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của gia đình, của quê hương để các cháu thấy được trách nhiệm của bản thân đối với công lao của các thế hệ đi trước đã tạo dựng.
Ngoài gia đình tôi trên địa bàn xã cũng có rất nhiều gia đình học tập tiêu biểu được đánh giá cao. Từ những nông dân cần cù chịu khó, nhiều ông bố bà mẹ đã chắt chiu nuôi dạy con cháu khôn lớn, học hành đỗ đạt, thành danh trong cuộc sống. Nhiều người được giao giữ các trọng trách của Đảng, nhà nước và lực lượng vũ trang. Nhiều người có chuyên môn cao, sản xuất kinh doanh giỏi mang lại lợi ích to lớn cho xã hội và truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực phấn đấu học tập vươn lên cho các cháu học sinh, sinh viên.
Những kết quả mà gia đình chúng tôi đạt được trên đây cũng chỉ là những thành tích nhỏ bé trong phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của địa phương, mỗi thành viên trong gia đình tôi vẫn còn phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa trong phong trào học tập suốt đời để các thế hệ đều phấn đấu đạt được và giữ vững danh hiệu “công dân học tập”, “gia đình học tập” vì hạnh phúc của gia đình và góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp hơn./.
Đặng Xuân Tính, xã Vũ Trung huyện Kiến Xương