Vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “ Công dân học tập” chuyên sâu tại Hội trường Công an tỉnh Thái Bình theo Nghị quyết Đại hội Khuyến học tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch công tác phong trào năm 2021.
Vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “ Công dân học tập” chuyên sâu tại Hội trường Công an tỉnh Thái Bình theo Nghị quyết Đại hội Khuyến học tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch công tác phong trào năm 2021.
Tới dự có lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: GS.TS. Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam; TS. Nguyễn Hồng Sơn Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS.TS. Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam.
TS. Nguyễn Hồng Sơn Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Phía tỉnh Thái Bình tham dự chương trình có các đại biểu: Vũ Mạnh Hiền – Phó chủ tịch HĐND tỉnh - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh; Trần Thị Bích Hằng - phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đình Tâm PGĐ Công an tỉnh; Trần Văn Thưởng - Phó văn phòng HĐND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng XHHT Tỉnh; Thường trực Hội khuyến học tỉnh; Ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng XHHT Đảng ủy trực thuộc Tỉnh Ủy; Thường trực Hội Khuyến học các huyện, thành phố; Chủ tịch Hội khuyến học xã, phường, thị trấn làm thí điểm; Chi hội trưởng chi hội Khuyến học làm thí điểm; các đại biểu PCT UBND các huyện, thành phố; Trưởng phòng Giáo dục các huyện, thành phố.
Đại biểu lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Đại biểu khuyến học các khối trực thuộc tỉnh Ủy Thái Bình.
Theo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Thái Bình là một trong những tỉnh thành hội có hoạt động khuyến học sôi nổi với nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trong thời gian vừa qua hội Khuyến học tỉnh Thái Bình cũng đã thực hiện một số hoạt động tiêu biểu: Hội nghị tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT năm 2017, Tổng kết 3 năm triển khai đề án 281 của Chính phủ - Sơ kết 2 năm thực hiện thông tư 44 của Bộ giáo dục - đào tạo triển khai nhiệm vụ năm 2018 tháng 1 năm 2018; Hội thảo khoa học - thực tiễn “ Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời với phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT Tỉnh Thái Bình ngày 10 tháng 9 năm 2019; Hội khuyến học phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngày 15/06/2020.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Hội khuyến học tỉnh Thái Bình đã phát triển tổ chức Hội vững mạnh gắn liền với xây dựng xã hội học tập, gắn với phong trào 3 mạnh, 3 cần (Mạnh về tổ chức, mạnh về cán bộ, mạnh về phong trào - Cần tham mưu tốt, cần làm nòng cốt và liên kết phối hợp tốt, cần tuyên truyền tốt và dân vận khéo). Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 713 Hội khuyến học cơ sở; 6.518 Ban Khuyến học dòng họ, lực lượng vũ trang, nhà chùa, nhà thờ; 3.458 chi hội Khuyến học với 631.060 hội viên, đạt tỷ lệ 33,2% (tăng 17 lần so với năm 2001) và là 1 trong 10 tỉnh có số hội viên cao nhất cả nước. Hội đã tham mưu cho cấp Ủy, chính quyền nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển phong trào KH, KT, học tập suốt đời, xây dựng XHHT, bằng các Chỉ thị, Thông tri, Quyết định, kết luận....20 năm qua Ban thường vụ Tỉnh Thái Bình đã có 2 Chỉ thị, 5 Thông tư, 1 kết luận. UBND tỉnh đã có 2 Chỉ thị, 4 Quyết định, 2 kế hoạch triển khai đề án 281 của Chính Phủ. Hội đã triển khai thực hiện kết luận 04 của Ban thường vụ Tỉnh Ủy Thái Bình về xây dựng TTHTCĐ ở các xã, phường, thị trấn. Xây dựng và phát triển các mô hình học tập trong nhân dân. Từ năm 2003 đến 2014 là phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng XH và đơn vị XHHT cấp cơ sở. Xây dựng và phát triển quỹ khuyến học và phong trào hỗ trợ trường học. Năm 2005 quỹ khuyến học tỉnh mới đạt 9 tỷ đồng, bình quân đầu người là trên 4.500 đồng, đến hết năm 2020 đã đạt được trên 161 tỷ 500 triệu đồng, bình quân đầu người là 85.000 đồng, gấp trên 17 lần so với năm 2005 về số quỹ và trên 20 lần về bình quân đầu người. Suốt 20 năm qua các hoạt động của Hội luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thự hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.
Nội dung tập huấn của tỉnh Thái Bình lần này tập trung vào các nội dung: Hướng dẫn cụ thể Bộ tiêu chí với các chỉ số đánh giá xếp loại mô hình “Công dân học tập” theo tinh thần công văn của Hội Khuyến học Việt Nam để các đơn vị trong tỉnh thống nhất thực hiện chuyên sâu và nắm chắc các nội dung của từng tiêu chí, chỉ số tổ chức triển khai và kiểm tra đánh giá xếp loại mô hình “Công dân học tập” nhằm thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở với các tiêu chí cụ thể, khoa học
Tại buổi tập huấn, GS.TS Phạm Tất Dong hướng dẫn triển khai mô hình, các tiêu chí đánh giá mô hình " Công dân học tập" nhấn mạnh:
Ở Việt Nam, chúng ta tiếp cận với mô hình xã hội học tập muộn hơn nhiều so với các nước. Mãi đến năm 2013, tại một Hội thảo quốc gia về xây dựng xa hội học tập tầm nhìn 2020 thì lúc bấy giờ các chuyên gia của Việt Nam mới bắt đầu có những bài viết về công dân học tập.
TW Hội Khuyến học Việt Nam đã chú ý đến vấn đề này và chuẩn bị kỹ từng năm một cho đến khi Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11. Đến năm 2021, Hội Khuyến học cần xây dựng mô hình công dân học tập và giao cho Hội Khuyến học xây dựng Bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí này sẽ được Thủ tướng duyệt. Hiện nay, TW Hội Khuyến học lên kế hoạch tháng 9 sẽ trình Thủ tướng Bộ tiêu chí, và khi Thủ tướng duyệt Bộ tiêu chí thì lúc ấy sẽ thực thi trong cả nước. Vì thế cho nên việc đánh giá theo Bộ tiêu chí là một vấn đề trọng đại, bởi vì nó ảnh hưởng tới việc quyết định cho 10 năm sắp tới mô hình công dân học tập xây dựng theo hướng nào.
Gần đây nhất, sau Kết luận 49 của Ban bí thư về công dân học tập đã được thẩm định thì Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 489, trong đó có nói rõ là xây dựng Bộ tiêu chí và để cho trong năm 2021 Thủ tướng sẽ ký.
Về xây dựng Bộ tiêu chí này làm theo rất công phu và rất khó vì mỗi một quốc gia có một mẫu hình của họ. Không quốc gia nào giống quốc gia nào, cho nên là các Chuyên gia Việt Nam phải tìm xem mẫu số chung của các nước trên thế giới, nó có những vấn đề gì chung nhất mà họ quan tâm, sau đó mới đưa được vào tiêu chí của người ta, mà cũng phải định lượng cho đúng với trình độ Việt Nam.
Trong năng lực cốt lõi, cần có những kỹ năng, sự hiểu biết phù hợp, thích hợp với từng cá nhân, các kỹ năng thực hiện theo Bộ tiêu chí phải có liều lượng chuẩn, chứ không phải là kỹ năng của trí thức lại giống như là kỹ năng của công nhân trong sử dụng thiết bị công nghệ. Cho nên là xây dựng nên Bộ tiêu chí là phải có những năng lực, những kỹ năng mà ở giai đoạn phát triển này người ta cần, thế giới cũng chú ý mà chúng ta cũng chú ý. Thứ hai là, không được chọn nhiều quá. Chọn nhiều quá thì cũng không thực hiện được. Và thứ ba là có tiếng nói chung giống nhau ở một kỹ năng nào đó thì chúng ta đưa ra thế giới thì nó mới công nhận rằng đấy là cái giống chung của thế giới. Đề nghị sắp tới khi tổ chức sơ kết và đánh giá, đề nghị và đánh giá để công nhận những người đạt danh hiệu công dân học tập thì phải đánh giá dựa trên các tiêu chí mà TW Hội khuyến học đưa ra. Ví dụ như làm ở nông thôn thì lấy tiêu chí của nông dân, nếu chúng ta làm ở khu vực nhà máy thì lấy tiêu chí của công nhân, những người nào có trình độ từ cao đẳng trở lên thì theo tiêu chí của người trí thức.
TW Hội khuyến học Việt Nam mong đợi rằng cho đến tháng 6 các địa phương có thể thực hiện bình chọn xem một số người có thể mang ra đánh giá công dân học tập. Hội khuyến học hy vọng rằng những người công dân học tập đầu tiên của Việt Nam sẽ đảm bảo.
Riêng đối với số 49, TW Hội Khuyến học đã làm việc với Ban Tuyên giáo nhiều lần là đối với tất cả các Đảng viên khi đã có mô hình công dân học tập thì tất cả Đảng viên phải là công dân học tập. Điều này thì các bác ở Hội Khuyến học không thể làm điều này được. Nên Ban Khuyến học cũng đề nghị cấp ủy để Ban Tuyên giáo đề nghị với Ban Bí thư đưa chỉ thị xuống các tỉnh để làm thế nào đó để tất cả các Đảng viên tham gia vào công dân học tập này.
TW Hội khuyến học có thể bình xét được một số người trong thử nghiệm đã đạt được yêu cầu của công dân học tập và những người cụ thể ấy từ đó TW Hội khuyến học sẽ rút ra những bộ tiêu chí phù hợp và hoàn chỉnh.
TS. Nguyễn Hồng Sơn Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
TS. Nguyễn Hồng Sơn hướng dẫn Hội nghị tập huấn về phương pháp xây dựng các bản tự đánh giá, kê khai xác minh, minh chứng lý lịch Bộ tiêu chí đánh giá công dân học tập nhấn mạnh:
Khoảng 2013 nước ta có tổ chức một hội nghị rất là lớn – Hội nghị quốc tế về xã hội học tập mà lúc đó thế giới đang đánh giá rằng Việt Nam đang dẫn đầu về xây dựng xã hội học tập. Vì thực tế là từ 2005 chúng ta đã xây dựng đề án xã hội học tập rồi mà lúc ấy các nước trên thế giới đều chưa làm, họ thấy lạ là Việt Nam đi trước. Và UNESCO đã đánh giá Việt Nam đi trước các nước trong khu vực khoảng năm đến mười năm về xây dựng xã hội học tập.
Cái tiêu chí thứ nhất gọi là việc cập nhật thông tin, thu thập thông tin hàng ngày để có thêm hiểu biết. Thì thực tế ở đây chúng ta phân ra làm 4 cái môi trường để tiếp nhận thông tin, từ sách vở, từ điện thoại di động, từ máy tính, và từ chính cái tivi xem hàng ngày. Mức 1 là chưa đạt. Mức 2 là đang phấn đấu, sắp đạt được – 5, 6 điểm là gần đạt. Mức 3 – 7, 8 điểm là đạt nhưng chưa phải xuất sắc. Mức 4 là xuất sắc và giỏi. Cách chia điểm này vừa dễ cho người tự phấn đấu đánh dấu vào trong đó và vừa dễ cho cách cho điểm và thống kê sau này. Đây là ý tưởng của thường trực Hội và của một số nhà khoa học, một số trường đại học tạm đưa ra như vậy. Và TW Hội hy vọng từ giờ đến tháng 6 nhận được đóng góp rất nhiều từ các Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố lên Hội Khuyến học TW để chỉnh sửa trước khi trình Thủ tướng Chính phủ làm sao cho nó cơ bản là phù hợp nhất và được toàn dân hưởng ứng.
Tiêu chí thứ hai, phải xây dựng cho mình kế hoạch tự học. Yêu cầu xây dựng cho mình bản kế hoạch học tập, không nhất thiết phải viết ra nhưng đều phải nghĩ rằng thời gian này, quý này, tháng này, ta phải học thêm cái gì. Thậm chí với các bác 70 tuổi vẫn cố gắng học để lấy được một chứng chỉ ngoại ngữ theo kiểu 6.5 của IELTS, hay chứng chỉ B, C để về dạy cho con cháu giờ đang học tiểu học, giờ cũng đang học tiếng Anh, phải học được để dạy cho các cháu. Kế hoạch hoặc tập dựa trên ý tưởng hoặc viết ra giấy nhưng về kết quả là phải có và đạt thành công thì phải có kế hoạch học tập càng dài hạn càng tốt.
Nếu không có kế hoạch học tập thì không thể cho điểm, còn nếu có kế hoạch học tập thì tùy từng mức độ thì để cho đạt mức 2 là có kế hoạch học tập dài hạn, đạt kết quả là mức 3, còn xuất sắc lấy được bằng ví dụ như bằng đại học thì đạt mức 4 – là quá xuất sắc.
Theo thống kê của Đại học Mở Hà Nội, không phải tất cả sinh viên trường đều là thanh niên, năm vừa rồi có 1 bác 76 tuổi đã lấy được bằng cử nhân tiếng Anh, một bác 72 tuổi bảo vệ thành công Thạc sĩ chuyên ngành về Luật.
Tiêu chí thứ ba là bố trí thời gian hợp lý giữa học tập và làm việc xen kẽ để đảm bảo có thời gian học tập, tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ, nhà văn hóa tập trung ở cộng đồng. Tiêu chí này dễ nên từng người có thể tự cho điểm, không có gì là khó cả. Những ai không tham gia thì không đạt, còn có những người tích cực tham gia các câu lạc bộ văn thơ, khiêu vũ,… Cách sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động này trong sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường. Ngoài ra, còn có thể tham gia các hội thảo, các lớp học ở các trung tâm văn hóa cộng đồng và Hội Khuyến học sẽ cùng góp sức.
Tiêu chí thứ tư là gương mẫu để tạo điều kiện cho các thành viên khác tham gia học tập. Đây là tiêu chí hơi khó hơn một chút do nó mang tính định tính, có vẻ không rõ ràng. Nếu nhìn vào 1 gia đình, khi bố mẹ đi bán hàng ngoài chợ, thu nhập không ổn định, con cái chểnh mảng học hành thì khả năng là cha mẹ không quan tâm đến việc học hành của con, thì không thể cho điểm được. Đối với doanh nghiệp, cơ quan, anh là chủ cơ quan nhưng nhân viên xin phép đi học thêm thì anh lại không tạo điều kiện cho họ thì có thể đánh giá doanh nghiệp đó không xây dựng mô hình đơn vị học tập. Cần phải tạo điều kiện, động viên mọi người tham gia học tập. Ví dụ 1 trường THPT, thì các giáo viên của trường đều sẽ là công dân học tập, ngoài kiến thức cần có, giáo viên còn cần phải học thêm về nghiệp vụ, kỹ năng sống khác cần thiết, thậm chí là học thêm ngoại ngữ khác, các môn nghệ thuật,… nhưng nếu hiệu trưởng trường không cho phép mà để cho nhân viên chỉ tập trung vào nghiệp vụ chuyên môn thì không thể thành đơn vị học tập và chính công dân đó khó có thể trở thành công dân học tập.
Tiêu chí thứ năm là tiêu chí mà khi đưa vào các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh biên giới thì có nói là khá là khó để thực hiện, lý do là sử dụng được các công cụ thông tin thành thạo không dễ, nhất là đối với những người lớn tuổi. Đơn cử như việc chuyển tiền qua tài khoản thôi thì không phải ai cũng biết chuyển tiền, nhưng đây là tiêu chí không thể hạ thấp được vì từ nay đến 2025, Chính phủ ký Quyết định 749 về chuyển đổi số quốc gia thì gần như mọi công dân đều phải vào cuộc. Đến 1/7/2021, Bộ Công an sẽ phải hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu quốc gia về căn cước công dân. Tất cả những vấn đề này thì sau này chúng ta đều phải thực hiện hết. Vì thế, kỹ năng về công nghệ thông tin là không thể hạ thấp được và phải cố gắng để học tập.
Khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng được điện thoại thông minh, hoặc sử dụng máy tính để xem thông tin. Các nước trong khu vực đánh giá kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của Việt Nam là đang trong nhóm đầu. Những người chưa thành thạo thì cần phải tự học để thành thạo. Các kỹ năng về công nghệ thông tin cần được nâng cao và để thành thạo thì cần phải qua quá trình tự học. Sử dụng các kiến thức công nghệ cao đó để sử dụng các thiết bị di động, máy tính, tivi có truy cập internet.
Đối với cán bộ công chức, người lao động đang hưởng lương thì buộc phải có chứng chỉ năng lực công nghệ thông tin để chứng minh khả năng sử dụng công nghệ thông tin, còn đối với công dân bình thường chỉ cần khai báo xem họ sử dụng được đến đâu là đánh giá được.
Đây là tiêu chí khá cao nhưng không thể hạ thấp, nếu hạ thấp thì đến 2025 theo chương trình chuyển đổi số quốc gia thì chúng ta sẽ không hoàn thành được. Đây là vấn đề cần tập trung để nâng cao.
Tiêu chí số sáu là tiêu chí về hội nhập, năng lực ngoại ngữ. 70% dân số Việt Nam nói rằng không cần sử dụng ngoại ngữ, nhận định ngoại ngữ không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó sẽ dễ dàng phát sinh tình trạng các lao động từ nước ngoài (như Trung Quốc, Malaysia, Philippin,…) sẽ sang Việt Nam để làm lao động tự do khi mà các hiệp định khiến cho việc dịch chuyển lao động trở nên dễ dàng. Người Việt Nam không có ngoại ngữ sẽ không dịch chuyển lao động sang nước ngoài và có khả năng mất việc làm ngay trên sân nhà, nhất là đối với lớp trẻ cần phải biết ngoại ngữ.
Tiếp đến là tiêu chí thứ bảy là dành nhiều cho lực lượng đang học tập, đang lao động – là tiêu chí về tính toán, sắp xếp công việc để sao cho công việc có hiệu quả nhất. Tiêu chí này theo tiêu chí của Công dân toàn cầu của châu Âu thì đây là tiêu chí về toán học, tính toán logic, nhưng khi về đến Việt Nam thì để đơn giản hóa cho người nông dân và người công nhân dễ hiểu, dễ áp dụng thì tiêu chí này được sửa thành tiêu chí về tính toán, sắp xếp công việc để sao cho công việc có hiệu quả nhất, dùng hiệu quả công việc để đánh giá.
Tiêu chí số tám là tư duy biện chứng, tư duy phản biện. Đây là tiêu chí khó đánh giá. Thì trong tài liệu của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong có đề cập thế nào là tư duy biện chứng, thế nào là tư duy phản biện. Ta chỉ cần hiểu là người không a dua, thể hiện quan điểm của bản thân dứt khoát về các vấn đề trong cuộc sống, đúng sai rõ ràng – đây là tư duy biện chứng. Phải ủng hộ cái đúng, phản đối cái sai. Đây là một trong những phẩm chất của công dân.
Tiêu chí thứ chín là về các mối quan hệ xã hội, ứng xử, giao tiếp, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, xây dựng các mối quan hệ thân thiện, giảng hòa tránh xảy ra xung đột.
Công dân cố gắng tự đánh giá, để tập thể tự nhận xét, đánh giá. Đấy là tiêu chí tác động đến cả xã hội. Đảm bảo sự phát triển cân bằng của xã hội. Mức điểm để đánh giá cũng rất sễ. Mức 1 sống khép kín, không giao lưu với ai – không đạt. Mức 2 là có tham gia nhưng tham gia không đều các cuộc họp dân phố, tổ dân cư hoặc tham gia nhưng không đóng góp ý kiến. Mức 3 là tham gia và đóng góp ý kiến trong cuộc họp dân phố, tổ dân cư. Mức 4 là người đứng ra tổ chức các khu vui chơi, các hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường.
Đối với cán bộ công chức thì còn phải chấp hành nội quy, quy định của cơ quan. Như vậy, với cán bộ công chức thì đánh giá dễ hơn so với công dân, người lao động thì do cá nhân, cộng đồng đánh giá, suy tôn những người có đóng góp cho xã hội.
Việc xây dựng gia đình học tập cũng dễ dàng đạt được giống như mô hình gia đình văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa thành gia đình học tập mà ta đã triển khai thì khi hoàn thành được thì trên cơ bản ta đã đánh giá hoàn thành mô hình này.
Cách xây dựng tiêu chí là phải được nâng cao dần theo thời gian, do sự học là việc từng bước vững chắc và tích lũy từ từ.
Cuối cùng tiêu chí thứ mười là hợp tác chia sẻ và bình đẳng giới, tuân thủ pháp luật. Quả thực gần đây, nhờ có tiêu chí này mà có sự ra đời của nhiều hợp tác xã cùng hợp tác chia sẻ trong lao động sản xuất, trong cuộc sống. Trước đây, sinh viên Việt Nam khi học tập ở nước ngoài không tham gia giao lưu với người dân bản xứ, nhưng hiện nay, người dân Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng giao lưu, hợp tác chia sẻ.
Cần học hỏi chia sẻ, nếu không biết thì cần học hỏi, chia sẻ giúp đỡ lần nhau trong gia đình, trong công việc, trong cơ quan, doanh nghiệp và ngoài xã hội. Đây là phẩm chất buộc phải có của công dân. Không biết không cho điểm. Biết ít có chia sẻ, có tham gia các hoạt động xã hội đạt mức trung bình. Chủ động tham gia hoạt động cộng đồng đạt mức 3. Người đứng ra chủ động tổ chức các hoạt động ấy thì đạt mức 4.
Hội Khuyến học cơ sở cấp xã sẽ xác nhận bảng tự kê khai này cho công dân chứ chưa đến mức phải qua UBND để đóng dấu xác nhận do chúng ta chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các Hội trưởng Hội Khuyến học cấp xã xác nhận các bảng kê khai này.
Các bản tự kê khai từ 80 điểm trở lên mới được coi là công dân học tập. Nhưng trong mô hình thí điểm thì chỉ cần trên 70 điểm là chúng tôi đã hài lòng rồi. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì có thể nâng dần theo từng năm, và ta sẽ triển khai trong 10 năm, mỗi năm chỉ cần nâng khoảng 5 điểm thì cũng đã là thay đổi rất lớn.
Vũ Văn Thanh – Phó chủ tịch Hội khuyến học tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ công tác Hội, báo cáo công tác tuyên truyền Quý 1 năm 2021 và phân công nhiệm vụ thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “ Công dân học tập” chuyên sâu.
Nội dung chương trình hành động thể hiện rõ những công việc và nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện triển khai trong toàn khóa. Nổi bật là nhóm 1 với nhiệm vụ đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, công tác quản lý của các chính quyền đối với công tác khuyến tài khuyến học. Có 9 nhiệm vụ nổi bật đã được thực hiện với quyết tâm xây dựng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020 - 2025. Nhóm thứ 2 với nhiệm vụ phát huy vai trò lòng cốt của hội khuyến học trong liên kết phối hợp xây dựng và phát triển xã hội học tập. ( 14 nhiệm vụ cụ thể mà Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong tỉnh để tạo sức mạnh tổng hợp và phát huy vai trò của Hội khuyến học), nổi bật nhất là phối hợp với Sở giáo dục đào tạo thực hiện Kết luận 49 – KL/TW (10/05/20219) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 – CT/TW (13/04/2007) và Quyết định 489/QĐ – TTg (08/04/2020) của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai kết luận 49 – KL/TW. Với nhóm thứ 3 thì Hội Khuyến học tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh, nổi bật 3 nhiệm vụ quan trọng ( đưa nội dung và tiêu chí các mô hình học tập, xã hội học tập vào trong sinh hoạt chi bộ Đảng và đánh giá xếp loại chi bộ và tổ chức cơ sở Đảng hàng năm). Với nhóm thứ 4, Hội Khuyến học tham gia xây dựng đời sống xã hội học tập ( 3 nhiệm vụ quan trọng là đưa nội dung của khuyến học, khuyến tài vào nghị quyết xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và xếp loại danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa hàng năm). Với nhóm thứ 5 thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng.
Đại biểu Hội khuyến học xã, Phường phát biểu.
Đại biểu Hội khuyến học xã, Phường phát biểu.
Kết luận buổi tập huấn: GS.TS Phạm Tất Dong hướng dẫn triển khai mô hình, các tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã trao đổi ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu để phổ biến tập huấn về phương pháp xây dựng các bản tự đánh giá, kê khai xác minh, minh chứng lý lịch Bộ tiêu chí đánh giá công dân học tập cùng với thảo luận sôi nổi của các đại biểu Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn.
Buổi tập huấn diễn ra thành công tốt đẹp, dưới sự hướng dẫn của GS.TS Phạm Tất Dong và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình và các đại biểu Hội khuyến học xã, phường, thị trấn, tỉnh làm thí điểm nắm được cách thức thực hiện Bộ tiêu chí mô hình “ Công dân học tập” chuyên sâu.
Theo https://hd24h.vn/