Cứ mỗi dịp tết đến xuân về và các lễ hội được tổ chức tại các danh lam, thắng tích, trong không gian tịch mịch tôn nghiêm những khúc hát văn lại vang lên rộn ràng làm xao động lòng người!
Chúc văn dâng thánh tại Đền Cầu Thượng
Hát văn còn gọi là hát Chầu văn có xuất xứ ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của cha ông ta. Trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi: "Thời Trần có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu". Nghi thức hát Chầu văn được coi là hình thức ca hát tín ngưỡng, với cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh. Người xưa tin rằng, thông qua lời hát Chầu văn có thể thiết lập kênh giao tiếp với các Mẫu cùng các chư vị thiên thần, nhân thần để bày tỏ nguyện vọng và niềm mong ước của bản thân và gia đình. Đặc biệt, các Mẫu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là biểu tượng có cội nguồn từ sâu thẳm nơi ký ức của cả cộng đồng dân tộc...
Nghi lễ hát văn xưa kia của người Việt diễn ra nơi cửa đền, đình trong những ngày đầu xuân hay các ngày lễ hội thì ngày nay cung văn còn có thể hát Chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, đình và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu cho các mong ước của khách hành hương, mọi điều được như ý, cát tường. Ngày nay, nghệ thuật Chầu văn đang được quan tâm bảo tồn, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được người dân, khách du lịch và bạn bè quốc tế quan tâm nhiều hơn. Tìm hiểu khúc hát văn, chúng tôi đã không quản xa xăm, tìm về điệu Cờn, Dọc, Xá và các thể loại khác ở nhiều miền quê vùng Đồng bằng Bắc bộ. Sau đây trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài thơ “Tìm lại khúc hát văn”của tác giả Lại Tây Dương Hội Khuyến học tỉnh thái Bình:
Câu lạc bộ thôn Cầu Thượng múa cô đôi thượng ngàn
Tìm lại khúc hát văn
Chỉ vì khúc hát Chầu văn
Mà tôi chẳng quản xa xăm tìm về
Nồng nàn hương ấm làng quê
Câu ca nghiêng mảnh trăng thề ngoài sân
Lạ chưa cung bổng cung trầm
Cũng chìm nổi, cũng gian truân một thời
Chắt chiu muôn vạn cuộc đời
Khúc nay lại thắm môi người năm xưa
Điệu cờn, điệu xá đong đưa
Ngỡ khi theo mẹ lên chùa cầu may
Nhặt khoan gió thổi, mây bay
Tưởng đồng vọng cội nguồn này ngàn năm
Nào ai gửi áo, gửi khăn
Để câu lục bát ướt đầm duyên nhau
Khúc văn nối lại nhịp cầu
Trắng trong là mối tình đầu đã qua
Mái đình, giếng nước, cây đa
Kìa ai mớ bẩy, mớ ba thẹn thùng
Lắng vào ký ức rưng rưng
Hồn làng thổn thức trong từng lời ca
Mưa như rắc bụi đồng xa
Chạm câu hát ngỡ nắng lòa trời xuân.
Lại Tây Dương