Cả hệ thống chính trị và nhân dân trong Tỉnh đồng tâm, hợp lực xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình
Tháng 9/1999 Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Tổ chức UNESCO tại Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Thái Bình xây dựng, thành lập Trung tâm học tập cộng đồng xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư. Sau 1 năm hoạt động, Trung tâm học tập cộng đồng Việt Thuận đã tổ chức cho hơn 2.000 người dân được tham gia học tập bằng nhiều hình thức và đưa tỷ lệ dân số địa phương được đi học lên trên 50%. Từ thực tế của Trung tâm học tập cộng đồng Việt Thuận cho thấy việc xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình là đúng hướng, cần thiết và có thể nhân rộng. Đầu năm 2002, toàn tỉnh có 22 Trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và đi vào hoạt động tại 8 huyện, thị xã. Thực hiện Kết luận 04/KL-TU ngày 14 tháng 3 năm 2002 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, phong trào xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng phát triển nhanh, mạnh. Đến tháng 12/2006, Thái Bình là tỉnh đi đầu cả nước khi đó 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành việc thành lập Trung tâm học tập cộng đồng và đi vào hoạt động, vượt kế hoạch đề ra hơn 2 năm. Đến nay, sau khi sáp nhập một số địa phương, toàn tỉnh có 260 Trung tâm học tập cộng đồng.
Trung tâm học tập cộng đồng xã Vũ An huyện Kiến Xương, học tập chuyên đề: Xây dựng và phát triển mô hình dòng họ học tập ở Thái Bình (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
Từ kết quả trên cho thấy việc xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình đã thể hiện quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong Tỉnh. Trong đó, Hội Khuyến học tỉnh chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chỉ đạo việc thành lập, ban hành quy chế hoạt động, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí, tập huấn, cung cấp tài liệu giảng dạy; …
Trung tâm học tập cộng đồng Thị trấn huyện Tiền Hải, học tập chuyên đề: Tăng cường truyền thông các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng trên website và mạng xã hội (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
Nội dung chương trình học tập ở các Trung tâm học tập cộng đồng đa dạng, thiết thực, thu hút ngày càng nhiều lượt người tham gia đã tạo điều kiện cho nhiều người dân được học tập, trình độ dân trí được nâng lên, góp phần củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Trung học ơ sở. Hội Khuyến học tỉnh đã liên kết, phối hợp với các cán bộ khoa học trong tỉnh xây dựng chương trình giảng dạy gồm 105 bài cơ bản về 4 nhóm chuyên đề: đường lối chính sách, pháp luật; khoa học kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ mới; đời sồng văn hóa, sức khỏe, môi trường; bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học và dạy nghề. Bên cạnh đó, xuất bản 2 cuốn sách “Đề cương các bài giảng của Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn” (tập I; II) và tập bài giảng về Môi trường gồm 10 bài học làm tài liệu giảng dạy tại các trung tâm. Ngoài ra, các Trung tâm học tập cộng đồng đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, trung tâm khuyến nông, trung tâm chuyển giao công nghệ đưa kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất đến với nhiều hộ gia đình để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, điển hình là xã Đông Thọ (Thành phố), xã Nguyên Xá (Vũ Thư), xã Duyên Hải (Hưng Hà), xã Minh Tân, xã Trọng Quan, xã Nguyên Xá (Đông Hưng), xã Vũ An (Kiến Xương), Thị trấn Tiền Hải;… Có thể thấy, các Trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần làm tăng tính gắn bó các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân, các thôn, làng; các phong trào của địa phương được đẩy mạnh, quy về một mối và được thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của chính quyền cơ sở. Trung tâm học tập cộng đồng ở Thái Bình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, công nghiệp; góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng. Sự tồn tại và phát triển của các Trung tâm học tập cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu học thiết thực, cần gì học nấy, học để làm ngay, ứng dụng ngay vào lao động sản xuất và cuộc sống.
Trung tâm học tập cộng đồng Đông thọ Thành phố Thái Bình, học tập chuyên đề: Thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
24 năm qua, kể từ ngày thành lập Trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên tại xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư), các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò, vị trí trong việc góp phần nâng cao dân trí và có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức, thời đại số, kỷ nguyên số, yêu cầu phát triển, chia sẻ tri thức và đa dạng hóa cơ hội học tập của người dân, các Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay đang bộc lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, chất lượng thấp, mang tính phong trào, hình thức, cầm chừng…
Thái Bình đang chủ động thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả và tổ chức thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng trong toàn tỉnh. Vì vậy, việc đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng là tất yếu, làm cho Trung tâm học tập cộng đồng thực sự trở thành mô hình giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và của đất nước./.
Ngọc Sơn