Cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Nga chống quân xâm lược Naponeong được tái hiện trong nhà kính
Nền giáo dục Cộng hòa Liên bang Nga được kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn của nền giáo dục Xô-Viết. Theo Luật Giáo dục năm 1992, bậc học phổ thông ở Nga là 11 năm, từ lớp 1 đến lớp 11. Năm 1999 khi sửa đổi Luật Giáo dục năm 1992, Bộ Trưởng Tư pháp Nga là ông Filippov đề xuất thí điềm xây dựng chương trình phổ thông 12 năm, nhưng cuối cùng xã hội Nga chỉ tán thành mô hình 11 năm theo công thức 4 + 5 + 2 tương đương bậc Tiểu học, THCS, THPT. Môn giáo dục Lịch sử được coi trọng hàng đầu, học sinh phổ thông được học với tư cách là môn học độc lập từ lớp 5 đến lớp 11. Tuy nhiên chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử không phải là những trang sách đầy chữ, những bài học dày đặc lý thuyết và sự kiện. Nhà trường, nhà giáo ở Nga có phương pháp tổ chức dạy học khiến cho môn Lịch sử trở nên sống động, dễ tiếp thu, tạo hứng thú cho học sinh học tập. Nhưng vẫn có một thực tế là việc dạy và học Lịch sử trong nhà trường ở nước Nga hiện nay vẫn còn quá chú trọng vào việc phục vụ cho các kì thi (Học ứng thi).
Lịch sử là môn học bắt buộc, thực hiện nhiệm vụ chính là cung cấp trí thức khoa học và giáo dục lòng yêu nước
Môn học Lịch sử có vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước Nga từ trước nay (Thời Cộng hòa Liên bang XHCN Xô-Viết cũng như vậy). Bởi đối với dân tộc Nga, môn học Lịch sử là môn học cung cấp tri thức khoa học, giáo dục lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc. Đó là giá trị cốt lõi không bao giờ được thay đổi, cũng đồng thời là mục tiêu cao nhất mà môn học muốn hướng đến.
Chương trình, Sách giáo khoa Lịch sử phổ thông của CHLB Nga chủ yếu tập trung vào hai mảng kiến thức: Lịch sử thế giới và Lịch sử nước Nga. Từ lớp 4 học sinh đã được giới thiệu sơ lược. Từ lớp 5 đến lớp 9 là những bài học chuyên sâu, nghiên cứu chi tiết, trong đó, phần Lịch sử thế giới cổ đại được giảng dạy ở lớp 5, Lịch sử thế giới thời trung đại ở lớp 6, Lịch sử thế giới cận đại ở lớp 7, lớp 8 và Lịch sử thế giới hiện đại ở lớp 9. Phần Lịch sử nước Nga tập trung giảng dạy về các vấn đề lịch sử dân tộc Nga. Đến lớp 10, lớp 11, học sinh sẽ được học lại Lịch sử thế giới và Lịch sử nước Nga, với nội dung theo hướng tổng hợp và nâng cao mở rộng theo các chuyên đề trọng tâm.
Nhìn chung, các mảng nội dung giảng dạy của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước Nga khá giống của Việt Nam. Tuy nhiên do đặc điểm địa lý, nước Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, nên phần Lịch sử địa phương được chú trọng giảng dạy một cách có hệ thống và chi tiết, bằng nhiều hình thức tổ chức dạy học phong phú hơn để phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ nhận thức của dân cư từng vùng miền.
Ứng dụng CNTT, sử dụng các phương tiện nghe nhìn hiện đại và đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học lịch sử
Giáo dục Nga được chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại. Các giờ học Lịch sử đều được hỗ trợ bởi các phương tiện nghe, nhìn đặc biệt là việc hỗ trợ của các kênh hình, những hình ảnh minh họa sống động, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh, từ đó tạo ra sự thu hút, tạo niềm đam mê hứng thú cho học sinh. Lịch sử là môn học được học sinh phổ thông Nga rất yêu thích.
Không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức, trong các tiết học Lịch sử ở Nga, học sinh được tham gia vào các giờ kể chuyện Lịch sử, ở đó luôn tràn ngập những câu chuyện sống động, lôi cuốn. Những câu chuyện, bài thơ, bài hát Lịch sử đầy màu sắc về các trận chiến oai hùng, những nhân vật huyền thoại, các truyền thuyết đều được sống dậy, bằng cảm hứng và giọng điệu lôi cuốn riêng của từng giáo viên, từ đó khơi gợi lên trong các em học sinh thật nhiều cảm xúc.
Sử dụng học liệu đa phương tiện trong giảng dạy và tăng cường các hoạt động trải nghiệm
Nga rất chú trọng và quan tâm đến việc sản xuất phim tài liệu Lịch sử, cả phim điện ảnh, truyền hình, lẫn phim hoạt hình đồ họa tạo nguồn học liệu hấp dẫn giúp học sinh chủ động tìm tòi, tiếp cận với các tư liệu Lịch sử. Hệ thống thư viện số được thành lập và sử dụng rộng rãi trong dạy và học.
Các nhà trường, nhà giáo ở Nga rất chú trọng việc giảng dạy Lịch sử trên thực địa, qua sa bàn và ở các bảo tàng, di tích lịch sử. Các em học sinh vừa được đi tham quan, vừa được nghe giảng, vừa được tận mắt nhìn ngắm di sản, di tích lịch sử, vừa có thể tham gia các hoạt động khác như: thu thập thông tin, nghiên cứu, hỏi đáp. Chính quyền thành phố Matxcova xây dựng một mô hình trận đánh lớn của quân đội Nga do Nguyên soái Kutuzov chỉ huy chống lại cuộc tấn công như vũ bão của quân đội Napoleon tại Borodinno trong nhà kính. Khi đến học tập hoặc thăm quan học sinh như được chứng kiến trận đánh đang diễn ra tại chiến trường dưới bầu trời mù mịt khó súng, vẫn còn nghe tiếng ngựa hý, lửa cháy, súng nổ…Ngoài phục vụ dạy học mô hình này còn là nơi thăm quan, du lịch, giúp du khách hiểu thêm về lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại quân xâm lược Napoleon của nhân dân Nga.
Đối với Lịch sử dân tộc Nga chương trình, sách giáo khoa phổ thông hướng người học tiếp cận một cách toàn diện tri thức khoa học quá trình hình thành, phát triển kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa xã hội... Trong đó các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và di sản, bản sắc văn hóa dân tộc được đặc biệt coi trọng, là gam màu nổi nhất trong toàn bộ chương trình. Có lẽ như vậy nên là một quốc gia rộng lớn nhất (1/9 diện tích thế giới), trải dài từ đông đến tây bán cầu có nhiều múi giờ, nằm giữa sự giao thoa, giằng kéo của 2 nền văn hóa đông tây, có nhiều dân tộc khác nhau phải đương đầu với những cuộc chiến tranh tàn khốc (Chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược Napoleon năm 1812; Chiến tranh vệ quốc chống chủ nghĩa Phát xít 1939 -1945), nước Nga vẫn trường tồn và trở thành cường quốc thế giới, lãnh thổ quốc gia được bảo vệ, văn hóa dân tộc Nga không chỉ giữ được bản sắc mà còn tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới./.
Nguyễn Văn Đầm Hội Khuyến học Thái Bình